Dù yêu nghề nhưng giáo viên vẫn xin nghỉ việc vì đồng lương quá ít ỏi

20/08/2023 06:33
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên dù yêu nghề nhưng vẫn quyết định nộp lá đơn nghỉ việc khi đồng lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 – 2022.

Thế nhưng, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa có dấu hiệu dừng lại, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Năm học 2022 - 2023, con số giáo viên nghỉ việc là 9.295 người.

Bước vào nghề với biết bao đam mê, tâm huyết, nhưng áp lực “cơm áo gạo tiền” buộc nhiều thầy cô phải lựa chọn nghỉ việc, để tìm kiếm một ngành nghề có thu nhập tốt hơn.

Anh Doãn Văn Thắng (sinh năm 1987, Quốc Oai, Hà Nội) từng là giáo viên Mỹ thuật và có nhiều năm gắn bó với bục giảng, với bảng đen phấn trắng. Thế nhưng cuối cùng anh đã gác lại công việc mơ ước vì đồng lương quá bèo bọt.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Doãn Văn Thắng cho biết, anh được vào biên chế ngành giáo dục ngày 1/9/2008 và được phân về công tác tại Trường Trung học cơ sở Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang trong 8 năm.

Sau khi xin nghỉ việc, anh Doãn Văn Thắng làm trong lĩnh vực thiết kế - chăm sóc cây cảnh sân vườn. Ảnh: NVCC

Sau khi xin nghỉ việc, anh Doãn Văn Thắng làm trong lĩnh vực thiết kế - chăm sóc cây cảnh sân vườn. Ảnh: NVCC

Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Thắng vẫn không quên những khó khăn, nhọc nhằn của giáo viên vùng cao khi ấy. Thế nhưng, tình yêu nghề, yêu thương học trò chính là động lực để thầy giáo vượt qua tất cả, cố gắng bám trường, bám lớp.

Sau 8 năm, anh được chuyển về công tác ở Hà Nội và là giáo viên tại Trường Tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

Dù tận tuỵ, nỗ lực làm việc và cống hiến nhiều năm, thế nhưng, khi trở về quê công tác, gánh nặng cơm áo gạo tiền, lo toan cho gia đình vẫn luôn là áp lực lớn với anh Thắng.

Trong suốt khoảng thời gian ấy, suy nghĩ từ bỏ nghề giáo để tìm một công việc thu nhập khá hơn như bủa vây tâm trí anh.

“Phải mất 5 năm tôi mới dám đi quyết định nghỉ việc dù suy nghĩ đó xuất hiện không biết bao nhiêu lần. Thực sự đó là một quyết định chẳng dễ dàng gì.

Thời điểm nghỉ việc, lương của tôi là 5,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó rất khó để trang trải cho cuộc sống, chăm lo gia đình và nuôi các con ăn học. Nếu công tác đến bây giờ, lương của tôi được khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.

Tôi cũng đã cố gắng tìm công việc bên ngoài, khi đã chắc chắn công việc đó có thể giúp tôi nuôi sống gia đình, tôi quyết định nghỉ việc, dù vậy, trong lòng cũng nhiều nỗi buồn khi phải rời xa trường, xa lớp, xa các em học sinh.”, anh Thắng tâm sự.

Năm 2018, anh Doãn Văn Thắng xin nghỉ việc, từ đó đến nay, anh làm trong lĩnh vực thiết kế - chăm sóc cây cảnh sân vườn để có mức thu nhập cao hơn, giúp gia đình anh có cuộc sống tốt hơn.

Cũng vì đồng lương không đủ đảm bảo cuộc sống mà chị Ngô Thị Ánh (Quốc Oai, Hà Nội) đã quyết định xin nghỉ việc sau hơn 14 năm gắn bó với công việc giáo viên mầm non.

Tâm sự với phóng viên, chị Ánh cho biết, năm 2007, chị bước vào nghề giáo từ vị trí của một giáo viên hợp đồng. Dù thế chị rất vui mừng, hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích.

Đến năm 2012, chị được vào biên chế, công tác tại một trường mầm non ở huyện Quốc Oai.

Chị Ngô Thị Ánh (ngoài cùng bên trái) khi còn là giáo viên mầm non. Ảnh: NVCC

Chị Ngô Thị Ánh (ngoài cùng bên trái) khi còn là giáo viên mầm non. Ảnh: NVCC

“Đồng lương của giáo viên hợp đồng khi ấy cũng rất thấp, chỉ có 540 ngàn đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp cũng được khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng ngày đó khó khăn tôi vẫn quyết tâm, cố gắng để được vào biên chế.

Năm 2010, tôi quyết tâm đi học và nhận bằng liên thông đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để được tuyển vào biên chế ngành giáo dục. Thế nhưng, khi mới được vào biên chế, thu nhập của tôi cũng chỉ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.

Sau khi lập gia đình và có con, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến tôi vô cùng áp lực, mức lương nghề giáo chẳng đủ giúp tôi lo cho cuộc sống, trong khi vật giá ngày một leo thang. Chồng tôi làm bảo vệ ở trường mầm non và làm thêm nông nghiệp. Tổng thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu, nuôi 3 con ăn học rất vất vả.

Từ năm 2018, tôi đã có suy nghĩ xin được nghỉ việc, nhưng một phần vì thấy tiếc cho ước mơ của mình, một phần vì được gia đình, nhà trường động viên, tôi lại cố gắng tiếp tục cố gắng.

Đến tháng 5/2022, tôi mới đủ quyết tâm để nộp lá đơn xin nghỉ việc, lúc đó, lương và phụ cấp thực lĩnh mỗi tháng là 6,7 triệu đồng. Nghỉ việc, tôi bước vào một công việc mới với mong ước có thu nhập cao hơn”, chị Ánh chia sẻ.

Hiện tại, chị Ánh đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Ảnh: NVCC

Hiện tại, chị Ánh đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Ảnh: NVCC

Chị Ánh cũng tâm sự: từ nhỏ, chị đã mong ước trở thành giáo viên, đặc biệt rất yêu trẻ con nên quyết định thi vào ngành giáo dục mầm non.

14 năm làm nghề dù khó khăn chồng chất nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian tuyệt vời, có biết bao kỷ niệm đẹp với chị.

Dẫu vậy, làm giáo viên mầm non, đồng lương thấp nhưng cực kỳ vất vả, Cả ngày làm việc ở trường, đi làm về muộn nên chị khó để thu xếp việc nhà, ít có thời gian cho gia đình, con cái.

“Dù sống ở nông thôn nhưng khi vật giá leo thang, mức thu nhập 6,7 triệu không đủ để tôi trang trải cho cuộc sống gia đình.

Trăn trở suốt hơn 4 năm để đi đến quyết định nghỉ việc, tôi cũng có nhiều tiếc nuối. Thỉnh thoảng vẫn nhớ nghề, nhớ trường, nhớ đồng nghiệp”, chị Ánh tâm sự.

Từ bỏ nghề giáo, chị Ánh đã đi học thêm các khóa đào tạo về chăm sóc sức khỏe. Hiện chị đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Mức thu nhập từ công việc mới giúp chị có đời sống kinh tế tốt hơn, đủ điều kiện chăm lo cho gia đình, các con.

Kim Ngọc