Đổi mới không phải là con đường dễ dàng, cần luôn kiên trì, kiên định vượt khó

19/11/2023 06:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Nguyễn Chí Thành: "Một kinh nghiệm quan trọng khi ban hành chính sách mới là cần quan tâm tới các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện chính sách".

Trước năm 2013, ngành giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, nền giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi bức thiết cần phải tiến hành đổi mới. Vì vậy, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Nghị quyết 29 ra đời đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo đất nước.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về những thay đổi, chuyển biến của giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29 qua từng giai đoạn, trong đó có giáo dục phổ thông.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận định, giáo dục phổ thông trong 10 năm qua (kể từ khi có Nghị quyết 29) đã có những bước phát triển mới đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục phổ thông có bước trưởng thành quan trọng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Nghị quyết số 29 đã đưa ra 7 quan điểm chỉ đạo và 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Theo đó, thực hiện Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành nhiều nội dung công việc liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó nội dung được quan tâm nhiều nhất là đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Giáo dục phổ thông trong 10 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh tới 4 yếu tố chuyển biến chính: Giáo viên, học sinh, chương trình dạy học và nhà trường phổ thông - nơi diễn ra hoạt động đổi mới này”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

Phó Giáo sư Thành nhận định, thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thời gian qua ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng cần thiết.

Đơn cử như quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mới, gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí (theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/8/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018). Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông được xác định là căn cứ để giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

“Quy định đã đưa ra nhiều yêu cầu quan trọng như nhấn mạnh giáo viên phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Hay yêu cầu xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh,... Đây đều là những yêu cầu cấp thiết với giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Hay Luật Giáo dục sửa đổi 2019 đã có nhiều thay đổi quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên. Nếu như trước đây, giáo viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm đã có thể tham gia giảng dạy cấp tiểu học thì với quy định mới, yêu cầu giáo viên dạy mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; tương tự, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Đánh giá những chuyển biến quan trọng của giáo dục phổ thông sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Phó Giáo sư Thành nhận định, việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục rõ nét và dễ dàng nhận thấy nhất.

Theo đó, chuyên gia nhấn mạnh, nằm trong tiến triển khách quan của xã hội, đổi mới chương trình giáo dục được xem là diễn biến bình thường trong một hệ thống giáo dục.

Lịch sử giáo dục và đào tạo nước ta từ năm 1945 đến nay đã có 5 lần đổi mới giáo dục ở quy mô quốc gia: 1945 (chống giặc dốt); 1954 (xây dựng nền giáo dục quốc gia); 1975 (thống nhất giáo dục cả nước); 2000 (phục vụ cho đổi mới và mở cửa kinh tế) và đặc biệt là năm 2013 chuẩn bị cho quá trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 cả 3 cấp học trên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình phổ thông mới thay đổi căn bản cách tiếp cận từ “theo nội dung” sang theo hướng “phát triển năng lực và phẩm chất”, trong đó chú trọng hình thành và phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực cho học sinh trung học phổ thông; Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên, tăng cường các môn tự chọn để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Chất lượng giáo dục giáo dục phổ thông cả về đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Thông qua các hoạt động trải nghiệm ở nhà trường, ngày hội STEM, hay từ những dự án học tập,... giáo viên đều nhận định học sinh Việt Nam ngày một tự tin, chủ động và sáng tạo hơn trong các hoạt động. Bên cạnh đó, học sinh được rèn luyện và phát huy các kĩ năng mềm như ứng dụng công nghệ thông tin, kĩ năng thuyết trình,... từ rất sớm.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của Tạp chí USNEWS (Hoa Kỳ), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Trước đó vào năm 2020, Việt Nam đứng thứ 64/73 quốc gia được xếp hạng. Đây là chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Việt Nam được tổ chức quốc tế công nhận và xếp hạng. Kết quả này tiếp nối những thành tựu của giáo dục phổ thông được các tổ chức quốc tế ghi nhận những năm trước đó. Năm 2020, giáo dục phổ thông Việt Nam đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong top 40; giáo dục đại học nằm trong tốp 70, đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. Theo báo cáo đánh giá năm 2020 của Ngân hàng thế giới, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế. Trong đó thành phần giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Góp phần làm nên những thay đổi tích cực của học sinh phải kể đến vai trò không nhỏ của đội ngũ nhà giáo. “Chất lượng của một nền giáo dục không thể vượt ngoài chất lượng của đội ngũ giáo viên” (Barber & Mourshed, 2007; Dinham, 2007).

Thích ứng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo cũng đã hòa mình vào công cuộc đổi mới với nhiều thay đổi tích cực. Phó giáo sư Thành nhận định, những thay đổi một phần xuất phát từ những chính sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong cả quá trình, song vẫn không thể phủ nhận những nỗ lực đổi mới không ngừng, tâm huyết dành cho sự nghiệp giáo dục của thầy cô giáo.

Một số văn bản, chính sách đã góp phần không nhỏ trong phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy như: Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH năm 2014 hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng; Công văn 3089/BGDĐT-GDTrH năm 2020 về triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học; Công văn số 791/BGDĐT-GDTrH năm 2013 về việc hướng dẫn thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông. Đây là những văn bản chỉ đạo làm cơ sở để các nhà trường phổ thông thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, vận dụng các xu hướng giáo dục tiên tiến vào thực tiễn Việt Nam một cách sâu rộng và chắc chắn.

Theo đó, thầy cô giáo từng bước đổi mới, chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh. Các nội dung kiểm tra, đánh giá thay vì “nặng” về đánh giá kiến thức như trước đây, giờ đây đã có nhiều thay đổi theo hướng đánh giá chú trọng vào phát triển năng lực học sinh, đánh giá tổng thể cả quá trình học tập… Các bài giảng có sự kết hợp của công nghệ thông tin trở nên sinh động và hấp dẫn hơn; Những tiết học có sự tương tác phong phú giữa thầy cô giáo và học sinh thông qua các hoạt động học tập đa dạng theo hướng vận dụng kiến thức vào các tình huống học tập hay thực tiễn cụ thể của các em học sinh.

Công tác quản trị trong trường học cũng chứng kiến những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Trong bối cảnh đổi mới, yêu cầu đối với hiệu trưởng cũng khắt khe và cao hơn trước đây. Người lãnh đạo phải đổi mới tư duy, năng động sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; tổ chức, điều hành các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo tinh thần tăng cường quyền tự chủ, đặc biệt là việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với đặc thù kinh tế xã hội của địa phương, từ đó gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của nhà trường.

Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong quản trị nhà trường, giúp giảm nhẹ các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Đổi mới quản trị theo hướng chỉ quản lý theo chuẩn đầu ra cũng đã tạo ra nhiều không gian sáng tạo, chủ động cho nhà trường, tổ chuyên môn trong xây dựng kế hoạch dạy học.

Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 6. Ảnh: NXBGDVN

Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 6. Ảnh: NXBGDVN

Bức tranh giáo dục trải qua chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 với nhiều chuyển biến quan trọng. Trong đó, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành ấn tượng nhất với những thay đổi về phương pháp dạy học, xây dựng các nội dung kiểm tra, đánh giá của giáo viên.

“Đội ngũ giáo viên đã từng bước hòa mình vào công cuộc đổi mới. Đặc biệt, ở những lớp cấp dưới như tiểu học, trung học cơ sở, khi áp lực khảo thí chưa nhiều, thầy cô thực sự đã phát huy rất sáng tạo các phương pháp mới trong dạy học.

Trong khi đó, ở bậc cuối cấp với áp lực khảo thí có phần nặng nề hơn, do đó sự đổi mới chưa thực sự thể hiện mạnh mẽ trong các phương pháp giảng dạy của thầy cô, đâu đó vẫn còn tồn tại kiểu dạy học theo cách luyện “gà nòi”, thầy đọc trò chép,... Song, những nỗ lực chuyển mình của đội ngũ thầy cô giáo vẫn rất đáng được ghi nhận”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, bức tranh giáo dục phổ thông trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, câu chuyện đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa theo kịp sự phát triển,... là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phó Giáo sư Thành khẳng định, giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hay của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, công tác phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng cho quá trình đổi mới vẫn còn nhiều bất cập.

Theo đó, chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội ngũ giáo viên vừa thừa vừa thiếu như hiện nay xuất phát từ công tác thống kê, khảo sát và dự báo về mặt dân số chưa kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng “làn sóng” giáo viên nghỉ việc trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khách quan (đại dịch Covid-19, áp lực công việc, chế độ chính sách…) cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phát triển đội ngũ giáo viên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên. Con số này tăng thêm 11.308 người so với năm học trước đó. Trong đó, đội ngũ giáo viên bỏ việc năm qua chiếm tới gần 10.000 giáo viên.

Bên cạnh đó, việc thay đổi chương trình giáo dục, một số môn học mới ra đời ở các cấp học cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học: Âm nhạc và Mỹ thuật ở trung học phổ thông, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở, Tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học,...

Theo Phó Giáo sư Thành, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Trình độ chuyên môn của một bộ phận nhà giáo còn hạn chế, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo định hướng phát triển năng lực.

Phân tích thêm, chuyên gia cho rằng, từ năm 2015, khi xây dựng chương trình mới, các môn học tích hợp đã được đề cập đến. Tuy nhiên, công tác đào tạo đội ngũ vẫn còn nhiều bất cập khiến việc triển khai trong thực tiễn nhà trường không tránh khỏi những lúng túng. Đơn cử, những “rối ren” trong phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở tại các nhà trường là một minh chứng.

Bên cạnh hạn chế về đội ngũ giáo viên, chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập khác hiện nay như công tác kiểm tra, đánh giá, về trang bị cơ sở vật chất, công tác truyền thông…

Cụ thể, Phó Giáo sư Thành cho rằng, công tác kiểm tra, đánh giá mặc dù đã có bước chuyển biến tích cực, song ở những kỳ thi quan trọng mang tính bước ngoặt như thi vào 10, tốt nghiệp trung học phổ thông - đề thi vẫn chưa có nhiều bước đột phá.

"Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và cũng như đổi mới các hoạt động kiểm tra đánh giá, nhưng để giáo viên thực sự đánh giá năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn một khoảng cách lớn"

“Về hình thức triển khai các kỳ thi ghi nhận có sự đổi mới như từ bài thi tự luận được đổi sang thành bài thi trắc nghiệm, hay việc chuyển đổi mục đích kỳ thi tốt nghiệp,.. Tuy nhiên, những nội dung đánh giá trong các kỳ thi này ở nhiều địa phương vẫn rất truyền thống, và gần như không có sự thay đổi trong vài chục năm nay.

Theo đó, mặc dù có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và cũng như đổi mới các hoạt động kiểm tra đánh giá, nhưng để giáo viên thực sự đánh giá năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn một khoảng cách lớn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, hệ thống sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học, đặc biệt với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phó Giáo sư Thành cũng cho rằng, công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa làm cho xã hội hiểu được hết những công việc mà ngành giáo dục đang làm, những vướng mắc ngành giáo dục cần được xã hội chia sẻ.

“Công tác truyền thông giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, chưa giải đáp được những thắc mắc, hoài nghi của dư luận. Bởi vậy, đến nỗi bây giờ tôi cảm tưởng truyền thông khi nói đến giáo dục thường chúng ta chỉ nói đến khía cạnh tiêu cực là nhiều, chứ ít nói đến những khía cạnh tích cực, những tấm gương thầy cô, nhà trường đã cố gắng triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa,...”, chuyên gia chia sẻ trăn trở.

Từ kinh nghiệm chặng đường 10 năm thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29, Phó Giáo sư Thành chia sẻ 3 lưu ý lớn trên chặng đường đổi mới sắp tới.

Trong đó, chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới việc đánh giá thực tiễn và tiếp tục có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

“Năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức được triển khai toàn bộ ở các cấp học trên cả nước. Do đó, cần thiết phải nghiêm túc nhìn nhận để có những điều chỉnh về chương trình cho phù hợp”, chuyên gia nêu đề xuất.

Phó Giáo sư Thành nhận định, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là chính sách tốt. Tuy nhiên từ thực tiễn triển khai đổi mới 10 năm qua cho thấy một kinh nghiệm quan trọng khi ban hành chính sách mới là cần quan tâm tới các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện chính sách.

“Lấy ví dụ về môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở, chương trình được thiết kế cho 1 giáo viên giảng dạy, tuy nhiên do công tác chuẩn bị về đội ngũ còn chậm, kết quả thực tế là ở nhiều trường học có tình trạng “1 môn 3 người dạy song song hoặc nối tiếp”, tính tích hợp môn học vì thế cũng không được phát huy như kỳ vọng.

Do đó, công tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,... trong thời gian tới cần được chú trọng hơn”, chuyên gia phân tích.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo. Giáo dục là vấn đề lớn, được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, bởi vậy cần tăng cường lòng tin xã hội với giáo dục thông qua việc cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời và mang tính xây dựng về những mặt tích cực và cả những tiêu cực trong giáo dục.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Nhấn mạnh tới vai trò của báo chí trong công tác truyền thông, đổi mới giáo dục, Phó Giáo sư Thành đánh giá cao những nỗ lực của báo chí thời gian qua.

“Báo chí là diễn đàn quan trọng giúp truyền thông các chủ trương, chính sách mới hiệu quả; từ đó, giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.

“Báo chí là diễn đàn quan trọng giúp truyền thông các chủ trương, chính sách mới hiệu quả; từ đó, giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách".

Cá nhân tôi cũng đã theo dõi những tranh luận, phản biện đầy sôi nổi của các giáo viên về Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Nhiều băn khoăn, trao đổi của giáo viên về Công văn 5512 đăng tải trên Tạp chí đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Từ những trao đổi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh, cập nhật phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở đó, Công văn 2345/BGDĐT-GDTH 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục cấp tiểu học được ban hành sau này cũng đã có sự uyển chuyển, mềm mại hơn, giúp giáo viên yên tâm khi thực hiện”, chuyên gia đánh giá cao vai trò tạo diễn đàn của báo chí thời gian qua.

Không chỉ là kênh tập hợp ý kiến phản biện chính sách, báo chí cũng là kênh chia sẻ nhiều tấm gương thầy cô giáo điển hình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục; liên tục cập nhật những thông tin quan trọng liên quan tới hoạt động dạy và học trên cả nước,...

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Giáo sư Thành mong rằng báo chí tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò truyền thông trong thời gian sắp tới. Trong đó, nhấn mạnh thông tin truyền tải phải thực sự khách quan, đầy đủ và toàn diện bức tranh đổi mới giáo dục. Đặc biệt, báo chí nên tiếp tục đăng tải nhiều hơn nữa những tấm gương về nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục và đào tạo. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống giáo dục, góp phần đưa những chủ trương, chính sách mới về giáo dục đi vào thực tiễn thành công và hiệu quả.

Nhân dịp cả nước hân hoan chào đón kỉ niệm 41 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành đặc biệt gửi lời tri ân tới các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm miệt mài không ngừng vì sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Đổi mới giáo dục là con đường tất yếu, là sự nghiệp mà toàn Đảng, toàn dân phải cùng tham gia. Trong đó, đội ngũ các nhà giáo là nhân tố quan trọng quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Và đổi mới tất nhiên sẽ không phải là con đường dễ dàng, bởi vậy phải luôn kiên trì, kiên định vượt khó, kịp thời đưa ra các giải pháp điều chỉnh cần thiết để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước”, chuyên gia bày tỏ.

Doãn Nhàn