Vội vã tìm nơi luyện thi vì tâm lý “sợ thua thiệt”
Trong số các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến diễn ra sớm nhất, với đợt 1 vào ngày 18/01/2025. Sau đó, các kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh… cũng lần lượt được tổ chức.
Trong giai đoạn ôn thi “cấp tốc”, không ít thí sinh lo lắng về các kỳ thi riêng này, liền chọn cách tham gia các khóa luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.
Nam sinh Quang Linh (Thanh Hoá) bày tỏ: “Em theo học tại một trường trung học phổ thông ở khu vực miền núi, nên em rất sợ rằng bản thân sẽ không cạnh tranh được với các thí sinh khác ở thành phố. Dù đã học và nắm các kiến thức trong sách giáo khoa, nhưng em vẫn cảm thấy lo ngại. Nhất là khi nguồn thông tin về đề thi đối với em còn hạn chế.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đánh giá năng lực là những cột mốc quan trọng đối với em, sẽ quyết định tương lai của em. Gia đình, thầy cô cũng rất kỳ vọng. Vì vậy, em mong có thể đạt được kết quả tốt trong kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới. Do đó, em mới vội vàng tìm kiếm các khoá luyện thi đánh giá năng lực trên mạng”.
Nam sinh Đ.H.M tại Thanh Hoá cũng chia sẻ: “Em rất lo lắng vì thời gian chuẩn bị không còn nhiều, khi các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang cận kề, mà em vẫn chưa ôn tập đủ kỹ. Em thấy rằng, các bạn học sinh cuối cấp ở thành phố có điều kiện học tập tốt hơn, có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi.
Em chọn kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, dự định sẽ đăng ký thi vào đợt 2 (ngày 8/3/2025). Nếu làm bài không tốt đợt này, em sẽ đăng ký thi tiếp đợt 3. Em không chắc chắn, bản thân có làm được bài không, vì đề thi đánh giá tư duy tổng hợp nhiều kiến thức từ các môn khác nhau. Vì vậy, em bắt đầu tìm kiếm các lớp luyện thi trên mạng, hy vọng sẽ tìm được phương pháp ôn tập hiệu quả”.
Đồng cảm với tâm lý trên của học sinh, chị Minh Hà (một phụ huynh có con học lớp 12 tại Hà Nội) bày tỏ: “Con tôi cũng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm nay. Dù học lực của con cũng ở mức khá, nắm vững kiến thức trên lớp, nhưng con vẫn e ngại, lo lắng sẽ không đạt được kết quả tốt, nếu không học thêm và luyện đề.
Tôi đã động viên con chú tâm vào các buổi học trên lớp, dành thời gian để tổng ôn và luyện tập làm đi làm lại các bộ đề minh hoạ được công khai.
Tôi nhận thấy, các bạn học sinh lớp 12 dễ rơi vào tình trạng “sợ thua thiệt”, thấy bạn khác học là mình cũng phải học. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới rất quan trọng, học sinh không nên chỉ chú trọng vào kỳ thi đánh giá năng lực, rồi bỏ bê việc học trên lớp”.
Khoá học online được quảng cáo rầm rộ, học sinh loay hoay chọn lựa
Chỉ một thao tác tìm kiếm đơn giản trên Internet cũng như các trang mạng xã hội, hàng loạt hội nhóm, website chuyên về các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiển thị. Trong đó, nổi bật nhất là các kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội…
Chỉ tính riêng trên mạng xã hội Facebook, đã có hàng trăm kết quả hiển thị như: Thi thử thực chiến - Tài liệu ôn thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy; Cày đề đánh giá năng lực (nhóm chính thức); Luyện thi Đánh Giá Năng Lực ĐHQGHN (Nhóm chính thức của VNES); Luyện thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội - HSA; 2k7 ôn thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội (nhóm chính thức); ILP Luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; BMC - Luyện thi đánh giá tư duy (TSA) & đánh giá năng lực (HN,HCM); Luyện thi đánh giá năng lực 2025 (Chương trình mới) ĐHQGHN - ĐHQG HCM...
Tất cả hội nhóm hướng tới nội dung này đều thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Mỗi ngày, các nhóm có từ 5-10 bài đăng mới, trong đó, nhiều tài khoản chia sẻ đường link tài liệu, giới thiệu các khóa học, đề thi minh hoạ, bộ sách luyện đề.
Tham gia các hội nhóm Facebook chuyên về kỳ thi đánh giá năng lực, không khó để bắt gặp các bài đăng hỏi thăm, tìm kiếm lớp luyện thi. Dưới bài đăng, rất nhiều bình luận giới thiệu là nhân sự của trung tâm, hoặc từng học ở trung tâm đều để lại đánh giá và “mời gọi” thí sinh.
Một nam sinh tại Hà Nội cho biết: “Em đăng bài tìm lớp luyện thi đánh giá năng lực uy tín, nhưng đọc bình luận, em không biết có nên tin hay không vì tất cả đều rất ‘ảo’. Em không biết các tài khoản chia sẻ kinh nghiệm và địa chỉ học đó là thật hay do nhân viên các trung tâm lập nên để chiêu sinh”.
Nam sinh Lê Khánh (Nghệ An) bộc bạch: “Em hoang mang khi đọc các bài viết trong những hội nhóm, thấy một số tài khoản thường đăng ẩn danh, không rõ có phải là học sinh hỏi về lớp luyện thi thực sự hay không. Sau đó, sẽ có một loạt các tài khoản vào bình luận, điều hướng sự chú ý về phía khóa học của một thầy cô nào đó... Do đó, đến nay, em vẫn chưa dám chi tiền cho lớp học nào vì sợ không như kỳ vọng”.
Mỗi khoá học lại tung ra một “quân bài” chiêu sinh khác nhau. Một trung tâm quảng cáo, khóa Tổng ôn và Luyện đề cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) là hai lớp khác nhau. Nếu đăng ký cả hai, học phí gốc là 6.200.000 đồng sẽ được giảm đến 40% cho học viên mới, còn 3.720.000 đồng.
Trong đó, lớp Tổng ôn diễn ra bằng hình thức học qua video bài giảng được ghi hình sẵn, học viên tự chủ động học theo lịch rảnh. Theo lời giới thiệu của một nhân viên trung tâm, khóa học sẽ hệ thống kiến thức trọng tâm các môn có trong kỳ thi, hỗ trợ cho khóa Luyện đề.
Về khóa Luyện đề, trung tâm này dự kiến khai giảng vào tháng 01/2025, theo hình thức học online với giáo viên và phát lại video livestream của giáo viên đã ghi hình trước đó. Trung tâm khẳng định, sẽ cung cấp 20 đề thi tiêu chuẩn được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, và theo đúng yêu cầu đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cũng cung cấp khóa luyện đề HSA, nhưng một trung tâm khác lại có những “đặc quyền” khác biệt, nhằm thu hút nhiều học sinh cuối cấp đăng ký.
Theo đó, trung tâm này đưa ra mức giá là 3.000.000 đồng/học viên, bao gồm cả giai đoạn tổng ôn và luyện đề, số buổi học không giới hạn, diễn ra từ tháng 02/2025 - tháng 3/2025. Đặc biệt, nếu học viên đăng ký theo nhóm từ 3 bạn trở lên, học phí sẽ còn giảm mạnh.
Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) cũng được nhiều trung tâm khai thác để cung cấp lớp ôn thi, luyện đề. Một trung tâm đăng tải các thông tin vô cùng “hấp dẫn” khi tham gia khóa học này. Theo đó, trung tâm cung cấp 2 khoá học:
Khoá 1: Học viên được học toàn bộ kiến thức, khoá học hết hạn sau khi thi xong 3 đợt thi của TSA, giá ưu đãi là 2.600.000 đồng/học viên.
Khoá 2: Học viên đăng ký tổng ôn và chỉ học đến khi thi hết đợt 1 của kỳ thi TSA, giá khóa học này là 1.500.000 đồng/học viên.
Theo ghi nhận của phóng viên, các khoá học từ giai đoạn ôn tập đến giai đoạn luyện đề có thể lên tới cả chục triệu đồng. Truy cập một trang web cung cấp các khóa học online, hàng loạt “combo” lớp học được liệt kê với giá công khai.
Cụ thể, combo “Toàn diện TSA” hướng thí sinh ôn luyện về kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được một trung tâm cung cấp với giá 10.200.000 đồng/combo. Trong đó, thí sinh sẽ tham gia 6 khoá học bao gồm 4 khóa nền tảng, 1 khóa tổng ôn môn Toán và tổng ôn TSA, 1 khóa luyện đề TSA.
Cũng tại trung tâm này, khóa ôn tập và luyện đề cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) có mức giá lên tới 15.200.000 đồng/khóa combo. Cụ thể, thí sinh tham gia lớp học sẽ ôn 4 khóa nền tảng, 4 khóa tổng ôn theo từng môn, 4 khóa luyện đề theo từng môn tốt nghiệp trung học phổ thông và 1 khóa luyện đề HSA (Toán - Văn và học sinh chọn 3 trong 5 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý).
Thí sinh có thời gian ôn tập gấp rút, có thể chọn khóa “tăng tốc” với mức giá 11.200.000 đồng/khóa. Tại đây, học sinh ôn thi tăng tốc cho cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, các trung tâm này cũng rao bán sách ôn luyện với giá từ 200.000 đồng/quyển.
“Hoa mắt” khi thấy thí sinh đăng bán lại khóa học vì không phù hợp hoặc hết nhu cầu
Chị Lê Thị Hồng (một phụ huynh có con học lớp 12, Thanh Hoá) chia sẻ: “Thấy con có nguyện vọng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi lên mạng tìm hiểu các khóa học hỗ trợ cho con.
Khi tìm kiếm, tôi “hoa mắt” bởi có quá nhiều trung tâm khác nhau, họ đều đưa ra mức giá “gốc”, sau đó “tung chiêu” giảm giá để tăng thu hút người học. Hình thức học đều là online, tôi lo lắng, không biết các buổi học có hiệu quả không, hay chỉ là những video giảng bài được quay sẵn rồi đem bán kiếm lời”.
Trên nhiều hội nhóm, không ít học sinh đã đăng ký lớp học, rồi vội vàng bán lại, với lý do: “Vì nhận thấy không phù hợp hoặc hết nhu cầu học”.
“Tôi cho rằng, các thí sinh nên tìm hiểu kỹ khóa học trước khi tham gia. Nếu không thật sự cần thiết, chỉ cần tìm trên Internet các bộ đề minh hoạ, sau đó ôn kỹ kiến thức nền.
Việc tham gia lớp học online, sau đó cảm thấy không hợp, lại phải rao bán lại, sẽ gây lãng phí và mất thời gian ôn luyện.
Tôi cũng mong, các thầy cô ở trường có thể hỗ trợ học sinh định hướng, lựa chọn lớp học phù hợp. Đồng thời, các đơn vị tổ chức thi kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy riêng cũng nên hỗ trợ thí sinh những thông tin về cách học, cách ôn luyện để các con bớt lo lắng”, chị Hồng bày tỏ.