Ép HS chọn tổ hợp kiểu “có gì dùng nấy” là không đúng, tự chọn thì 'vỡ trận'

07/04/2022 06:41
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu học sinh đã lựa chọn môn học rồi, sau một năm thấy mình không có khả năng học các môn như lựa chọn thì có được thay đổi lựa chọn môn học hay không?

Đó là những băn khoăn, chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý Trường Trung học phổ thông tại Hải Phòng khi năm học 2022-2023 sắp tới sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10.

Theo nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn.

Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Năm môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với bản thân theo chương trình mới (Ảnh:LT)

Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với bản thân theo chương trình mới (Ảnh:LT)

Một số môn học có các chuyên đề học tập. Chẳng hạn, môn Công nghệ có chuyên đề Công nghiệp và Nông nghiệp.

Môn Mỹ thuật có nhiều chuyên đề khác nhau, như thiết kế công nghiệp, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, điêu khắc, hội họa, kiến trúc…

Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

học sinh được lựa chọn môn học, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.

Nhiều giáo viên cho rằng, nếu đã đề xuất cho các em tự chọn thì không thể để nhà trường xây dựng sẵn những chương trình để ép học sinh vào theo kiểu “lùa vào chuồng” bởi như vậy là không đúng với tinh thần, nội dung đã được phê duyệt.

Nhưng để các em tự lựa chọn thì có tới 108 tổ hợp môn và nguy cơ "vỡ trận" là điều có thể dự báo.

Hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông ngoài công lập tại Hải Phòng cho rằng, việc xây dựng tổ hợp môn sao cho hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường là thách thức đặt ra cho các cơ sở giáo dục ở thời điểm này.

“Trong năm học tới, nhà trường sẽ ưu tiên phát huy những thế mạnh vốn có, đồng thời, củng cố, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất để mở rộng tổ hợp môn, đáp ứng nhu cầu của người học trong những năm kế tiếp.

Quan điểm của nhà trường là làm đến đâu chắc đến đấy, không vội vàng. Trong năm đầu áp dụng, có thể lùi lại tổ hợp có môn Mỹ thuật, Âm nhạc, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, điều kiện cho năm học tiếp theo. Nếu chạy theo tất cả các tổ hợp chắc chắn không thể đáp ứng”, vị hiệu trưởng này.

Thầy Phạm Anh Phong – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàng Hải (Hải Phòng) nêu quan điểm, việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới như thế nào thì còn tùy thuộc vào điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, mục tiêu giáo dục… của mỗi trường.

Về việc lựa chọn 5 môn học tự chọn trong 3 nhóm môn thì ngay trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hướng mở để các trường thực hiện đó là: định hướng lựa chọn môn của học sinh theo khả năng đáp ứng của các nhà trường.

Vì thế về cơ bản, các nhà trường sẽ xây dựng một số tổ hợp môn để học sinh có thể lựa chọn theo điều kiện trường mình.

Ví dụ, các em có thiên hướng học Tự nhiên (ngoài 5 môn bắt buộc) sẽ có các tổ hợp để chọn: (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin), (Lý, Hóa, Sinh, Địa, Công nghệ), (Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Tin)…

Các em có thiên hướng xã hội có thể lựa chọn tổ hợp (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Lý, Tin), (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Hóa, Công nghệ), (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Tin, âm nhạc), (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Hội họa, công nghệ…).

Học sinh lựa chọn học môn tổ hợp, nhưng sau một năm thấy không phù hợp thì có được chọn lại? (Ảnh: LT)

Học sinh lựa chọn học môn tổ hợp, nhưng sau một năm thấy không phù hợp thì có được chọn lại? (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, theo thầy Phạm Anh Phong, thực tế có mấy vấn đề đặt ra mà ngành giáo dục phải thẳng thắn nhìn nhận.

Cụ thể, học sinh vào lớp 10 cần có thời gian để xác định năng lực, sở thích, mục tiêu học tập, nghề nghiệp tương lai…

Cái này thì phải trong quá trình học các em mới khám phá bản thân, thậm chí học xong Trung học phổ thông rồi các em còn lạc lối (bằng chứng là tỉ lệ rất cao học sinh chọn nhầm nghề, ngành, khối học; học sinh học hết lớp 12 còn băn khoăn học cái gì, thi cái gì…)

Muốn thực hiện được việc lựa chọn ngay khi vào lớp 10 thì học sinh phải được định hướng nghề nghiệp, xu hướng học tập ngay ở cấp Trung học cơ sở.

Còn không, phải xây dựng lớp 10 như là một năm định hướng, học sinh học các môn như hiện tại, tới lớp 11 trở đi học sinh xác định được năng lực, sở trường, sở thích để thực hiện lựa chọn môn học như trên.

Thực tế là hiện nay hầu hết các trường đang thực hiện chương trình cũ có xu hướng chọn khối thi cho học sinh như vậy. Điều này, giảm cái sai trong lựa chọn của học sinh.

Còn tới đây, nếu học sinh đã chọn rồi, sau một năm thấy mình không có khả năng học các môn như lựa chọn thì không biết thế nào.

Việc này chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc có cho học sinh thay đổi lựa chọn môn học hay không?

“Băn khoăn rất lớn là sự thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các trường trong số 3 nhóm môn tự chọn.

Đó sẽ là vấn đề rất lớn trong tương lai ở các trường công lập, không dễ giải quyết như một số chuyên gia phát biểu vì đó là câu chuyện giải quyết thừa, thiếu nhân sự trong biên chế chứ không phải như nhân sự các doanh nghiệp kinh tế tư nhân.

Mặt khác, nếu để học sinh tự do chọn môn học theo đúng lựa chọn của các em thì vấn đề đáp ứng về giáo viên, cơ sở vật chất là rất khó khăn cho các nhà trường, nhất là vùng sâu vùng xa”, thầy Phong nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Phong, việc băn khoăn nữa là xu hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học sẽ thế nào, có theo tổ hợp môn như hiện nay nữa hay không?

Vấn đề thi cử ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hướng giáo dục của học sinh và các trường học bởi tâm lý học “ứng thí” ăn sâu vào tư duy người Việt.

LÃ TIẾN