ĐH Hồng Đức mở ngành Logistics vì nhu cầu nhân lực khu kinh tế Nghi Sơn rất lớn

13/03/2024 06:28
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hồng Đức, năm nay nhà trường dự kiến tuyển 2.925 chỉ tiêu đại học chính quy cho 37 ngành.

Năm 2024, Trường Đại học Hồng Đức bắt đầu tuyển sinh 4 ngành mới, bao gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế nông nghiệp, Huấn luyện thể thao, Quản lý xây dựng.

Về lý do mở thêm ngành học mới, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: "Trường Đại học Hồng Đức được thành lập theo Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ; là trường đại học công lập, đa ngành, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trải qua gần 27 năm xây dựng và phát triển, với giá trị cốt lõi “hiền tài - đổi mới sáng tạo - trách nhiệm - hội nhập” và triết lý giáo dục “toàn diện - trải nghiệm - thực nghiệp - thực tài”, trường luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của nhà trường đã đoàn kết, phấn đấu với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước".

404539938_360439443316694_8830985855424317516_n.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng khẳng định, nhà trường có đủ điều các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và đặc biệt đảm bảo các quy định về tự chủ trong công tác mở ngành.

"Năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đây là cơ sở, cơ hội để nhà trường mở thêm 4 ngành mới, nhằm đào tạo nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị", thầy Dũng chia sẻ.

Thầy Dũng cho biết thêm, đối với tất cả các ngành học, trong quá trình học tập sinh viên không chỉ được tổ chức rèn nghề trong phòng thực hành, thí nghiệm của trường mà còn được thực hiện ngay tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở giáo dục… nơi nhà trường đã có ký kết về phối hợp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo.

Đối với ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng người học có nhiều cơ hội thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng làm việc thực tế tại cảng biển, doanh nghiệp Logistic trong và ngoài nước tại cảng Nghi Sơn và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Về công tác chuẩn bị để tổ chức đào tạo, theo thầy Dũng, hàng năm nhà trường luôn cử giảng viên tham gia đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực dự kiến giảng dạy.

"Tính đến tháng 3/2024, toàn trường có 669 cán bộ, giảng viên, người lao động. Số giảng viên của trường là 416 thầy cô, trong đó có 191 giảng viên trình độ tiến sĩ, đạt 45,92% (28 giảng viên có chức danh phó giáo sư, đạt 6,73%; 28 tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài, chiếm 14,81%); có 139 giảng viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy, chiếm 33,41%; hơn 40 phó giáo sư, tiến sĩ trực tiếp tham gia giảng dạy, quản lý chuyên môn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Nhà trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng như phòng thực hành, phòng lab, hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị, phương tiện, tài liệu phục vụ cho quá trình đào tạo", Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức nhấn mạnh.

Về mức học phí dự kiến, thầy Dũng thông tin: "Mức học phí thực hiện theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Năm học 2023-2024, nhà trường đang thu 300.000 đồng/tín chỉ, tương đương 1.062.500 đồng/tháng và 10.625.000 đồng/năm (10 tháng); lộ trình tăng học phí thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ".

408686447_369709672389671_1201335283820824009_n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Fanpage nhà trường.

Phóng viên băn khoăn, nhà trường đã có kế hoạch như thế nào để nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ sinh viên, hình thành mạng lưới doanh nghiệp đối tác cũng như tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo các ngành mới. Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng cho hay, nhà trường luôn chú trọng đến công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Hồng Đức đã ký kết với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên rèn nghề, thực tập, trao học bổng cho sinh viên, và đặc biệt là sử dụng nhân lực sau khi đào tạo.

Năm 2023, nhà trường đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tư vấn, huấn luyện, đào tạo, truyền thông. Quản lý đối với các hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp, việc làm cho sinh viên các ngành đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Hồng Đức; kết nối, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhìn nhận những thuận lợi và khó khăn trong đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: "Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 9/6/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhà trường được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các Sở Ban ngành trong tỉnh quan tâm tạo điều kiện để nhà trường đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành “hot”, với cơ hội việc làm ở mọi loại hình doanh nghiệp, thuộc mọi lĩnh vực kinh doanh, mọi quy mô, đặc biệt là nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn đang rất lớn. Mức lương có thể đạt từ 20 - 25 triệu đồng/tháng và có thể cao hơn, tùy theo năng lực, kinh nghiệm cũng như vị trí công việc".

Phạm Thi