Sau sáp nhập, Trường Đại học Hải Dương đào tạo 6 mã ngành sư phạm

08/07/2023 06:30
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, Trường Đại học Hải Dương tuyển sinh 1.750 chỉ tiêu hệ đại học chính quy, trong đó có khoảng 1.150 chỉ tiêu ở 6 mã ngành sư phạm được mở sau sáp nhập.

Mở 6 mã ngành sư phạm trình độ đại học

Ngày 12/6/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương.

Sau sáp nhập, nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép đào tạo 6 mã ngành sư phạm trình độ đại học gồm: sư phạm Toán học, Ngữ văn, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non.

Đây là những mã ngành rất quan trọng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các trường, nhất là mã ngành sư phạm Khoa học tự nhiên sẽ tháo gỡ khó khăn về giảng dạy những môn học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2023, Trường Đại học Hải Dương được mở 6 mã ngành sư phạm với khoảng 1.150 chỉ tiêu tuyển sinh (Ảnh: TA)

Năm 2023, Trường Đại học Hải Dương được mở 6 mã ngành sư phạm với khoảng 1.150 chỉ tiêu tuyển sinh (Ảnh: TA)

Theo thầy Nguyễn Văn Quyên – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương, 6 mã ngành sư phạm trên đã được xây dựng và cập nhật mới theo chuẩn năng lực nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

6 mã ngành sư phạm này đang được Trường Đại học Hải Dương tuyển sinh ngay trong năm 2023. Trước mắt trường dự kiến tuyển sinh khoảng 1.150 chỉ tiêu cho khối ngành sư phạm.

Trong những năm tiếp theo, bình quân mỗi năm trường sẽ tuyển sinh từ 1.500-2.000 chỉ tiêu khối ngành sư phạm; duy trì quy mô tuyển sinh và đào tạo từ 6.000-8.000 sinh viên.

Thầy Quyên cho biết, sau sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương, Trường Đại học Hải Dương mới sẽ có đầy đủ điều kiện để đào tạo nguồn giáo viên trình độ đại học có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập, tuyển dụng giáo viên trong tỉnh và khu vực.

Cụ thể, nhà trường có hệ thống các trường thực hành gồm Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Trường Tiểu học Chu Văn An, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông Chu Văn An.

Đây là nguồn lực tốt đáp ứng nhu cầu đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp, phát huy năng lực của sinh viên.

Cùng với đó, hiện nay, Trường Đại học Hải Dương có đội ngũ các nhà quản lý giáo dục và nhiều giảng viên có trình độ cao.

Chỉ tính riêng đội ngũ phục vụ nhu cầu đào tạo giáo viên, trường có hơn 250 cán bộ, giảng viên, trong đó 50 tiến sĩ, còn lại là thạc sĩ. Một số giảng viên đã nhiều năm tham gia giảng dạy tại các trường đại học.

Nhà trường có đầy đủ phòng học, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo như các phòng đa chức năng, phòng thí nghiệm thực hành, ngoài ra còn có nhà thi đấu đa năng, bể bơi, ký túc xá đáp ứng đầy đủ chỗ ở cho sinh viên.

Ngoài ra, thế mạnh của nhà trường sau sáp nhập đó là kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… trong suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển của Trường Cao đẳng Hải Dương.

Cung cấp nguồn giáo viên cho tuyển dụng tại tỉnh

Cũng theo thầy Quyên, giai đoạn đầu sau sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương luôn có những khó khăn.

Tại buổi làm việc với tỉnh Hải Dương vào giữa tháng 6/2023, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Trường Đại học Hải Dương sau sáp nhập cần có kế hoạch tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên do đội ngũ giảng viên đang đào tạo từ trình độ cao đẳng chuyển sang trình độ đại học.

Đồng thời đẩy mạnh thu hút tuyển sinh và sớm có kế hoạch chuẩn bị để mở tiếp các mã ngành sư phạm đang thiếu trầm trọng là tin học và nghệ thuật…

Hệ thống trường thực hành từ bậc mầm non đến cấp trung học phổ thông sẽ là ưu thế để Trường Đại học Hải Dương đáp ứng nhu cầu đào tạo sinh viên khối sư phạm (Ảnh: NTCC)

Hệ thống trường thực hành từ bậc mầm non đến cấp trung học phổ thông sẽ là ưu thế để Trường Đại học Hải Dương đáp ứng nhu cầu đào tạo sinh viên khối sư phạm (Ảnh: NTCC)

Những năm gần đây, nguồn tuyển dụng giáo viên vẫn đang là thách thức. Năm 2022, hầu hết các địa phương có số thí sinh đăng ký tuyển dụng giáo viên đều thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng.

Có địa phương tỷ lệ phiếu đăng ký chỉ chiếm 42% số chỉ tiêu cần tuyển dụng. Năm 2022, Hải Dương có chỉ tiêu tuyển dụng hơn 1.700 giáo viên, nhân viên nhưng chỉ tuyển được hơn 980 chỉ tiêu.

Theo Sở Nội vụ Hải Dương, toàn tỉnh hiện còn thiếu khoảng 1.440 giáo viên và nhân viên theo vị trí việc làm trong chỉ tiêu biên chế.

Để thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch đào tạo giáo viên tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025 theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm,.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến các sở, cơ quan, đơn vị liên quan, sau đó thiết lập hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch trong thời gian sớm nhất.

LÃ TIẾN