Vô số chiêu trò trục lợi quanh kỳ thi riêng, không tỉnh táo sĩ tử mất tiền oan

11/01/2025 06:36
Anh Tú
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc tăng nhu cầu ôn luyện đã khiến thị trường ôn thi các kỳ thi riêng trở nên phức tạp, nhiều nguy cơ, không ít trường hợp rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Mùa tuyển sinh năm 2025 tiếp tục chứng kiến sự gia tăng số lượng các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng, tuy nhiên, kéo theo đó là những cuộc chạy đua của thí sinh để dành được lợi thế khi tham gia kỳ thi.

Các khóa học “treo đầu dê, bán thịt chó”

Ngay từ đầu năm học 2024-2025, nhiều thí sinh đã cảm thấy áp lực trước các kỳ thi riêng và quyết định đăng ký tham gia các khóa luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội.

Nữ sinh Nguyễn Trà My (Bắc Ninh) hiện đang có kế hoạch tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 3/2025. Tuy vậy, để có sự chuẩn bị tốt, My đã tìm hiểu các khóa học online ngay từ tháng 8/2024.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trà My bộc bạch: “Em đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào kỳ thi đánh giá năng lực, với mong muốn mở rộng cánh cửa vào trường đại học mơ ước. Cuối tháng 8/2024, em đã tham gia một nhóm Facebook khoảng trên 20.000 thành viên vào thời điểm ấy.

Trong nhóm, cứ vài tiếng lại xuất hiện một bài đăng ẩn danh hỏi về địa chỉ luyện thi uy tín và tất nhiên, dưới mỗi bài viết lại có hàng loạt bình luận giới thiệu các trung tâm với những lời lẽ đầy hấp dẫn. Một vài bình luận thậm chí còn đính kèm hình ảnh bảng điểm rất cao để tạo thêm uy tín, khiến em không chút nghi ngờ. Sau khi em phản hồi một bình luận rằng, bản thân có nhu cầu tìm hiểu các khóa học, ngay lập tức nhận được tin nhắn từ một tài khoản lạ, người này tự giới thiệu là nhân viên của hệ thống trung tâm H.”.

Theo Trà My, người này giới thiệu kỹ lưỡng về lộ trình học tập, bao gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên là phần nền tảng, học sinh sẽ học kiến thức cơ bản lớp 12 qua các video bài giảng. Giai đoạn tiếp theo là tổng ôn, hệ thống lại kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 cũng qua video sẵn. Cuối cùng là phần luyện đề, học sinh sẽ được học trực tiếp với giáo viên qua Zoom, kéo dài từ 90 đến 120 phút mỗi buổi. Người tư vấn cam kết rằng, các buổi luyện đề sẽ giúp thí sinh tăng ít nhất 30 điểm so với kết quả hiện tại. Học phí toàn khóa là 2,5 triệu đồng.

“Đối với em, số tiền ấy tuy không nhỏ, nhưng so với tổng tiền toàn khóa mà trung tâm H. công bố (giá gốc 15,2 triệu đồng) thì rẻ hơn rất nhiều. Khi em thắc mắc về sự chênh lệch này, người tư vấn giải thích rằng, đang có ưu đãi cho người đăng ký sớm nên mới có giá “tốt”. Đồng thời, bản thân em cũng muốn tiết kiệm chi phí, nên đã quyết định mua khóa học này” - Trà My chia sẻ.

my.jpg
Nội dung trò chuyện giữa Trà My và người tự xưng là nhân viên tư vấn của trung tâm H. Ảnh: NVCC.

Cũng theo nữ sinh, sau khi thanh toán, mọi việc diễn biến không như kỳ vọng. Người tư vấn chỉ gửi cho Trà My 1 link Google Drive. Khi truy cập theo đường link này, phần nền tảng và tổng ôn chỉ bao gồm những video cũ được cóp nhặt từ những video hoàn toàn miễn phí và có sẵn trên Internet, lỗi thời và không sát với định dạng đề thi mới. Bên cạnh đó, qua đối chiếu, nữ sinh Nguyễn Trà My nhận thấy, phần tài liệu mà người tư vấn tự xưng là của phía trung tâm này cung cấp cũng chỉ là những phần câu hỏi được cóp nhặt từ nhiều đề thi của các năm trước.

“Khi em phàn nàn với người tư vấn rằng, đây không phải khóa học của trung tâm H., người này ngay lập tức chặn tài khoản Facebook của em, vì thế không thể liên lạc được nữa. Biết mình đã bị lừa, nhưng vì không muốn tốn thời gian nên em cũng chỉ biết chấp nhận” - Trà My nhớ lại.

Untitled design (2).png
Giao diện khóa học được giới thiệu đầy hoa mỹ nhưng chỉ gói gọn trong 1 đường link dẫn đến video đã được quay sẵn trước đó. Ảnh: NVCC.

Trong tình cảnh tương tự, chị Hương, một phụ huynh tại Hà Nội đang có con chuẩn bị tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã bị thu hút bởi một video quảng cáo xuất hiện trên Tiktok. Trang này có tên “Ôn thi ĐGNL cấp tốc” giới thiệu một khóa học online miễn phí. Tin tưởng vào lời hứa hẹn này, chị Hương nhanh chóng đăng ký cho cậu con trai đang học lớp 12 của mình.

“Chỉ vài giờ sau khi điền thông tin, tôi đã nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên trung tâm. Qua giọng điệu chuyên nghiệp và niềm nở, người này thông báo rằng con trai tôi là một trong 10 học sinh xuất sắc trên toàn quốc nhận được học bổng 100% cho khóa học trị giá 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi được yêu cầu đóng 450.000 đồng tiền phí duy trì tài khoản học để chính thức nhận học bổng. Trước lời thuyết phục đầy hứa hẹn mà trung tâm đưa ra, tôi bắt đầu cảm thấy nghi ngờ. Tôi đã chia sẻ thông tin với các phụ huynh khác trong nhóm lớp của con trai và kịp thời nhận ra, cũng đã có không ít gia đình từng rơi vào tình huống tương tự.

Một số phụ huynh chia sẻ với tôi rằng, sau khi đóng tiền duy trì tài khoản, con họ được cấp quyền truy cập vào một thư viện video quay sẵn, không có bất kỳ lớp học trực tuyến hay tương tác nào với giáo viên như quảng cáo. Thậm chí, nội dung của các video còn không đảm bảo chất lượng, lẫn lộn giữa các dạng đề, không có hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Nhận ra đây chỉ là một hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó”, tôi lập tức từ chối đóng tiền và báo cáo trang Tiktok đó” - chị Hương chia sẻ.

Nhộn nhịp mua bán ca thi trong các hội nhóm

Không chỉ lợi dụng nhu cầu ôn luyện các kỳ thi đánh giá năng lực của học sinh để trục lợi, nhiều cá nhân với ý định xấu còn “khai thác” nhu cầu đổi ca thi hay mua lại suất thi của các thí sinh.

Theo hướng dẫn đăng ký thi đánh giá năng lực của Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, tại bước 3 (nhập hồ sơ) có lưu ý: “Thí sinh kê khai đầy đủ thông tin. Điện thoại và địa chỉ nhận thư phải kê khai đầy đủ chính xác. Bưu điện sẽ chuyển Phiếu báo điểm tới thí sinh qua địa chỉ và điện thoại khai báo. Chọn “Xác nhận” để lưu hồ sơ. Kiểm tra lại thông tin cá nhân. Chọn “Chỉnh sửa” để cập nhật hoặc “Tiếp theo” để đăng ký ca thi. Hồ sơ thông tin cá nhân của thí sinh sẽ bị khóa sau khi thí sinh chọn ca thi ở bước tiếp theo”.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn không nắm được điều này, dẫn đến một số tình huống không đáng có.

Từ các đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, mạng xã hội đã rần rần các bài đăng của các cá nhân “mời gọi" mua ca thi. Nhiều thí sinh không tỉnh táo đã mất tiền oan vào đó.

Nữ sinh Trương Minh Anh (hiện là sinh viên năm nhất một trường đại học), đã chia sẻ kinh nghiệm từng trải qua “cuộc chiến” giành suất thi trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 3/2024. Để có một suất thi vào tháng 6/2024, Minh Anh đã chuẩn bị kỹ càng từ thiết bị đến tập trung tinh thần. Tuy nhiên, do gặp lỗi nên Minh Anh không đăng ký được.

Từ các đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, mạng xã hội đã rần rần các bài đăng của các cá nhân “mời gọi" mua ca thi. Nhiều thí sinh không tỉnh táo đã mất tiền oan vào đây. Ảnh chụp màn hình.

Từ các đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, mạng xã hội đã rần rần các bài đăng của các cá nhân “mời gọi" mua ca thi. Nhiều thí sinh không tỉnh táo đã mất tiền oan vào đây. Ảnh chụp màn hình.

Trong lúc hoang mang, nữ sinh đã bắt đầu tìm kiếm trên các hội nhóm mạng xã hội để xem liệu có ai còn ca thi trống có thể nhượng lại hay không. Sau một hồi tìm kiếm, Minh Anh liên hệ được với một người tự xưng là “người đã đăng ký thành công”. Người này cho biết còn một “suất” thi vào ca sáng ngày 02/6/2024 tại Hà Nội, nhưng với điều kiện là phải trả 1 triệu đồng (cao gấp đôi mức giá gốc).

“Lúc đó, em chỉ muốn đăng ký ngay, không muốn bỏ lỡ cơ hội. Người bán ca thi hứa hẹn sẽ chuyển cho em thông tin đăng nhập ngay lập tức. Em không suy nghĩ nhiều, vì đã quá lo lắng. Thực sự lúc đó, em chỉ muốn có một cơ hội thi, dù là phải trả thêm tiền” - Minh Anh chia sẻ.

Với hy vọng có thể đăng ký thi thành công, Minh Anh đã nhanh chóng nhờ người nhà chuyển khoản giúp. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người bán không còn trả lời tin nhắn hay cuộc gọi.

Thi danh gia nang luc.jpg
Minh Anh nhờ người nhà chuyển khoản giúp 1 triệu đồng để mua lại suất thi. ẢNh: NVCC.

Minh Anh tâm sự: “Sau vài giờ không nhận được bất kỳ thông tin gì từ người bán, em cảm thấy lo lắng và quyết định tìm hiểu thêm. Khi kiểm tra lại các hội nhóm, em phát hiện ra rằng mình không phải là người duy nhất bị lừa. Nhiều thí sinh khác cũng đã bị người bán ca thi này lừa tiền với cách thức tương tự”.

Untitled design.jpg
Một vài thí sinh không hiểu rõ quy định về việc đăng ký thi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội, dẫn đến những rủi ro không lường trước. Ảnh chụp màn hình.

Cùng hoàn cảnh với Minh Anh, nam sinh Nguyễn Huy Hoàng cũng là nạn nhân của những chiêu trò trục lợi bất chính. Có nhu cầu đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 3/2024, Hoàng cũng đã chuẩn bị kỹ càng trong khâu đăng ký.

“Dù đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng em không thể đăng ký ca thi do hệ thống quá tải, khiến em rơi vào cảnh hoang mang khi các ca thi phù hợp đều đã kín chỗ. Trong lúc bối rối, em tìm đến các hội nhóm trên mạng xã hội với hy vọng sẽ có giải pháp. Tại đây, em bắt gặp một bài đăng từ một người tự xưng là “người đăng ký hộ”, cam kết có thể nhượng lại suất thi vào ngày 20/4/2024 tại Hà Nội. Chính vì thế, em đã nhanh chóng liên lạc với người này.

Tài khoản đó cho biết, đã đăng ký thành công cho người thân, nhưng người thân đó lại không cần suất thi nữa, nên muốn nhượng lại. Em sẽ chỉ cần chuyển khoản 500.000 đồng là nhận được tài khoản và thông tin ca thi” - nam sinh kể lại.

Nam sinh này cho biết, ban đầu vẫn còn có chút nghi ngờ, nhưng khi thấy tài khoản kia gửi hình chụp màn hình giao diện đăng ký và cung cấp thông tin rất thuyết phục, nam sinh đã quyết định chuyển tiền.

Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, người bán lập tức chặn liên lạc. “Em nhắn tin và gọi qua Zalo, Messenger, nhưng không nhận được hồi đáp. Lúc đó, em mới nhận ra mình đã bị lừa. Số tiền đó không quá lớn, nhưng em cảm thấy rất thất vọng vì sự nhẹ dạ của mình. Em đã phải đăng ký một ca thi khác tại Thái Nguyên, đồng thời việc này cũng ảnh hưởng đến tinh thần của em trước đợt thi” - Huy Hoàng chia sẻ.

Untitled design (1).jpg
Ngay khi chuyển tiền, Huy Hoàng không thể liên lạc với người “nhượng” ca thi. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh N.T.P.O. (hiện là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã trải qua kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2024. Dù đã rất cảnh giác, song, nữ sinh vẫn rơi tình trạng tương tự.

“Theo quy định của kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh có thể thay đổi thông tin trong khoảng thời gian cho phép, nên em đã chủ quan nghĩ rằng, mình hoàn toàn có thể trao đổi ca thi với các thí sinh khác. Chính vì vậy, khi không đăng ký được đợt thi thứ 4 (thi vào cuối tháng 4/2024), em đã chủ động tìm mua lại suất thi ở trên các hội nhóm. Chỉ khoảng 15 phút, đã có một tài khoản kết nối với em và cho biết, người này đang có suất thi, sẵn sàng nhượng lại với giá 300.000 đồng.

Người này yêu cầu em chuyển trước 150.000 đồng để “giữ chỗ” và cam kết sẽ gửi thông tin ngay sau khi nhận cọc. Lỡ đặt niềm tin, em đã chuyển khoản theo yêu cầu. Khoảng 5 phút sau, em nhận được tài khoản đăng nhập, nhưng khi thử sử dụng, hệ thống báo “sai mật khẩu”. Em nhắn tin hỏi lại thì tài khoản này lập tức chặn liên lạc. Lúc đó, em mới nhận ra mình đã bị lừa...” - P.O. chia sẻ.

Do nhu cầu đăng ký thi đánh giá năng lực tăng cao, nhiều cá nhân đã lợi dụng cơ hội này để mở dịch vụ đăng ký hộ. Trên các trang mạng xã hội, những lời mời chào xuất hiện nhan nhản, thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh và học sinh vốn đang lo lắng về việc không kịp đăng ký hoặc không quen thao tác với hệ thống.

Trong vai người có nhu cầu thuê đăng ký hộ cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, phóng viên đã được một cá nhân nhận đăng ký suất thi hộ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, bao gồm thẻ căn cước công dân, nguyện vọng đăng ký với chi phí 600.000 đồng, còn đăng ký ca thi ở Hà Nội thì đắt hơn với giá 700.000 đồng (đặt cọc trước 500.000 đồng). Khi được hỏi rằng có chắc chắn đăng ký thành công không, người này khẳng định “uy tín”, vì làm lâu rồi và sẽ hoàn trả gấp đôi nếu không thành công.

Untitled design (1).jpg
Người đăng ký hộ yêu cầu cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, điều này gây ra mối nguy tiềm ẩn về rò rỉ thông tin. Ảnh: NVCC.

Thực tế, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiều lần gặp tình trạng hệ thống quá tải trong các năm trước do lượng thí sinh đăng ký vượt xa dự đoán. Điều này càng khiến dịch vụ đăng ký hộ nở rộ, tạo cơ hội cho những đối tượng trục lợi từ sự thiếu thông tin và lo lắng của các thí sinh cũng như phụ huynh. Chưa kể, việc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ bị lừa đảo hoặc lộ thông tin quan trọng.

Anh Nguyễn Tuấn Phong (một phụ huynh tại Hà Nội có con tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2024 chia sẻ về một trải nghiệm không vui: “Tôi và con đã đăng ký “hụt” ca thi theo mong muốn vào đợt đăng ký đầu tiên (tháng 2/2024) do vẫn “lóng ngóng” trong thao tác. Lo lắng con bỏ lỡ cơ hội, tôi quyết định chuẩn bị thật kỹ cho đợt đăng ký vào tháng 3/2024. Vì vậy, tôi đã chủ động tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm kiếm giải pháp và được một tài khoản Facebook đề nghị hỗ trợ đăng ký hộ.

Người này nói, để đăng ký, tôi cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của con, bao gồm họ tên, ngày sinh, ảnh thẻ, số căn cước công dân, mã số học sinh và ca thi mong muốn. Ngoài ra, người này còn yêu cầu tôi phải đặt cọc 300.000 đồng.

Tin tưởng vào lời cam kết của người nhận đăng ký hộ, tôi nhanh chóng cung cấp thông tin và chuyển tiền. Nhưng ngay sau đó, người này biến mất không để lại dấu vết, không có cách nào liên lạc... Mất một số tiền không quá lớn, nhưng lúc này tôi mới chợt nhận ra, khi gửi thông tin cá nhân của con cho người lạ, cũng có thể có rất nhiều nguy cơ bị sử dụng vào mục đích xấu. Vừa lo lắng không đăng ký được suất thi cho con, vừa lo lỡ thông tin của con bị rò rỉ và bị dùng sai mục đích, hậu quả sẽ rất khó lường”.

Anh Tuấn Phong cũng thừa nhận đây là một bài học đắt giá không chỉ cho riêng mình và hy vọng câu chuyện sẽ như một lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh khác.

Anh Tú