LTS: Nhấn mạnh đến vai trò quyết định của giáo viên trong sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới, cô giáo Phan Tuyết đưa ra một số ý kiến đóng góp của mình.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, khơi gợi khả năng tự học của học sinh.
Đồng thời, tăng cường tính tương tác trong dạy và học, coi trọng việc gắn liền kiến thức giảng dạy với thực tiễn cuộc sống, coi trọng việc rèn chữ, dạy người.
Để đạt được mục tiêu đổi mới ấy, không chỉ dựa vào việc đổi mới chương trình, vào việc thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học.
Vai trò của người thầy mới là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới này. Thế nhưng, hình như Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận ra điều ấy.
Ảnh minh hoạ: VnMedia.vn |
Tránh cách tập huấn, bồi dưỡng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Cứ mỗi lần thay sách, đổi mới chương trình thì trước năm học 2 tháng, giáo viên sẽ được đi bồi dưỡng, tập huấn.
Người báo cáo phần nhiều là các chuyên viên thoát ly cách giảng dạy ở cơ sở khá lâu do chuyển đổi vị trí công tác.
Sau buổi báo cáo, giáo viên sẽ thực nghiệm cách dạy minh họa một số bài giảng thực tế.
Chỉ khác rằng học trò không phải là những em học sinh thực thụ mà thầy cô sẽ đóng thế.
Sau tiết dạy, mọi người sẽ rút ra những mặt tích cực và những tồn tại cần khắc phục. Nhưng phần lớn đều được ghi nhận toàn ưu điểm nổi trội. Bởi, thầy cô giáo đóng vai học sinh sao tiết minh họa ấy không thể tốt cho được.
Chúng ta đã chuẩn bị được gì cho đội ngũ nhà giáo trong lần đổi mới chương trình lần này?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để thay sách, để đổi mới chương trình.
Việc làm này là cần thiết nhưng phải đi sau việc đầu tư, chuẩn bị một đội ngũ nhà giáo đủ mạnh, đủ năng lực sẵn sàng đảm đương công cuộc đổi mới một cách tốt nhất.
Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp những thách thức nào? |
Thế nhưng ngay thời điểm này, thời điểm cách thời gian áp dụng chương trình mới vào giảng dạy chỉ chưa tới 2 năm. Nếu tính tháng chỉ khoảng gần 20 tháng.
Thế nhưng đội ngũ nhà giáo chúng ta đã được chuẩn bị những gì? Câu trả lời vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.
Đầu vào ngành sư phạm mấy năm gần đây gần như chạm đáy (ba môn thi chỉ đạt 9 điểm là đậu sư phạm) sẽ cho ra lò một lực lượng nhà giáo yếu về nội lực thì chất lượng giảng dạy sẽ thế nào đây?
Vài năm trở lại đây, sinh viên sư phạm vẫn đang được đào tạo theo giáo trình cũ. Nhiều em ra trường vừa yếu kiến thức lại thiếu kĩ năng.
Thế nên các trường sư phạm vẫn chưa thể cung cấp cho nhà trường đội ngũ giáo viên tự tin để dạy tích hợp (Lý, Hóa, Sinh; Lịch sử và Địa lý).
Khá nhiều giáo viên bậc Trung học cơ sở lo lắng sẽ dạy tích hợp kiểu nào đây khi chính họ không có kiến thức chuyên sâu về một trong những môn học ấy.
Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ này cần phải được chuẩn bị chu đáo, được đào tạo lại dài hơi không thể để kiểu “nước đến chân mới nhảy” như cách mà bao năm nay ngành giáo dục vẫn làm.
Ghi nhận ở thời điểm này hầu như chưa có tỉnh thành nào tiến hành bồi dưỡng để cấp chứng chỉ cho những giáo viên dạy tích hợp.
Đến thời điểm này, nhà giáo vẫn chưa được tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức kĩ năng để tiếp cận chương trình mới.
Ngoài cách làm cưỡng ép (đi tắt đón đầu) của ngành giáo dục ở khá nhiều địa phương như việc áp dụng mô hình dạy học và phương pháp dạy học mới sẽ là tiền đề cho chương trình mới sau này.