Giải đáp thắc mắc về tiền hỗ trợ, thưởng Tết, thu nhập tăng thêm của giáo viên

10/01/2024 06:50
Hoài Thanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng, kế toán biết cân đối thu chi thì gần như chắc chắn giáo viên sẽ có một khoản để trang trải dịp Tết, về quê thăm gia đình,…

Có nơi, giáo viên đến Tết Âm lịch (Nguyên đán) không có bất kỳ khoản tiền thưởng hay tiền thu nhập tăng thêm không phải là hiếm, khiến thầy cô chạnh lòng, buồn tủi.

Nhiều giáo viên công tác hơn 30 năm, sắp về hưu nhưng chưa bao giờ biết có một đồng tiền thưởng Tết nào, có chăng chỉ là vài ba gói trà, bánh mứt từ Công đoàn dịp Tết.

Các cơ sở giáo dục có quy định nào về thưởng Tết, hỗ trợ tiền Tết hay không?

Căn cứ vào tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, khi thực hiện cải cách tiền lương, quỹ tiền thưởng của viên chức sẽ bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Do đó, tiền thưởng của viên chức sẽ được bổ sung vào cơ cấu tiền lương nếu thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, quỹ tiền thưởng của viên chức theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 hiện chưa được triển khai. Do đó, giáo viên là viên chức sẽ không được thưởng Tết. Đồng thời, các quy định của pháp luật chưa quy định về lương "tháng 13" cho giáo viên.

Như vậy, ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có bất kỳ quy định nào thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương "tháng 13" cho giáo viên.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể quy định khoản hỗ trợ dịp Tết cho giáo viên, số tiền hỗ trợ thì được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị theo quy định tại Nghị định Số: 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị có thể quy định chi hỗ trợ Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại đơn vị bằng nguồn thặng dư từ các nguồn thu và nguồn ngân sách (chi phúc lợi tập thể) theo Điều 22. Phân phối kết quả tài chính trong năm dành cho đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4).

“1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.

2. Đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:

a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

b) Chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;..”

Như vậy, hiệu trưởng, kế toán cùng toàn thể hội đồng sư phạm hoàn toàn có thể xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ hỗ trợ giáo viên, nhân viên dịp Tết nguyên đán, số lượng ít hay nhiều tùy thuộc vào nguồn ngân sách và sự cân đối, phân bổ ngân sách.

Người viết đang công tác tại trường ở một huyện thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tại đơn vị người viết trong quy chế chi tiêu nội bộ, quy định mỗi giáo viên được hỗ trợ Tết Âm lịch 1.000.000 đồng mỗi người, cũng xem như được an ủi, có được một phần kinh phí nhỏ để trang trải dịp Tết.

Trích các khoản chi phúc lợi tập thể trong quy chế chi tiêu nội bộ. Ảnh Hoài Thanh

Trích các khoản chi phúc lợi tập thể trong quy chế chi tiêu nội bộ. Ảnh Hoài Thanh

Người viết được biết hầu hết tất cả các trường lân cận từ mầm non đến trung học phổ thông đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ có khoản này. Tuy nhiên, mỗi đơn vị có mức chi khác nhau, có đơn vị hỗ trợ 500.000 đồng, có đơn vị 200.000 đồng, cũng có đơn vị hỗ trợ 1.500.000 đồng,…

Như vậy, nếu hiệu trưởng đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ thì gần như giáo viên, nhân viên sẽ có được một khoản hỗ trợ này, ít nhất cũng làm giáo viên ấm lòng nếu không còn kinh phí để chi trả thu nhập tăng thêm cuối năm.

Quy định chi trả thu nhập tăng thêm giáo viên ra sao?

Cũng tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định:

“a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người; chi thu nhập bình quân tăng thêm cho công chức, viên chức, nhân viên, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của công chức, viên chức, nhân viên, người lao động của đơn vị.”

Như vậy, đối với giáo viên tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) được chi tăng thu nhập theo quy định trên với mức Chi thu nhập bình quân tăng thêm cho công chức, viên chức, nhân viên, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của công chức, viên chức, nhân viên, người lao động của đơn vị.

Nếu hiệu trưởng, kế toán biết cân đối chi phù hợp, tiết kiệm các khoản,…thì giáo viên sẽ có được một phần thu nhập tăng thêm cho giáo viên dịp Tết Âm lịch.

Cũng tại đơn vị người viết công tác, hàng năm, giáo viên cũng được chi thu nhập tăng thêm trung bình khoảng 10 triệu mỗi giáo viên theo nguyên tắc hiệu trưởng, kế toán loại A hệ số 1,0; còn lại loại B hệ số 0,9.

Người biết được biết giáo viên ở một số khu vực khác có nơi cũng có khoản thu nhập tăng thêm cá nhân được vài chục triệu, nhưng có nơi giáo viên được chi không đến 100.000 đồng.

Hiệu trưởng, kế toán biết cân đối thu chi thì gần như chắc chắn giáo viên sẽ có một khoản để trang trải dịp Tết, về quê thăm gia đình,…

Dịp Tết Nguyên đán sắp đến, mong hiệu trưởng, kế toán các đơn vị, cân đối các khoản thu chi phù hợp để giáo viên có Tết, đừng để giáo viên mãi ngậm ngùi vì không có khoản thưởng, hỗ trợ nào dịp Tết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hoài Thanh