Tính mở trong SGK theo chương trình GDPT mới – sự đổi mới trong tư duy giáo dục

22/08/2023 06:39
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở về nội dung và phương pháp giáo dục. Điều này được thể hiện rõ ở sách giáo khoa Lịch sử và Ngữ văn.

Có thể thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở về nội dung và phương pháp giáo dục. Điều này thể hiện ở chỗ chương trình chỉ quy định nguyên tắc định hướng chung chứ không quy định quá chi tiết nội dung phần giảng dạy, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình. Điều này được thể hiện rõ ở sách giáo khoa Lịch sử và Ngữ văn.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ - Tổng Chủ biên cấp trung học cơ sở phần Lịch sử - sách giáo khoa Lịch sử 8 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho rằng, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí theo chương trình 2018 có nhiều điểm mới.

Cụ thể, điểm mới thứ nhất là sách đã chuyển đổi hệ thống kiến thức lịch sử từ mô hình đồng tâm xoáy trôn ốc ở ba cấp sang thực hiện tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa dần ở lớp trên. Ở Tiểu học, môn Lịch sử tích hợp với môn Địa lí. Để các em dễ nhớ, dễ hiểu, các nội dung được cấu trúc từ gần đến xa, từ quê hương các em sinh sống đến các vùng miền của đất nước rồi mới đến các nước láng giềng, thế giới.

Trước đây, chương trình ở Tiểu học chỉ có những sự kiện lịch sử trong nước nhưng chương trình 2018 thì đã đưa thêm bài học về các nước láng giềng. Còn ở bậc trung học cơ sở thì vẫn giữ nguyên các kiến thức về thông sử. Ở chương trình trung học phổ thông, môn Lịch sử được chia làm giai đoạn cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Học sinh được học theo các chủ đề và chuyên đề từ lớp 10 đến lớp 12.

Ngoài ra, sách giáo khoa Lịch sử còn đưa thêm chủ đề về chiến tranh và hòa bình trong thế kỷ thứ 20, chuyên đề đổi mới, chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những chuyên đề hướng nghiệp, lịch sử sử học, quan hệ sử học với các ngành khác.

Điểm mới thứ hai là sách giáo khoa Lịch sử được viết theo thứ tự mô hình: lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, lịch sử dân tộc và lịch sử Việt Nam. Như vậy, các em sẽ hiểu lịch sử thế giới với lịch sử Việt Nam trong cùng một thời gian (đồng đại).

Điểm mới thứ ba, sách sử dụng nguồn sử liệu và hình ảnh rất nhiều. Đối với phần lịch sử Việt Nam, các nguồn sử liệu được dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư (Chiếu dời đô), Đại Nam thực lục... Ở phần lịch sử thế giới, có đưa Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp. Trên những tư liệu đó, giáo viên có thể phát huy năng lực của học sinh trong việc tìm hiểu và nhận thức lịch sử. Mặt khác, sách giáo khoa không trình bày diễn biến các sự kiện lịch sử mà chuyển thành các sơ đồ, biểu bảng.

Một sơ đồ Lịch sử ở lớp 8

Một sơ đồ Lịch sử ở lớp 8

Điểm nổi bật là các bài học trong sách giáo khoa từ phần khởi động đến phần kiến thức mới, phần luyện tập, phần vận dụng thường sử dụng một phương án, giáo viên dựa trên phương án đó hoặc đưa ra phương án tương đương nhưng phải đảm bảo yêu cầu cần đạt và mở rộng dần ra. Giáo viên có thể mở rộng kênh hình, kênh chữ, thêm các câu hỏi trong quá trình dạy học. Tính mở này giúp giáo viên phát huy khả năng sáng tạo trong dạy học và tạo nên sự hấp dẫn cho bài học. Ví dụ ở phần Vận dụng - Luyện tập, giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi gắn với thực tiễn địa phương nơi các em ở. Như thế, nếu giáo viên không chịu khó học hỏi, tìm tòi thì sẽ không thể sử dụng hết thời gian dạy học.

Ở môn Ngữ văn, chúng ta cũng thấy có nhiều điểm mở mà tiêu biểu là các tác giả đã đưa vào sách giáo khoa những tác phẩm mới của nhiều nhà văn đương đại.

Cụ thể, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 11 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, trong sách giáo khoa Ngữ văn mới, ở phần Văn học Việt Nam có đưa những tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư.

Còn trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 và Ngữ văn 12 đang gửi Hội đồng thẩm định thì có đưa các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Đó là những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, đặt ra những vấn đề cấp bách và nóng hổi xung quanh học sinh.

Đối với văn học nước ngoài, một số tác phẩm nổi tiếng thế giới nhưng còn mới với học sinh Việt Nam cũng được lựa chọn theo hướng đó. Ví dụ như Hoàng tử bé của Antoine De Saint-Expéry, Mắt sói của Daniel Pennac, Con đường không chọn của Robert Frost. Với văn bản nghị luận thì đưa bài Tôi có một ước mơ của Martin Luther King. Tuy nhiên, sách vẫn có sự đảm bảo cân bằng giữa các tác phẩm kinh điển, truyền thống với những tác phẩm mới đương đại.

2 trang sách Ngữ văn lớp 7 và lớp 8

2 trang sách Ngữ văn lớp 7 và lớp 8

Cũng phải thấy rằng, tính mở trong sách giáo khoa Ngữ văn sẽ tạo điều kiện để học sinh từ chỗ chỉ tiếp thu một cách thụ động chuyển sang chủ động khai thác ý tưởng, thông tin, cách hiểu về các tác phẩm văn học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Còn ở khía cạnh giảng dạy, các thầy cô có điều kiện từ bỏ cách dạy truyền thụ một chiều để chuyển sang vai trò của một người tổ chức dạy học ở trong lớp. Điều này đòi hỏi các thầy cô phải có khả năng mở rộng vốn đọc, có thể đọc, hiểu một tác phẩm hoàn toàn mới.

Linh An