Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí cần có mục để địa phương xác nhận

08/09/2023 06:39
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nguồn kinh phí thực hiện NĐ 116 phải do ngân sách Nhà nước chi trả, thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách, giống hình thức cho vay không lãi suất.

Sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một trong những nội dung đang được quan tâm hiện nay.

Theo đánh giá của các cơ sở đào tạo, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116 đã có nhiều điểm mới, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện hai năm qua.

Ngân sách Nhà nước chi trả kinh phí thông qua hệ thống ngân hàng chính sách

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, góp ý cho Dự thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức đã có kiến nghị nhằm khơi thông cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác thu hồi kinh phí về sau.

Theo Phó Giáo sư Lê Viết Báu, cần sửa đổi Nghị định 116 theo hướng quy định rõ về nguồn kinh phí thực hiện chi trả học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Ảnh minh hoạ: Mạnh Đoàn

Ảnh minh hoạ: Mạnh Đoàn

Cụ thể, nguồn kinh phí phải do ngân sách Nhà nước chi trả thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách (giống như hình thức cho vay không lãi suất). Theo đó, nguồn kinh phí nhà nước hàng kỳ sẽ cấp cho sinh viên thông qua ngân hàng chính sách. Hồ sơ của sinh viên sẽ được quy định cụ thể để tạo điều kiện cho sinh viên cũng như ngân hàng khi phải thu hồi kinh phí.

Sau 2 năm ra trường không thực hiện được cam kết công tác trong ngành giáo dục thì các em sẽ phải trả khoản tiền đó cho ngân hàng chính sách.

“Ví dụ, sinh viên sư phạm lấy xác nhận của cơ sở đào tạo giáo viên để nhận hỗ trợ qua ngân hàng chính sách giống như một hình thức vay không lãi suất.

Và theo quy định, bắt buộc cử nhân tốt nghiệp diện Nghị định 116 phải công tác trong ngành giáo dục 8 năm thì mỗi năm số tiền "nợ" của sinh viên sẽ được giảm tương ứng. Qua 8 năm công tác trong ngành giáo dục, với các hồ sơ minh chứng (có thể là lịch sử đóng bảo hiểm xã hội) các cựu sinh viên sẽ được xóa nợ. Nếu họ không thực hiện đúng thời gian công tác tối thiểu theo quy định thì căn cứ vào thời gian còn thiếu để bồi hoàn lại kinh phí tương ứng qua ngân hàng chính sách.

Nếu thực hiện theo cách này, sẽ thuận tiện cho các cơ sở đào tạo giáo viên cũng như các địa phương. Khi không còn “vướng” về vấn đề kinh phí, các địa phương sẽ sẵn sàng đặt hàng cho các trường đại học, tính đúng nhu cầu giáo viên theo thực tiễn.

Và khi có sự tham gia của ngân hàng chính sách thì việc thu hồi khoản kinh phí đối với những đối tượng phải bồi hoàn cũng dễ dàng hơn”, thầy Lê Viết Báu nêu quan điểm.

Cần làm rõ vấn đề tuyển dụng, bố trí việc làm cho sinh viên diện Nghị định 116

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, bản Dự thảo đã có những điều chỉnh theo hướng tích cực, tháo gỡ vướng mắc trong việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và cả việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn. Tuy nhiên, có một số nội dung cần phải làm rõ.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 1 điều 4 quy định: “Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí”.

Nội dung này cần phải làm rõ: Điểm trung bình chung học tập là điểm trung bình chung của năm học kề trước hay là điểm trung bình chung tích lũy? (điểm trung bình chung tích lũy tính từ đầu khoá).

Sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc kém, có điểm rèn luyện đạt loại yếu không được xét tiếp tục nhận hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt thì có được tiếp tục hỗ trợ tiền đóng học phí không? Và có phải bồi hoàn chi phí sinh hoạt đã nhận trước đó không?

Nếu năm học tiếp theo điểm trung bình chung học tập và rèn luyện của sinh viên được cải thiện (kết quả học tập và rèn luyện đạt loại trung bình trở lên) sinh viên có được xét cấp lại nhận sinh hoạt phí và học phí không?

Tại khoản 1 điều 5 quy định: “Căn cứ vào số chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Thầy Lượng kiến nghị, nội dung này cần ghi rõ: “Căn cứ vào số chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội của Bộ Giáo dục và Đào tạo…”.

Điểm c, khoản 1 điều 6 quy định: “sinh viên sư phạm được hưởng chính sách trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự ý thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học”, là những đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Nội dung này cần làm rõ, trong trường hợp sinh viên sư phạm chưa hoàn thành việc bồi hoàn kinh phí, thì cơ sở đào tạo giáo viên có được ra Quyết định thôi học đối với sinh viên này không? Trong trường hợp sinh viên và gia đình sinh viên không chịu bồi hoàn, thì đơn vị nào sẽ làm nhiệm vụ thu hồi kinh phí đã hỗ trợ?

Khoản 5, điều 7 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc nhận đơn đăng ký, cơ sở đào tạo giáo viên xét duyệt danh sách và thông báo cho sinh viên hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, báo cáo cơ quan cấp trên để cấp kinh phí theo quy định”.

Cần phải làm rõ: cơ sở đào tạo giáo viên xét duyệt danh sách và thông báo cho sinh viên hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách theo chỉ tiêu nhu cầu xã hội và báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh danh sách theo chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng … để cấp kinh phí theo quy định”.

Khoản 1 điều 9 quy định: “Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, cơ sở đào tạo giáo viên theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 116”.

Nội dung này cần ghi rõ, cơ sở đào tạo giáo viên theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi toàn bộ kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình…

Cùng với đó, cần bổ sung thêm: cơ sở đào tạo giáo viên hướng dẫn, ra thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình nộp bồi hoàn về Kho bạc Nhà nước của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đã xác nhận cho sinh viên sư phạm theo Phụ lục 01 Nghị định 116 - Đơn đề nghị hưởng và Cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt; Hoặc về Tài khoản tạm giữ của cơ sở đào tạo giáo viên và chuyển khoản vào Kho bạc Nhà nước nơi cơ sở đào tạo giáo viên đăng ký hoạt động.

Tại phần Bổ sung điều 13 có nêu: “Sinh viên sư phạm đăng ký hưởng hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt có trách nhiệm nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú trước khi nộp cho cơ sở đào tạo giáo viên

Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng cho rằng, nội dung này cần quy định rõ: Thủ tục “nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt tới Ủy ban Nhân dân tỉnh” chỉ áp dụng đối với sinh viên sư phạm theo phương thức đặt hàng của địa phương hay cả sinh viên sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao) đều phải nộp đơn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh?

Nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh không xác nhận đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao) thì đề nghị làm rõ cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác nhận đơn của sinh viên?

Thầy Lượng cũng đề nghị sửa mẫu Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh”, cần có mục để cho Ủy ban Nhân dân/chính quyền địa phương ký xác nhận vào đơn.

Cùng với đó, sửa đổi Nghị định 116 cần làm rõ vấn đề tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Nguyên Phương