Vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Kết luận số 37/KL-TTr về việc thanh tra Dự án “Đầu tư và nâng cấp hệ thống thư viện của Trung tâm Thông tin - Học liệu và các cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng”.
Đại học Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp công lập trên địa bàn. Trụ sở chính của Đại học Đà Nẵng tại số 41 đường Lê Duẩn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Hiện nay, Đại học Đà Nẵng có 06 trường đại học thành viên (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn); 1 phân hiệu tại Kon Tum; 35 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; 40 nhóm nghiên cứu - giảng dạy.
Đại học Đà Nẵng vi phạm trong việc áp dụng văn bản, tổ chức đầu tư, thực hiện đầu tư Dự án
Kết luận thanh tra nêu rõ một số hạn chế, thiếu sót và vi phạm của Trường Đại học Đà Nẵng trong việc áp dụng văn bản, việc tổ chức đầu tư, cũng như thực hiện đầu tư đối với Dự án.
Theo đó, một số hạn chế, thiếu sót trong việc khảo sát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu của đơn vị thụ hưởng; lựa chọn các nhà thầu tư vấn đấu thầu; tổ chức thẩm định giá thiết bị của Dự án; thẩm định hồ sơ mời thầu; về hồ sơ mời thầu và nghiệm thu, bàn giao.
Đồng thời, Kết luận thanh tra chỉ rõ các vi phạm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc áp dụng văn bản: Về văn bản trong việc tổ chức đầu tư, tại thời điểm triển khai thực hiện Dự án, Đại học Đà Nẵng đã áp dụng Luật Đầu tư công năm 2014, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (Nghị định số 136) và các văn bản khác có liên quan.
Đây là Dự án có tính chất ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Căn cứ theo mục tiêu và quy mô đầu tư, Dự án được phân loại là nhóm B theo quy định tại khoản 1 Điều 4 và Phụ lục 1 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Nghị định số 102). Vì vậy, Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 102.
Như vậy, Đại học Đà Nẵng triển khai thực hiện Dự án là chưa phù hợp với Nghị định số 102.
Bên cạnh đó, về văn bản trong nghiệm thu dự án: Trong giai đoạn nghiệm thu, Đại học Đà Nẵng thực hiện theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Nghị định số 46) và Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng ban hành quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Thông tư số 26) là chưa bảo đảm theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 102 và Thông tư số 28/2010/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định nội dung giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Thông tư số 28).
Thứ hai, về việc tổ chức đầu tư: Trong công tác quản lý dự án, Đại học Đà Nẵng trực tiếp quản lý Dự án nhưng không có văn bản phân công cụ thể cho tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý Dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định số 102.
Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đơn vị không thực hiện các công việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát; lập, phê duyệt Báo cáo kết quả khảo sát (Biên bản nghiệm thu kết quả khảo sát) là vi phạm quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 102.
Trước khi thẩm định giá, Đại học Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng thẩm định Dự án theo đề nghị của Trung tâm Thông tin - Học liệu tại Tờ trình số 36/TTHL ngày 19/7/2016.
Theo đó, Hội đồng thẩm định Dự án xác định danh mục, đơn giá thiết bị dự kiến đầu tư cho Dự án. Trên cơ sở các báo giá về chi phí thẩm định giá của 03 đơn vị (Công ty cổ phần thẩm định giá Thế Kỷ; Công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá và đại lý thuế Việt Nam; Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC -Việt Nam), Đại học Đà Nẵng lựa chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thẩm định giá thấp nhất là Công ty Cổ phần thẩm định giá Thế Kỷ (Công ty Thế Kỷ) tại Quyết định số 3783/QĐ-ĐHĐN ngày 04/7/2016 của Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
Đại học Đà Nẵng và Công ty Thế Kỷ đã ký kết hợp đồng thẩm định giá với giá trị hợp đồng là 44.035.262 đồng. Ngày 22/7/2016, Công ty Thế Kỷ phát hành Chứng thư thẩm định giá số B164438/CENVALUE-CTTĐ.
Kiểm tra cho thấy, quá trình tổ chức thẩm định giá còn một số tồn tại:
Không có hồ sơ, tài liệu thể hiện Đại học Đà Nẵng có văn bản gửi 03 đơn vị thẩm định giá là: Công ty Thế Kỷ, Công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá và đại lý thuế Việt Nam; Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC -Việt Nam về việc thực hiện thẩm định giá thiết bị của Dự án;
Khi lựa chọn Công ty Thế Kỷ là đơn vị thẩm định giá theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, Đại học Đà Nẵng không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm căn cứ chỉ định thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đấu thầu năm 2013;
Về ký kết hợp đồng, không thực hiện thương thảo hợp đồng trước khi chỉ định và không chuẩn bị, gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chỉ định thầu theo quy trình chỉ định thầu rút gọn đã quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 56 Nghị định số 63;
Đối với các cá nhân thực hiện thẩm định giá của Công ty Thế Kỷ: Có 03 người tham gia thẩm định giá, trong đó: 02 người đủ điều kiện; 01 người không đủ điều kiện tham gia thẩm định giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37 Luật Giá năm 2012;
Công ty Thế Kỷ phát hành Chứng thư thẩm định giá khi không có Báo cáo kết quả thẩm định giá là vi phạm quy trình thẩm định giá quy định tại khoản 6 Điều 30 Luật Giá năm 201213, vi phạm điểm b khoản 2 Điều 42 Luật Giá năm 2012.
Đại học Đà Nẵng đã thanh toán cho Công ty Thế Kỷ số tiền theo hợp đồng là 44.035.262 đồng. Tuy nhiên, khi kiểm toán, Đoàn Kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại Đại học Đà Nẵng chỉ chấp thuận kinh phí cho việc thẩm định giá là 34.585.414 đồng và có yêu cầu Đại học Đà Nẵng nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 9.449.848 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Đại học Đà Nẵng chưa thực hiện theo kiến nghị này của Kiểm toán Nhà nước.
Thứ ba, về việc thực hiện đầu tư, Đại học Đà Nẵng đã vi phạm về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công - dự toán, tổng dự toán. Cụ thể, đơn vị này không tổ chức thực hiện các công việc về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công - dự toán là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 102.
Theo Kết luận này, nguyên nhân để xảy ra những hạn chế, thiếu sót, sai phạm do một số đơn vị, cá nhân tham mưu việc triển khai Dự án không cập nhật văn bản quy định pháp luật liên quan kịp thời; đồng thời còn nhiều hạn chế về năng lực, chuyên môn, hiểu biết quy định pháp luật.
Đồng thời, Kết luận thanh tra nêu rõ, trách nhiệm về những hạn chế, thiếu sót, vi phạm nêu trên thuộc tập thể lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và lãnh đạo Đại học Đà Nẵng được giao nhiệm vụ trực tiếp; các bộ phận tham mưu và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia vào các khâu của Dự án giai đoạn 2016-2018.
Kiến nghị các biện pháp xử lý
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các vi phạm tại Đại học Đà Nẵng.
Đối với Đại học Đà Nẵng: Về phía Hội đồng đại học, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với các nhân được giao nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đối với Dự án, giai đoạn 2016-2018 theo thẩm quyền.
Đồng thời, giám sát, yêu cầu Giám đốc Đại học Đà Nẵng triển khai việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan tới hạn chế, thiếu sót, vi phạm theo thẩm quyền; tổ chức khắc phục, thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, Hội đồng trường các trường thành viên thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật.
Về phía Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Thanh tra Bộ yêu cầu tổ chức kiểm điểm. Cụ thể, theo thẩm quyền tổ chức và chỉ đạo một số nội dung: Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những hạn chế, thiếu sót và hành vi vi phạm của Dự án giai đoạn 2016-2018; tùy theo mức độ vi phạm có hình thức kỷ luật cụ thể theo quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, có một số kiến nghị liên quan đến nội dung kết luận: Lựa chọn cán bộ, viên chức tham gia vào triển khai các dự án phải am hiểu quy định pháp luật, có năng lực, trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn phù hợp theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Đại học Đà Nẵng: Rà soát các thiết bị, phần mềm được Dự án trang bị để có biện pháp sửa chữa, nâng cấp, thay mới (nếu cần) bảo đảm hiệu quả khai thác được liên tục; Rà soát toàn diện các dự án đang triển khai tại Đại học Đà Nẵng, các trường đại học thành viên để kịp thời khắc phục, không để sai sót, thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để kết nối chung vào hệ thống thư viện, nhằm tăng nguồn dữ liệu cho hệ thống thư viện của Đại học Đà Nẵng, nâng cao hiệu suất sử dụng và sớm đạt được mục tiêu chiến lược đã đề trong Dự án. Thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 9.449.848 đồng).
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: Hằng năm xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, điều hành của các đơn vị thành viên (có dấu và tài khoản riêng), các đơn vị được giao triển khai các dự án liên quan.
Đối với các đơn vị và Trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng, Thanh tra Bộ cũng đưa ra các đề xuất:
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến hạn chế, thiếu sót, vi phạm (nếu có);
Chủ động rà soát các thiết bị, phần mềm được Dự án trang bị để sửa chữa, nâng cấp, thay mới (nếu cần) bảo đảm hiệu quả, khai thác được liên tục;
Phối hợp với đơn vị đầu mối quản lý chung hệ thống thư viện của Đại học để tiếp tục mở rộng kết nối với hệ thống thư viện của các đơn vị trong và ngoài nước, nhằm tăng nguồn dữ liệu, nâng cao hiệu suất sử dụng và sớm đạt được mục tiêu chiến lược của Dự án;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo định hướng của Đại học Đà Nẵng, nhu cầu quản lý của đơn vị (nếu có).