Trường Đại học Hải Dương: Tuyển sinh thấp, có năm chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu

15/12/2023 06:24
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 3 năm 2020, 2021, 2022, Trường Đại học Hải Dương đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao mặc dù điểm trúng tuyển đầu vào tương đối thấp.

Trường Đại học Hải Dương là trường công lập trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, được thành lập ngày 26/7/2011 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương và được đổi tên theo Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Sứ mệnh của nhà trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ của tỉnh Hải Dương, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh Hải Dương và cả nước.

Ngày 12/6/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương. Việc sáp nhập Trường cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương nhằm mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hải Dương thành trường đại học trọng điểm của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng.

3 năm liên tiếp tuyển sinh không đủ chỉ tiêu

Theo đề án tuyển sinh năm 2023 (điều chỉnh, bổ sung lần 3) của Trường Đại học Hải Dương ban hành ngày 24/8/2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022 cho thấy, 3 năm học gần nhất nhà trường đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu ở hầu hết các ngành.

Bảng thống kê chỉ tiêu tuyển sinh và số nhập học của Trường Đại học Hải Dương trong 3 năm 2020, 2021, 2022 (Ảnh: Lã Tiến)

Bảng thống kê chỉ tiêu tuyển sinh và số nhập học của Trường Đại học Hải Dương trong 3 năm 2020, 2021, 2022 (Ảnh: Lã Tiến)

Năm học 2022-2023, Trường Đại học Hải Dương tuyển sinh chính quy trình độ đại học với hình thức xét tuyển bằng 3 phương thức: Xét tuyển căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; xét tuyển căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); xét tuyển thẳng.

Chỉ tiêu của trường năm 2022 là 900 sinh viên nhưng chỉ có 292 sinh viên nhập học, đạt 32,4%.

Biểu đồ so sánh chỉ tiêu với số thí sinh nhập học trong 3 năm của Trường Đại học Hải Dương (Ảnh: Lã Tiến)

Biểu đồ so sánh chỉ tiêu với số thí sinh nhập học trong 3 năm của Trường Đại học Hải Dương (Ảnh: Lã Tiến)

Có thể kể đến lĩnh vực Kinh doanh và quản lý – Ngành Kế toán có chỉ tiêu ở 3 phương thức xét tuyển là 210 sinh viên nhưng chỉ có 92 sinh viên nhập học, đạt 43,8%.

Ngành tài chính ngân hàng có 30 chỉ tiêu nhưng chỉ có 9 người nhập học (đạt 30%). Ngành quản trị kinh doanh có 112 chỉ tiêu song chỉ có 45 sinh viên nhập học (chỉ đạt 40,1%). Ngành Quản trị văn phòng tuyển sinh 60 chỉ tiêu nhưng chỉ có 11 sinh viên nhập học (18,3%).

Ở lĩnh vực Kỹ thuật – Ngành Kỹ thuật điện có chỉ tiêu tuyển sinh là 113 sinh viên nhưng cũng chỉ tuyển được 50 sinh viên (đạt 44,2%).

Ở lĩnh vực Nhân văn – Ngành Ngôn ngữ Anh có tổng số chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển là 145 sinh viên nhưng số sinh viên nhập học chỉ vỏn vẹn 46 người (đạt 31,7%).

Đặc biệt, lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin – Ngành Công nghệ thông tin có chỉ tiêu ở 3 phương thức xét tuyển là 200 sinh viên nhưng chỉ có 24 sinh viên nhập học (đạt 12%).

Đối với trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, năm 2022, Trường Đại học Hải Dương tuyển sinh 752 chỉ tiêu, số thí sinh trúng tuyển chỉ có 667 người, đạt 88,6% chỉ tiêu đề ra.

Năm học 2021-2022, việc tuyển sinh của Trường Đại học Hải Dương cũng không khá hơn là mấy. Chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường ở 10 mã ngành là 895 sinh viên song cũng chỉ có 371 sinh viên nhập học (đạt 41,4%).

Cụ thể, Ngành kế toán có chỉ tiêu tuyển sinh là 205 nhưng chỉ tuyển được hơn nửa chỉ tiêu với 128 sinh viên. Ngành Tài chính Ngân hàng có 30 chỉ tiêu, tuyển được 9 sinh viên (đạt 30%).

Ngành Quản trị kinh doanh chỉ tiêu là 112 cũng chỉ có 72 sinh viên nhập học (chỉ đạt 64,2%). Ngành Quản trị văn phòng tuyển được 11/60 sinh viên (đạt 18,3%). Ngành Ngôn ngữ Anh cũng chỉ tuyển được 40% so với chỉ tiêu nhà trường đề ra (48/120 sinh viên).

Đối với trình độ Cao đẳng giáo dục mầm non, năm 2021, Trường Đại học Hải Dương cũng tuyển không đủ chỉ tiêu với 505 sinh viên trúng tuyển trên tổng số 811 chỉ tiêu (chỉ đạt 62,2%).

Biểu đồ chỉ tiêu và thí sinh nhập học từng ngành trong 3 năm 2020, 2021, 2022 của Trường Đại học Hải Dương (Biểu đồ: Lã Tiến)

Biểu đồ chỉ tiêu và thí sinh nhập học từng ngành trong 3 năm 2020, 2021, 2022 của Trường Đại học Hải Dương (Biểu đồ: Lã Tiến)

Theo Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2022 của Trường Đại học Hải Dương, năm học 2020-2021, tổng chỉ tiêu của 10 ngành học của nhà trường là 745. Số sinh viên nhập học chỉ có 260 người, đạt 34,8% so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Đơn cử như Ngành Kế toán có 235 chỉ tiêu nhưng chỉ có 107 sinh viên nhập học (đạt 45,5%). Ngành Tài chính ngân hàng có 12/50 sinh viên nhập học (đạt 24%). Ngành Quản trị kinh doanh thì tuyển sinh khá hơn chút khi có 53/70 người nhập học (đạt 75,7%).

Ngành Kỹ thuật điện tuyển sinh ở 2 phương thức (theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và theo kết quả học tập trung học phổ thông) với 100 chỉ tiêu song cũng chỉ có vỏn vẹn 42 sinh viên nhập học (đạt 42%).

Ngành Công nghệ thông tin có 13 sinh viên nhập học trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh là 65 sinh viên (đạt 20%). Ngành Ngôn ngữ Anh tuyển được 18/50 sinh viên.

Đặc biệt, Ngành Kinh tế của nhà trường không tuyển được sinh viên nào trong khi chỉ tiêu 30 người (xét tuyển theo kết quả học tập). Ngành Chính trị học chỉ tuyển được duy nhất một sinh viên trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 30 người. Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tuyển được 3 sinh viên trên tổng số 50 chỉ tiêu…

Theo Khoản 5, Điều 12, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ quy định:

Đối với ngành đào tạo đã được mở nhưng trong thời gian 03 năm liên tiếp (đối với đào tạo trình độ đại học) và 05 năm liên tiếp (đối với đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ) cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được thì quyết định mở ngành đối với ngành này của cơ sở đào tạo hết hiệu lực. Nếu cơ sở đào tạo muốn tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành này, cơ sở đào tạo phải thực hiện lại trình tự, thủ tục mở ngành theo quy tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điểm chuẩn vào trường tương đối thấp

Năm 2023, Trường Đại học Hải Dương công bố điểm chuẩn theo hai phương thức là xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cụ thể, điểm chuẩn năm 2023 của Trường Đại học Hải Dương dao động từ 15-19 điểm. Trong đó, 8 mã ngành đại học thuộc khối ngành sư phạm có điểm chuẩn là 19 điểm; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm.

Khối kinh tế, kỹ thuật, khoa học xã hội – nhân văn gồm 10 mã ngành có điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 15 điểm (trung bình 5 điểm/môn - PV); theo kết quả học tập trung học phổ thông là 15,5 điểm.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 (điều chỉnh, bổ sung lần 3) của Trường Đại học Hải Dương, năm 2022, điểm chuẩn vào trường ở các ngành cũng khá thấp, dao động từ 14,5-16,1 điểm.

Tương tự, năm 2021, điểm chuẩn đầu vào của trường ở 9 mã ngành cũng chỉ dao động từ 15-17 điểm.

Năm 2020, điểm chuẩn các ngành của Trường Đại học Hải Dương cũng dao động từ 15-17,5 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Ngành Chính trị học xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (17,5 điểm).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc 3 năm liên tiếp Trường Đại học Hải Dương tuyển không đủ chỉ tiêu và những câu hỏi liên quan đến việc điểm chuẩn vào trường tương đối thấp, bà Tạ Thị Thuý Ngân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời điểm trước khi sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương, bà đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải Dương.

Sau khi sáp nhập, bà Ngân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương, nên bà Ngân từ chối trả lời những nội dung liên quan đến những số liệu Tạp chí điện tử Việt Nam phân tích ở trên.

LÃ TIẾN