Điểm lại những bê bối từng xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô

30/11/2023 06:39
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ khi thành lập vào năm 1994, cái tên Trường Đại học Đông Đô "nổi lên" và được nhiều người biết đến vì để xảy ra quá nhiều bê bối.

Được thành lập ngày 3/10/1994 theo Quyết định số 534/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học dân lập Đông Đô (nay gọi là Trường Đại học Đông Đô) là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập ở nước ta.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, cái tên Trường Đại học Đông Đô đã "nổi lên" khi gắn liền với một số bê bối và tiêu cực.

Hiệu trưởng "thuê" Phó Chủ nhiệm khoa đòi nợ như "giang hồ"

Ba năm sau khi thành lập, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện một vụ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” do giảng viên nhà trường tiến hành.

Cụ thể, năm 1997, Trường Đại học Đông Đô có phát sinh nợ từ hợp đồng thuê nhà xưởng với Công ty Chế biến lâm sản Trung Văn. Sự việc này sau đó được đưa ra toà và phía Trường Đại học Đông Đô thắng kiện.

Thể theo đơn xin thi hành án của trường, đội thi hành án huyện Từ Liêm, Hà Nội thời điểm đó (nay được tách ra thành quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm) đã ra quyết định buộc Công ty lâm sản Trung Văn phải trả cho Trường Đại học Đông Đô với số tiền là 1,55 tỉ đồng kể từ tháng 3/2001. Tuy nhiên đến ngày 22/10/2003, khoản nợ vẫn chưa được trả.

Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Trước sự việc này, Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là ông Nguyễn Niên đã thông báo "treo thưởng" cho ai đòi được khoản nợ trên với chi phí "hoa hồng" được thưởng là 400 triệu đồng.

Màn “đấu thầu” kết thúc và ông Phạm Đình Lâm - Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc đã "trúng thầu". Ông Lâm ký hợp đồng dịch vụ đòi nợ với trường, trong đó có cam kết sau một năm sẽ thu đủ nợ về cho trường. Ông Lâm được hưởng 390 triệu đồng sau khi đòi được nợ.

Ngay sau đó, hàng loạt "biện pháp đòi nợ" đã được triển khai. Sau hơn một năm, ông Lâm đã đòi được 1 tỉ đồng. Dù còn nửa tỉ đồng nữa chưa đòi được nhưng nhờ “thành tích” này, tên tuổi của Phó Chủ nhiệm khoa Phạm Đình Lâm đã được nhiều giảng viên, sinh viên biết đến. Lãnh đạo nhà trường sau đó cũng đã chi 280 triệu đồng “chi phí đòi nợ” cho vị Phó Chủ nhiệm khoa nói trên.

Đáng nói, việc làm này sau khi bị phát giác, một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó khi nhắc đến Trường Đại học Đông Đô tỏ ra ngán ngẩm đã phải lên tiếng rằng, việc ký hợp đồng dịch vụ đòi nợ nói trên của trường đại học này là hoàn toàn trái pháp luật (1).

Hiệu trưởng ký hợp đồng với doanh nghiệp để "xin đất" xây phòng học

Chưa kể, đến năm 2006 Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô thời điểm đó là ông Nguyễn Niên còn ký một hợp đồng xin đất trị giá 1,8 tỉ đồng. Cá nhân và đơn vị ký hợp đồng xin đất cho nhà trường là ông Trần Đình Liêm - Giám đốc Công ty cổ phần Cách Tân.

Theo nội dung, trong hợp đồng có thời hạn 6 tháng Công ty Cổ phần Cách Tân sẽ phải bàn giao 2 héc ta đất mà công ty đi "xin hộ" để trường xây phòng học. Tuy nhiên sau đó dù đã hết hạn hợp đồng nhưng trường vẫn chưa nhận được quyết định giao đất.

Đáng nói là dù công ty Cách Tân chưa xin được đất, hợp đồng cũng đã hết hạn thi hành nhưng Trường Đại học Đông Đô vẫn chi cho ông Trần Đình Liêm số tiền là 1,72 tỉ đồng.

Trước hàng loạt bê bối đó, Hội Vật lý Việt Nam (đơn vị đã đứng ra xin thành lập và bảo trợ cho trường đại học này) đã có văn bản khẳng định: Sau gần 6 tháng kiểm tra, xác minh, Hội Vật lý Việt Nam nhận thấy vi phạm của ông Nguyễn Niên khá nghiêm trọng, nội bộ nhà trường mất đoàn kết. Vì vậy, Hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng của ông Nguyễn Niên.

Ngoài ra, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Đông Đô thời điểm đó là ông Trần Ngọc Quang cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đề nghị “tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng của ông Nguyễn Niên và chuyển những vụ việc liên quan đến tài chính sang Cơ quan điều tra để làm rõ”(2).

Quyền Hiệu trưởng bị phạt 30 tháng tù treo vì tiếp tay tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Ngược thời gian về mùa tuyển sinh năm 2001, trường đại học này được nhiều người nhắc tên không phải vì danh tiếng của một trường đào tạo có chất lượng mà được biết đến với việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đến 2,8 lần.

Sau đó, đầu năm 2002 Công an Hà Nội đã ra lệnh khởi tố vụ án lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 281, Bộ luật Hình sự) đối với một số cá nhân ở trường đại học này.

Theo đó, với bị cáo Trần Văn Đắc (quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) và Phan Văn Hạp (Ủy viên Hội đồng quản trị) bị tuyên án 30 tháng tù treo.

Trước khi khởi tố, Công an cũng đã cho rút 37 bài thi trong số gần 500 bài đã được chấm phúc tra ở kỳ tuyển sinh 2001 để xác minh. Kết quả là hầu hết bài thi giữa chấm lần đầu và chấm phúc tra chênh lệch nhau 2 đến 3 điểm, có trường hợp tới 5 điểm (3).

Theo lời khai của nguyên Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Đông Đô Phạm Văn Chóng trước tòa, tại kỳ tuyển sinh năm 2001, trường đại học này có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất, với hơn 12.000 hồ sơ.

Người này cũng khai rằng, trong quy định rõ là trường không được phép tuyển sinh vượt quá 1.500 thí sinh. Tuy nhiên, ông Phan Văn Hạp (lúc đó là phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh, phụ trách ra đề thi) đã đề xuất mức điểm chuẩn dự kiến để trường có thể "gọi" được hơn 4.100 thí sinh nhập học tức là cao gấp 2,8 lần chỉ tiêu.

Theo đó, hàng trăm thí sinh không đủ điểm chuẩn, không hồ sơ đăng ký vẫn được theo học tại Trường Đại học Đông Đô. Thời điểm đó, đây được coi là một vụ gian lận thi cử hệ chính quy cấp đại học lớn nhất trong lịch giáo dục đại học ở Việt Nam.

Quyền Hiệu trưởng Trần Văn Đắc cũng thừa nhận, không chỉ trong năm 2001 mà các năm trước, trường cũng làm như vậy nhưng với quy mô nhỏ hơn. Người này khai, năm 1998 khi ông về trường, quỹ chỉ có 13,5 tỷ đồng. Tới khi vụ tiêu cực bị phanh phui, ngân sách của trường đã lên tới gần 40 tỷ đồng (4).

Dàn lãnh đạo nhà trường ngồi tù vì cấp văn bằng giả

Gần đây nhất, vào năm 2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra phán quyết với 10 bị cáo tại Trường Đại học Đông Đô vì cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỷ đồng.

Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô tại phiên tòa xét xử vụ án làm giả văn bằng 2 tiếng Anh vào năm 2021. Ảnh: LC

Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô tại phiên tòa xét xử vụ án làm giả văn bằng 2 tiếng Anh vào năm 2021. Ảnh: LC

Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô, mức án 12 năm tù về tội giả mạo trong công tác, cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc trong lĩnh vực giáo dục trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Cùng tội danh trên, hai bị cáo Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, đều là phó hiệu trưởng, lần lượt bị tuyên 10 năm tù và 9 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 12 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.

Về dân sự, tòa tuyên truy thu số tiền 7,1 tỉ đồng thu lợi bất chính từ các hành vi phạm tội, được xác định đã nộp về quỹ của Trường đại học Đông Đô.

Theo Hội đồng xét xử, Hiệu trưởng nhà trường cùng đồng phạm đã thực hiện cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo từ năm 2018 đến 2019 với tổng số 431 văn bằng giả (5).

Tư liệu tham khảo:

(1) (2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-nhu-bia-o-mot-truong-dai-hoc-1153183663.htm

(3) https://tienphong.vn/truong-dh-dong-do-dinh-be-boi-nhu-the-nao-post1128453.tpo?gidzl=sieL4Ikf64ROrnOIBROPHjpH5XKtjajFnzD353FWJaV0qnGMCB5DJSpJIaenuX5FaTDCIcJ5K3zZBgWOHW

(4) https://vnexpress.net/cong-nghe-thuong-mai-hoa-giao-duc-o-dai-hoc-dong-do-1990087.html?gidzl=2iwlJpiFE208qwnCFH0v80pQf4Wd7sCg5zZnIID9PY8GsAPB81XbA1pO-1SXIpagGTZ-5sG5ygLRFWuu80

(5) https://tuoitre.vn/cap-hang-tram-bang-gia-cuu-hieu-truong-truong-dh-dong-do-lanh-12-nam-tu-20211224141731255.htm

Phúc Khang