Gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học 2022-2023

31/07/2023 06:39
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hầu hết các cơ sở giáo dục không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật do chưa có giáo viên.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên môn Mỹ thuật và Âm nhạc được đưa vào dạy ở cấp Trung học phổ thông. Môn học mới được kỳ vọng sẽ góp phần làm kín khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ, giúp đáp ứng mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ…”

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng với lớp 10. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các cơ sở giáo dục không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật do chưa có giáo viên.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiếng Anh, tin học trước đây là môn tự chọn nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3; bổ sung mới môn nghệ thuật cấp trung học phổ thông; các môn học tự chọn như tiếng dân tộc thiểu số.

Trải qua 3 năm thực hiện đổi mới, thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy vẫn luôn là bài toán lớn với ngành giáo dục. Hiện tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người).

Trong khi đó, làn sóng giáo viên nghỉ việc những năm qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Năm học 2022 - 2023, con số giáo viên nghỉ việc là 9.295 người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khác trong thực hiện Chương trình mới như việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường đối với học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khó khăn hơn so với học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.

Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vẫn còn có một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lồng ghép việc bán sách giáo khoa đi kèm với sách tham khảo, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và xã hội. Nhiều xuất bản phẩm đang sử dụng không phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện mua sắm thay thế, bổ sung; cơ sở vật chất, thư viện trường học, đặc biệt là hệ thống máy tính phục vụ thư viện ở nhiều địa phương còn bất cập.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào năm học 2023-2024. Nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đổi mới, ngành giáo dục đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính là tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên theo môn học để tổ chức dạy học các môn học trong Chương trình.

Bắc Sơn