ĐH Khoa học Thái Nguyên tuyển chưa được 60% chỉ tiêu, nguồn lực có bị lãng phí?

17/01/2024 06:34
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉ lệ sinh viên nhập học của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 đều không đạt chỉ tiêu.

Ngày 23/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1901/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Khoa học trên cơ sở nâng cấp Khoa Khoa học Tự nhiên và Xã hội (tiền thân Khoa Khoa học Tự nhiên) trực thuộc Đại học Thái Nguyên.

Tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) (địa chỉ tại phường Tân Thịnh, Thành phố Thái Nguyên) có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn với các trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cả nước.

Về tầm nhìn, trường phấn đấu trở thành trường đại học định hướng ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực; có tính hội nhập cao, trong đó một số ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ đạt trình độ tiên tiến hội nhập khu vực ASEAN và châu Á.

Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giới là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng là Hiệu trưởng.

3 năm liên tiếp tuyển không đủ chỉ tiêu

Đề án tuyển sinh năm học 2022, 2023 của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cho thấy, năm 2020, trường có 430 sinh viên nhập học, trên chỉ tiêu là 2.250. Tỉ lệ sinh viên nhập học chỉ ở mức 19,1%.

Năm 2021, trường có 745 sinh viên nhập học, đạt 37,45% trên tổng chỉ tiêu là 1.989.

Năm 2022, có 913 sinh viên nhập học, chiếm 56,01% trên tổng chỉ tiêu được duyệt là 1.630.

Bảng thống kê số lượng sinh viên nhập học/chỉ tiêu tuyển sinh 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 lần lượt là 19,11%; 37,45%; 56,01%. (Theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023).

Bảng thống kê số lượng sinh viên nhập học/chỉ tiêu tuyển sinh 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 lần lượt là 19,11%; 37,45%; 56,01%. (Theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023).

Đáng nói, mặc dù 3 năm liên tiếp trước đó, tỉ lệ sinh viên nhập học thấp nhưng năm 2023, theo đề án tuyển sinh cho thấy tổng chỉ tiêu vẫn tăng. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy là 2.030 người, tăng 400 chỉ tiêu (tăng 24,53%) so với năm 2022.

Các ngành tăng chỉ tiêu tuyển sinh như ngành Ngôn ngữ Anh tuyển 240 chỉ tiêu, tăng 120 chỉ tiêu so với năm 2022; chỉ tiêu ngành Trung Quốc học là 260, tăng 110 người so với năm 2022; ngành Hàn Quốc học tăng 80 chỉ tiêu so với năm 2022 (120 chỉ tiêu); tuyển sinh ngành Luật là 250, tăng 90 chỉ tiêu so với năm 2022.

Trong năm này, trường không tuyển sinh ngành Hóa dược và Khoa học môi trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) theo đề án tuyển sinh 2022, 2023.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) theo đề án tuyển sinh 2022, 2023.

Trong văn bản trả lời do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Chính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học gửi đến phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam lý giải về nguyên nhân tỷ lệ sinh viên nhập học của trường trong 3 năm gần đây thấp, nhà trường cho rằng, xét về nguyên nhân khách quan, theo sứ mạng của trường là đào tạo các ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn. Đây là những ngành học có sức hút thấp vì chương trình học nặng, sau khi ra trường khó xin việc, mức lương không hấp dẫn,...

Thực tế, trong những năm gần đây, một số ngành thuộc ngành khoa học cơ bản tại các trường phải dừng tuyển sinh; nhiều khoa phụ trách đào tạo ngành này tại các trường phải sáp nhập, giảng viên phải chuyển đổi sang ngành mới; một số trường đơn ngành trước đây đào tạo nội dung về giao thông, thủy lợi, công đoàn, văn hóa,... đã phát triển thành trường đa ngành. Tức là, ngoài các ngành truyền thống theo sứ mạng được giao, muốn tồn tại và phát triển, cơ sở giáo dục đã mở các ngành học mới theo nhu cầu của thị trường lao động.

Trường Đại học Khoa học trực thuộc Đại học Thái Nguyên thực hiện theo đào tạo theo đúng sứ mạng được giao và chỉ được mở ngành thuộc sứ mạng theo Văn bản số 45 ngày 8/2/2017 - Trích Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Thái Nguyên về việc không cho phép các trường mở ngành đào tạo trùng lặp giữa các trường đại học thành viên.

Ngoài ra, cũng do nhận thức chưa đúng của xã hội về giá trị chiến lược của các ngành khoa học cơ bản nên trong thời gian gần đây rất ít học sinh giỏi theo học ngành này; các trường phổ thông trên địa bàn tuyển sinh truyền thống của nhà trường (khu vực Trung du và miền núi phía Bắc) ngày càng ít học sinh học và đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp khoa học tự nhiên nên số lượng thí sinh xét chuẩn đầu vào hiếm.

Mặt khác, trên địa bàn tuyển sinh truyền thống của trường có thêm các trường đại học địa phương cạnh tranh làm giảm nguồn tuyển sinh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, một số ngành học trước đây tuyển sinh khá tốt của trường cũng bị ảnh hưởng như Luật, Du lịch, Việt Nam học,...

Xét về nguyên nhân chủ quan, trong những năm diễn ra đại dịch, công tác tư vấn tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn, nhiều nội dung không thực hiện được theo kế hoạch. Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) không hạ điểm chuẩn như một số cơ sở khác để "vét thí sinh", cụ thể như, trường luôn lấy điểm sàn theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 15 điểm trở lên; theo điểm xét tuyển học bạ từ 18 điểm trở lên.

Đồng thời, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) thông tin, năm 2023, trường tuyển sinh đạt kết quả cao hơn với một số lý do.

Thứ nhất, năm 2023, dịch Covid - 19 đã được kiểm soát, một số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nên thí sinh tin tưởng lựa chọn trường công lập.

Thứ hai, sau thời gian chuẩn bị nhân lực và cơ sở vật chất, trường đã đầu tư rà soát, chỉnh sửa các chương trình đào tạo và phát triển các chương trình đào tạo mới; thực hiện đánh giá ngoài các chương trình đào tạo, xây dựng 5 chương trình đào tạo định hướng giảng dạy trên cơ sở các ngành đào tạo cơ bản, kịp thời đáp ứng yêu cầu xã hội về dạy học bằng tiếng Anh và dạy các môn mang tính tổ hợp như Toán, Ngữ Văn, Lịch sử - Địa lý - Pháp luật,...

Thứ ba, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) mở rộng địa bàn tư vấn tuyển sinh đến các tỉnh có khu công nghiệp, tỉnh đồng bằng sông Hồng nên đối tượng quan tâm và đăng ký các ngành khoa học cơ bản có xu thế dần tăng trưởng.

Thứ tư, sinh viên các ngành Du lịch, Luật,... ra trường có việc làm ổn định trở lại sau đại dịch Covid - 19 nên đã thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Chia sẻ lý do vì sao tỷ lệ nhập học 3 năm liền kề của trường đều rất thấp nhưng năm 2023, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Chính cho hay chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm căn cứ vào năng lực đào tạo của trường để xác định và do Đại học Thái Nguyên phê duyệt. Năm 2023, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, giảng viên có chức danh phó giáo sư chiếm khoảng 10%, giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ đạt trên 50% nên chỉ tiêu nhà trường tăng.

Nhiều ngành số sinh viên nhập học chỉ được 2-3 sinh viên

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều ngành học tại Trường Đại học Khoa học trong nhiều năm qua có số lượng sinh viên nhập học rất thấp.

Đơn cử như ngành Vật lý học, năm học 2021 chỉ tiêu là 30 nhưng chỉ có 2 sinh viên nhập học; năm 2022, chỉ tiêu ngành này là 30 nhưng không có sinh viên nào nhập học.

Ngành Khoa học môi trường cũng rơi vào cảnh tương tự. Năm 2020, chỉ tiêu là 50 nhưng chỉ có 1 sinh viên nhập học; năm 2021, chỉ tiêu là 50 nhưng chỉ có 8 sinh viên nhập học; năm 2022 chỉ tiêu tuyển sinh là 50 nhưng chỉ có 4 sinh viên nhập học.

Các ngành có sinh viên nhập học thấp theo đề án tuyển sinh 2022, 2023 của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Các ngành có sinh viên nhập học thấp theo đề án tuyển sinh 2022, 2023 của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Đề cập đến một số ngành của trường có sinh viên trúng tuyển đạt tỷ lệ thấp, thầy Chính thông tin: Những năm vừa qua, ngành khoa học cơ bản của trường như Toán học, Toán tin, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Khoa học Môi trường,... có số lượng sinh viên nhập học thấp. Tùy tình hình tuyển sinh từng năm, nhà trường vẫn cho phép đào tạo một số ngành dù có số lượng thí sinh nhập học thấp.

Quan điểm của nhà trường là kiên trì theo đuổi sứ mạng và duy trì đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khoa cơ bản. Thực tế đã chứng minh về niềm tin của nhà trường, kỳ tuyển sinh năm 2023, một số ngành khoa học cơ bản như Toán, Toán tin, Văn học, Lịch sử,... đã tuyển sinh "ấm lên".

Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng thí sinh nhập học ngành Vật lý thấp, nhưng tùy tình hình tuyển sinh từng năm và nguyện vọng của người học và khoa chuyên môn, trường vẫn cho phép đào tạo. Mục đích chính là duy trì đội ngũ cán bộ và giao cho khoa chuyên môn nghiên cứu chuyển đổi sang lĩnh vực đào tạo mới.

Mặt khác, do Vật lý là ngành khoa học cơ bản, hiện nhu cầu việc làm không cao nên rất cần thời gian để nghiên cứu chuyển đổi thận trọng. Đồng thời, trường là đơn vị thành viên của đại học vùng nên không được phép mở trùng ngành với đơn vị khác.

Vừa qua, Trường Đại học Khoa học đã trình Đại học Thái Nguyên cho phép xây dựng đề án thí điểm mở ngành Công nghệ bán dẫn trên cơ sở nòng cốt là giảng viên và trang thiết bị thí nghiệm của ngành Vật lý. Hiện ngành có 6 giảng viên chức danh phó giáo sư, bên cạnh là giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ để đón đầu nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp Bán dẫn. Nhà trường hi vọng, sau khi ngành Công nghiệp Bán dẫn được phép tuyển sinh sẽ đáp ứng được nhu cầu của nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch hiện nay.

Riêng ngành Việt Nam học, trường đã có văn bản trình Đại học Thái Nguyên tạm dừng tuyển sinh để cập nhật thay đổi chương trình đào tạo và giao nhiệm vụ chuyển đổi sang các lĩnh vực mới cho giáo viên thuộc lĩnh vực này.

Phóng viên Tạp chí cũng đặt câu hỏi về việc tỷ lệ sinh viên nhập học thấp có gây lãng phí nguồn lực về cơ sở vật chất, giảng viên?

Trường Đại học Khoa học cho rằng, thực tế, một số ngành có thí sinh nhập học thấp đã được nhà trường dự báo và có phương án chủ động.

Đơn cử như, ban hành nhiều văn bản khuyến khích giảng viên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và yêu cầu giảng viên tích cực học tập, nâng cao trình độ bằng kinh phí tự túc.

Mặc dù tuyển sinh hệ đại học chính quy gặp khó khăn nhưng ngoài hệ đào tạo chính quy, trường còn đào tạo sau đại học và các hệ đào tạo ngoài ngân sách, bồi dưỡng ngắn hạn,... Kết quả là đại đa số giảng viên thuộc khoa khó tuyển sinh vẫn đủ và vượt định mức giờ giảng dạy. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường yêu cầu chuẩn đầu ra đối với đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cao hơn mức quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hàm lượng khoa học của luận án, luận văn.

Qua đó, nhà trường cũng đề xuất một số ý kiến. Thứ nhất, theo Luật Giáo dục đại học về tự chủ đại học, một số cơ sở giáo dục đào tạo ngành khoa học cơ bản gặp khó trong vấn đề tự chủ, song vẫn chưa có chính sách ưu tiên đặc biệt. Hiện, kinh phí chi thường xuyên do Nhà nước cấp cho trường khoảng 11 tỷ đồng/năm (đủ chi gần 4 tháng lương cho trên 300 cán bộ) và dự kiến từ năm 2025, trường sẽ tự chủ chi thường xuyên.

Mặt khác, trường có trụ sở tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc, sinh viên người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45%, số tiền chi trả trợ cấp xã hội là rất lớn, mức học phí của trường khoảng 980.000 đồng/tháng/sinh viên. Do vậy, trường gặp nhiều khó khăn và phải tiết kiệm tối đa các khoản chi để ưu tiên đầu tư cho con người và chuyên môn. Hàng năm, công việc khó khăn nhất mà trường phải thực hiện là phân bổ kinh phí vì phải tính toán làm sao để vừa đủ tiêu trong năm trên nguyên tắc tiết kiệm nhất.

Thứ hai, trường đang thực hiện theo đúng sứ mạng, kiên định bám trụ và duy trì các ngành khoa học cơ bản, ngành quan trọng của đất nước. Thực tế, một số trường đại học lớn đào tạo ngành này cũng đang gặp khó khăn. Nếu trường bỏ đào tạo ngành khoa học cơ bản để chạy theo nhu cầu thị trường, câu hỏi đặt ra là: Đơn vị nào sẽ đào tạo các ngành này cho vùng?

Thứ ba, theo quan điểm của đại diện nhà trường, các ngành đào tạo đều có chu kỳ vượng - suy, nếu vì khó khăn trong tuyển sinh mà trường dừng tuyển sinh ngành khoa học cơ bản mà nhà trường đã mất hơn 20 năm để xây dựng, trong tương lai, đất nước cần nguồn nhân lực này, việc xây dựng lại sẽ tốn kém và lãng phí hơn rất nhiều. Vì để có 1 nhà khoa học, 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ phải mất từ 10 - 15 năm đào tạo. Trường rất mong Nhà nước sớm có chính sách ưu tiên và chiến lược phát triển về ngành khoa học cơ bản.

Thảo Ly