Đừng nghĩ cứ thả con xuống cổng trường, tối đón về là thành con ngoan, trò giỏi

10/01/2021 06:43
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng, phụ huynh đừng bao giờ nghĩ rằng, cứ đưa con đến cổng trường thả xuống và tối đón về là thành con ngoan - trò giỏi.

Thực tế cho thấy chúng ta đang phải đối diện với tình trạng bạo lực học đường gây sốc toàn xã hội, nhất là hiện tượng nữ sinh trung học đánh nhau rồi quay clip phát lên mạng xã hội, đến hành vi phụ huynh lao vào trường mầm non đánh trẻ em, rồi đâu đó vẫn còn tình trạng giáo viên ngược đãi học sinh.

Vậy làm sao để phát triển phẩm chất của người học khi mà ngay cả đội ngũ nhà giáo vẫn còn chưa rõ phát triển năng lực gắn liền với phát triển phẩm chất như thế nào, thậm chí phải đẩy mạnh phát triển phẩm chất để mở đường cho phát triển năng lực, vì phát triển phẩm chất là thay đổi tinh thần, thái độ từ đó mới thay đổi được hoạt động học tập, khi đó tự khắc phát triển năng lực.

Do đó, khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình môn Lịch sử thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng:

“Năm 2021, chúng ta cần tập trung tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn làm thế nào thông qua thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới các môn học, thông qua giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội kết hợp với nhau thế nào để phát triển phẩm chất của người học”.

Giáo sư Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Mặc dù năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực rất lớn trong việc xử lý các tình huống, trường hợp nổi cộm như vụ nữ học sinh đánh nhau ở Hưng Yên. Thậm chí, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Nghị định về xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên “chúng ta cần làm bài bản hơn, khoa học hơn nữa nhằm phát triển năng lực của người học”.

Điều kiện quan trọng nhất để phát triển phẩm chất, năng lực của người học là sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội là yếu tố quyết định.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta nhận diện thế nào về đứt gãy, không ổn trong sự phối hợp đó trong thời gian qua. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, gia đình – nhà trường – xã hội phối hợp không đồng bộ.

Đồng ý với nhận định này bởi Giáo sư Phạm Hồng Tung quan sát thấy nhiều phụ huynh đến họp cho con 2 lần/ năm học chủ yếu chỉ ngồi chờ nghe điểm số của con mình rồi so sánh với con nhà người ta, và sau đó là quan tâm năm học này đóng bao nhiêu tiền, những khoản gì … Và họ cứ nghĩ như vậy là hoàn thành trách nhiệm của phụ huynh rồi, nhưng “như vậy thực sự là chưa đủ”, thầy Tung nhấn mạnh.

Theo thầy Tung, cuộc họp cha mẹ học sinh quan trọng lắm vì đáng lẽ cha mẹ phải hiểu thấu môi trường giáo dục của con mình, hiểu con mình khi học ở đây ra thì sẽ trở thành học trò như thế nào, sau đó cùng nhau bàn bạc công khai việc phối hợp với nhà trường thế nào để giáo dục con mình.

Ngay cả chuyện họp phụ huynh, rất ít người đặt ra vấn đề giám sát bữa ăn của con mình nếu trường có bán trú, rõ ràng đó là quyền của cha mẹ học sinh. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng ngộ độc, chưa dẫn đến chết người, nhưng ngộ độc tập thể rồi đến hiện tượng nhà trường bớt xén suất ăn của học sinh.

Chúng ta đã biết cả, đáng lẽ những chuyện đó trong cuộc họp phụ huynh cùng nhà trường phải bàn chuyện giám sát thế nào. Hoặc nêu phương án khi học sinh đánh nhau trong trường thì kỉ luật ra sao … đó là các việc cha mẹ hoàn toàn cần phải giúp nhà trường và giám sát cùng nhà trường để đảm bảo môi trường học tập, tu dưỡng an toàn, thân thiện, nhân ái của học sinh. Tiếc rằng rất ít phụ huynh bàn chuyện đó.

“Tôi cho rằng, trách nhiệm của gia đình, tức là của phụ huynh rất lớn do đó đừng bao giờ nghĩ rằng, cứ đưa con đến cổng trường thả xuống và tối đón về là thành con ngoan - trò giỏi. Bởi mỗi gia đình chỉ 1-2 con mà còn vật vã chuyện con ăn gì, mặc thế nào cho phù hợp, có nghiện điện thoại di động không, có đi chơi quá thời gian cho phép với bạn bè không, có nhặt rác trong nhà không, rồi chuyện có học hành đúng giờ không…

Tôi biết nhiều gia đình có con học cấp tiểu học thì vật vã với đánh vần, lên trung học thì chuyện dậy thì nổi loạn, rồi chọn ngành nghề để thi đại học”, thầy Tung nói.

Nhìn ra được nguyên nhân nhưng phụ huynh gặp nhiều khó khăn khi không biết phối hợp với nhà trường thế nào, còn nhà trường nhiều khi cũng không biết đối thoại với cha mẹ học sinh ra sao. Tuy nhiên, theo thầy Tung: “Để mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường được giải quyết thì trường công nên “cắp sách” sang học trường tư”.

Qua khảo sát thực tế, thầy Tung nhận thấy, ở trường tư, các gia đình bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/ năm để đóng tiền học cho con. Vì kinh phí đó lớn nên họ có trách nhiệm kiểm soát việc nhà trường dạy dỗ con cái họ ra sao và nhà trường cũng mở các kênh thông thoáng để cha mẹ có thể tham gia vào quá trình giáo dục ở trong nhà trường. Thế nên mới có chuyện, ở trường tư thục rất ít xảy ra chuyện học sinh đánh nhau, phát tán clip trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa: Nguồn giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Nguồn giaoduc.net.vn

Thầy Tung tìm hiểu và biết một số trường tư ở Hà Nội, khi một học sinh có vấn đề nào đó “mâu thuẫn” với giáo viên ở một bộ môn nào đó thì bước đầu là giáo viên bộ môn đó phải nói chuyện với học sinh để xem vấn đề nằm ở đâu để thầy/ cô – trò cùng giải quyết.

Nếu thất bại thì vòng thứ hai là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cùng nói chuyện với học sinh để bàn cách tháo gỡ.

Nếu thất bại thì ở vòng thứ ba có thêm đại diện gia đình tức là phụ huynh hoặc người giám hộ. Nếu vẫn thất bại thì sẽ chuyên gia tư vấn tâm lý để tư vấn cho cả phụ huynh, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm.

Đến mức đó rồi mà vẫn thất bại thì rõ ràng đứa trẻ đó cần một môi trường giáo dục đặc biệt, cần tách ra dạy ở lớp đặc biệt. Tức là khi đó giáo viên, nhà trường, tập thể lớp (bình thường) có quyền từ chối những học sinh thật sự đặc biệt đó, nhưng lại vẫn tạo điều kiện để các học sinh đặc biệt nhận được sự giáo dục phù hợp.

Còn ở trường công thì không làm theo các bước như vậy vì không ai có quyền từ chối học sinh, họ cũng không có điều kiện để giáo dục những học sinh đặc biệt, do đó đôi khi nhà trường, tập thể lớp cùng phải trả giá cho một bạn nào đó đặc biệt.

Thùy Linh