Dốt sử, học sinh không biết mình là ai, được sinh ra từ đâu?

14/12/2012 07:18
Độc giả Minh Anh
(GDVN) - Ngay giữa lòng Thủ đô lại có những em học sinh lại không biết được Thủ đô của nước Việt Nam tên là gì. Những câu trả lời như: Thủ đô là… Cầu Giấy, Quảng trường Ba Đình khiến chúng ta bật cười nhưng cũng xót xa trước những hiểu biết non kém. Các em vừa đáng thương, vừa đáng trách.
LTS: Thời gian vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam có thực hiện một loạt các clip trắc nghiệm câu hỏi về kiến thức bộ môn tiếng Việt, lịch sử, đời sống dành cho học sinh từ 10 – 11 tuổi (lớp 4, lớp 5). Trong đó, nhiều học sinh không biết hoặc lúng túng trước kiến thưc về lịch sử, truyện cổ tích hay đời sống. Trước thực trạng này, Báo Giáo dục Việt Nam có nhận được bài viết chia sẻ của độc giả Minh Anh về nỗi lo lắng trước tình trạng học sinh kém hiểu biết về lịch sử nước nhà.

Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” trong những năm kháng chiến chống Pháp để cho mọi người nhớ về lịch sử Việt Nam với mong muốn giúp cho dân mình có thể học sử và nhớ sử tốt hơn.

Nhìn nhận về cách học sử, dạy sử nước ta hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn. Thời gian vừa qua, tôi có theo dõi những clip trắc nghiệm dành cho học sinh tiểu học tại Thủ đô do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, là một người lo lắng cho thế hệ trẻ, quả thật tôi thấy rất hoang mang. 

Nếu theo dõi clip, chắc hẳn ai cũng đều nhận ra, hầu hết học sinh không hứng thú với môn học lịch sử. Các em trả lời thẳng thắn: "Con không thích môn lịch sử vì con học dốt". Đa phần các em chỉ thích đọc truyện tranh như Doremon hay Conan, thích chơi game, mà lúng túng khi được hỏi về kiến thức về văn học, lịch sử, thậm chí là cả những kiến thức đời thường của cuộc sống. Nhiều học sinh không thể kể được tên của 5 vị anh hùng dân tộc, không biết Thánh Gióng biết nói khi mấy tuổi, bà Triệu đánh giặc gì, Hai Bà Trưng đánh giặc gì...

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)


Dẫu biết rằng, kết quả khảo sát này không phải là lần đầu tiên cho thấy sự thiếu hụt kiến thức căn bản, nhiều người cho rằng chuyện bình thường bao năm rồi vẫn thế có thay đổi gì đâu, thế nhưng vẫn không khỏi khiến tôi cảm thấy "sốc".

Bởi xét cho cùng thì lịch sử làm một môn học hết sức quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Lịch sử cho học sinh hiểu biết về quá khứ, cội nguồn của dân tộc, giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước. Học sử để nhắc nhở chúng ta phải biết mình là ai, chúng ta đang ở đâu và truyền thống của chúng ta như thế nào? Bởi con người sinh ra phải có anh em, làng xóm, có những đặc điểm văn hóa, nếp sống cũng như quá trình phát triển riêng biệt. Điều này còn khiến cho chúng ta, con cháu chúng ta tự hào và để cho các quốc gia khác biết đến.
Như vậy, nếu không hiểu lịch sử dựng nước giữ nước là không hiểu văn hóa dân tộc. Một dân tộc không có bản sắc văn hóa riêng thì khó lòng tồn tại được. 
Thế mà, ngay giữa lòng Thủ đô lại có những em học sinh lại không biết được Thủ đô của nước Việt Nam tên là gì. Những câu trả lời như: Thủ đô là… Cầu Giấy, Quảng trường Ba Đình khiến chúng ta bật cười nhưng cũng xót xa trước những hiểu biết non kém. Các em vừa đáng thương, vừa đáng trách. 

Vào mỗi dịp thi tuyển sinh Cao đẳng, Đại học, chúng ta lại gặt hái được hàng ngàn điểm 0 tròn trĩnh. Kết quả môn lịch sử luôn xếp hạng "chót", ngay cả khi những điểm thi ấy được so sánh với những môn “khó nhằn” cùng khối C như văn học và địa lý. Thiết nghĩ, những thí sinh có điểm 0 môn sử trong kỳ thi đại học thì lẽ ra không thể lọt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT khi năm đó có thi lịch sử mới đúng. Vậy mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp các trường hàng năm vẫn là 100%. Những điểm 0 môn lịch sử trong một kỳ thi đã được thông báo trước, đã có thời gian ôn tập cho chúng ta nhiều nghi ngờ về cách dạy, cách học hiện tại đang được áp dụng.

Với chất lượng thấp, nếu không nói là quá thấp như hiện tại khiến chúng ta cần nghiêm túc xem lại quá trình đào tạo. Bởi tư duy môn lịch sử không hề khó như các môn học tự nhiên, thế nhưng tại sao học sinh lại vẫn không chịu học. Phải chăng là do môn lịch sử không hấp dẫn?

Điều đó đồng nghĩa với việc, học sinh  không hề có lỗi, lỗi do chương trình học, do sách giáo khoa, do giáo viên, phụ huynh và do nhận thức của người lớn hời hợt về môn lịch sử đã ảnh hưởng đến các em.

Thử hỏi, là người lớn nhưng bạn có đảm bảo nắm chắc tất cả kiến thức lịch sử của học sinh cấp 1 hay không? Trước chương trình học nặng, nhiều lý thuyết đã khiến học sinh rất dễ…ngán ngẩm. Ở cấp tiểu học, các em còn đang trong tuổi ăn, tuổi chơi thì chương trình lịch sử nên nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu và hấp dẫn. Có như thế học sinh mới hứng thú học được.

Nếu tiếp tục áp dụng mãi chương trình học môn lịch sử, tồn tại những thuật ngữ khó hiểu đến nỗi giáo viên còn…chưa giải thích được hết thì học sinh làm sao mà tếp thu cho nổi. Các em cầm cuốn sách lịch sử lên mà chỉ thấy nặng trịch, khô khan, xa lạ.

Bước vào cấp II, cấp III, SGK môn lịch sử vẫn không hề thay đổi nên thường được học sinh gắn liền với các từ như: “ác mộng”, “ đau đầu”, “khó nhằn”…

Để tìm kiếm được những người yêu thích môn sử trong môi trường giáo dục quả thực rất hiếm hoi, bởi sinh viên ngành sử ra trường rất khó xin việc làm, có việc làm thì cũng rất khó sống với đồng lương ít ỏi. Nhiều thí sinh học sử để thi khối C đơn giản vì các em học kém tự nhiên, không còn biết thi khối gì nên đành học thuộc lòng sử mà thôi. Vì vậy, không có động lực gì để thôi thúc học sinh, sinh viên thích học môn lịch sử cả.

Đó là chưa kể, áp lực thi cử và kiểu học để… ứng phó với thi cử đã ăn sâu vào con người Việt Nam. Học sinh đi thi với tâm lý là có học cũng… không làm được bài nên mới học tủ, quay cóp để phục vụ cho bài thi mà không tiếp thu được kiến thức.

Chừng nào giáo viên, phụ huynh còn chưa nhận biết được tầm quan trọng của môn lịch sử thì chừng đó chất lượng sử vẫn còn lẹt đẹt. Nhận thức được những khó khăn trên mới mong thay đổi được cách học, cách dạy môn lịch sử trong nhà trường. Để đến hẹn lại lên, vào mùa thi đại học sẽ không còn hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử. Khi ai đó phóng vấn một câu bất ngờ về lịch sử, bạn không phải tránh né hay lung túng, thay vào đó là niềm tự hào vì được nói lên tiếng nói yêu tổ quốc.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu

Giáo viên đánh học sinh gây mầm mống tội ác

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Độc giả Minh Anh