Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dựa trên báo cáo ba công khai của Trường Đại học Phương Đông, năm học 2021-2022, trường có 189 sinh viên tốt nghiệp, trong đó, tỷ lệ sinh viên giỏi đạt 2,65%, tỷ lệ sinh viên khá đạt 30,69%.
Năm học 2022 -2023, số sinh viên đại học tốt nghiệp là 1487 em, trong đó sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chiếm 1,21 %, sinh viên giỏi chiếm 10,76%, sinh viên khá chiếm 49,43%.
Như vậy, số sinh viên tốt nghiệp trong năm học 2022 - 2023 tăng gấp 7 lần năm học trước đó.
Số sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Phương Đông trong năm học 2022 - 2023 tăng gấp 7 lần năm học trước đó. (số liệu từ báo cáo ba công khai của trường) |
Lý giải vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Quang Trường – Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Phương Đông cho biết, mỗi năm trường có 2 đợt tốt nghiệp, đợt chính vào tháng 6 và đợt thứ 2 vào tháng 12 hằng năm.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất phức tạp, sinh viên phải học tập online nên quá trình tốt nghiệp bị chậm lại. 189 sinh viên tốt nghiệp là của đợt 1, còn đợt 2, quá trình tốt nghiệp bị chậm nên số sinh viên tốt nghiệp đợt 2 bị dồn sang năm học 2022 - 2023.
Nếu tính đúng thì đợt 2 năm 2021 - 2022 có thêm 508 sinh viên tốt nghiệp; còn năm học 2022 - 2023, đợt 1 có 182 em tốt nghiệp và đợt 2 sẽ có 797 sinh viên tốt nghiệp.
Còn tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và giỏi của trường đều ở mức rất khiêm tốn, điều này không phải là sinh viên học yếu mà công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử được trường làm chặt, khắt khe hơn.
Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Phương Đông, năm học 2022 – 2023, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi lĩnh vực nhân văn của trường là 29,34; lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân là 34,18.
Theo Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non (có hiệu lực vào thời điểm đó) thì: “Số lượng sinh viên trình độ đại học chính quy trên một giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo đối với lĩnh vực Nhân văn cũng như lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân là 25”,
Như vậy, hai lĩnh vực này, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi của trường không đảm bảo theo đúng quy định.
Nội dung này, thầy Trường cho biết, báo cáo ba công khai tập hợp dữ liệu từ nhiều bộ phận khác nhau trong nhà trường nên một số bộ phận thực hiện thống kê chưa được tốt, dẫn tới dữ liệu không hoàn thiện.
Trong báo cáo ba công khai, chỉ thống kê số lượng giảng viên cơ hữu chứ chưa thống kê giảng viên thỉnh giảng. Nhưng theo Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT, khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trường được tính giảng viên quy đổi bao gồm giảng viên cơ hữu quy đổi và giảng viên thỉnh giảng quy đổi, trong đó lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân cho phép tính tối đa 40% giảng viên thỉnh giảng, còn lĩnh vực Nhân văn được tính tối đa 10%.
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 5 của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định giảng viên trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh như sau:“Số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật và các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học (quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này), số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo…”
Theo đó, các ngành thuộc lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân được xếp vào những ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học.
Khi tính cả giảng viên thỉnh giảng thì tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi của lĩnh vực Nhân văn là 27,2 sinh viên/giảng viên; còn lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân là 12,8 sinh viên/giảng viên.
Như vậy, lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân đã đáp ứng đúng quy định, còn lĩnh vực Nhân văn vẫn cao hơn so với quy định (25 sinh viên/giảng viên) lý do là năm 2021, lượng sinh viên tuyển bị vượt quá chỉ tiêu. Nhưng ngay tại thời điểm đó, nhà trường đã tuyển bổ sung thêm giảng viên. Tính đến tháng 6/2023 (thời hạn cuối cùng chốt số liệu làm đăng ký chỉ tiêu), tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi lĩnh vực Nhân văn là 24,7; lĩnh vực Du lịch là 21,2 sinh viên/giảng viên, đều đáp ứng quy định.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, trường có 2362 chỉ tiêu (năm 2022), tuy nhiên, chỉ có 2158 thí sinh trúng tuyển, trong đó, ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ điện tử chỉ có 15 em trúng tuyển (50 chỉ tiêu); ngành Kiến trúc có 50 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 26 thí sinh trúng tuyển; ngành Kỹ thuật xây dựng có 18 em trúng tuyển (50 chỉ tiêu).
Về vấn đề này, thầy Trường thông tin: "Quy mô tối thiểu để mở lớp là 15 sinh viên, và nhà trường không có ngành nào mở lớp dưới 15 sinh viên, với những ngành chỉ có 2 -3 thí sinh thì nhà trường sẽ tư vấn các em chọn ngành học khác hoặc cơ sở giáo dục khác để học tập".
Trường Đại học Phương Đông cố gắng duy trì đào tạo các ngành Kỹ thuật. Ảnh minh hoạ: Kim Ngọc |
Về một số ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, thầy Trường cho biết, những năm gần đây, nhu cầu của các ngành xây dựng, kiến trúc, cơ điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường tương đối thấp.
Một số trường không tuyển đủ thì đã khai tử những ngành này. Nhưng quan điểm của Trường Đại học Phương Đông, các ngành kỹ thuật là xương sống của nền kinh tế, trường chú trọng khối ngành kỹ thuật, dù tuyển sinh khó nhưng vẫn muốn duy trì đào tạo những ngành này.
Mỗi ngành đều có chu kỳ phát triển thăng trầm qua từng giai đoạn, trước đây ngành Kiến trúc tuyển được 300 sinh viên nhưng sau này giảm còn 15 - 20 em/lớp. Vì đây là những ngành nhu cầu học tập càng thấp, học tập vất vả và môi trường làm việc cũng vất vả.
Năm 2023, trường cũng phải dừng tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học vì tuyển sinh khó khăn.
Trước đó, năm 2020, trường cũng dừng tuyển ngành Điện tử viễn thông và ngành Công nghệ môi trường, ngành Xây dựng công trình giao thông.
Cũng theo Đề án tuyển sinh của trường, năm 2021, nhà trường được giao 1700 chỉ tiêu nhưng số thí sinh trúng tuyển nhập học lại cao hơn chỉ tiêu rất nhiều, cụ thể là 2705 em. Về vấn đề này, thầy Đinh Quang Trường cho biết, năm 2021, trường có 1950 chỉ tiêu (trong đó 250 chỉ tiêu liên thông), nhưng vì chỉ tiêu liên thông trường không tuyển được nên tổng chỉ tiêu của trường là 1950.
"Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyển sinh lần đầu phải thực hiện online nên khả năng dự báo, dự đoán của năm học này rất hạn chế. Số lượng thí sinh ảo quá lớn trong khi tỷ lệ nhập học hằng năm tương đối thấp, nhưng riêng năm học 2021 tỷ lệ nhập học cao bất thường, vì thế công tác dự báo không chuẩn xác.
Cũng trong năm này, số trường đại học trên cả nước tuyển vượt chỉ tiêu cũng tăng cao, có 78 trường bị xử phạt vì tuyển vượt chỉ tiêu, do khả năng dự báo trong bối cảnh làm việc online bị hạn chế", Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông lý giải.
Thầy Đinh Quang Trường cho biết thêm, hết năm thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tính số lượng sinh viên bỏ học để tính con số chính xác. Lúc này, số sinh viên bỏ học là 268 sinh viên, nên số thực tế trường tuyển vượt là 737 em.
Bộ cũng đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với nhà trường kèm theo chế tài dừng tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm. Hiện nay, việc xác định chỉ tiêu của trường hoàn toàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định dựa trên thực tế năng lực đào tạo của trường.
Năm 2021, dù trường tuyển vượt chỉ tiêu nhưng trường cũng nhanh chóng tuyển bổ sung giảng viên cơ hữu (có 14 giảng viên cơ hữu, gồm: 02 giáo sư, 03 phó giáo sư, 07 tiến sĩ và 02 thạc sĩ, tương đương 35 thạc sĩ quy đổi), đã bù đắp được số sinh viên tuyển vượt để đảm bảo công tác đào tạo.