Đề xuất có thù lao cho GV khi tham gia kiểm định chất lượng ở trường tiểu học

29/10/2023 07:14
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trong những thay đổi về chính sách kiểm định CLGD là việc tích hợp 2 trong 1 giữa đánh giá trường chuẩn chuẩn quốc gia và KĐCL trường phổ thông.

Đây một trong những kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Trần Thị Thu Hương, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thanh Tú (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) với chủ đề: “Quan điểm của giáo viên về thay đổi chính sách kiểm định trường tiểu học”.

Trình bày tại Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm năm 2023 (HaFPES 2023) diễn ra vào 27/10 vừa qua, đại diện nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương chia sẻ, kiểm định có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo chất lượng, trách nhiệm giải trình, cải tiến chất lượng, công khai thành tích, thể hiện con đường đi, kế hoạch để phát triển của từng cơ sở giáo dục.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại diễn đàn HaFPES 2023. Ảnh: Minh Chi

Toàn cảnh phiên thảo luận tại diễn đàn HaFPES 2023. Ảnh: Minh Chi

Khái niệm kiểm định chất lượng giáo dục bắt đầu manh nha xuất hiện ở nước ta từ năm 2002. Đến năm 2012, các chính sách về kiểm định ở bậc giáo dục đại học bắt đầu được hình thành. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành quy định về kiểm định chất lượng đối với bậc giáo dục phổ thông.

Cụ thể, gồm các thông tư: Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 Ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học; Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 Ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 Ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương đặt vấn đề, thông tư mới ra đời quy định tích hợp 2 trong 1 giữa đánh giá trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào sâu sát và đồng bộ, mang tính đại trà trên cả nước về quan điểm của những người thực sự tham gia vào công tác kiểm định.

Nhóm tác giả nhận định, mặc dù giáo viên không phải tham gia vào quá trình đánh giá kiểm định, nhưng giáo viên lại là người thực hiện các công việc và được đánh giá về chất lượng. Bên cạnh đó, sau khi công tác kiểm định được tiến hành, giáo viên là người thực hiện công việc cải tiến sau kiểm định. Do đó, nhóm tác giả cho rằng giáo viên có tác động rất lớn về việc cải tiến chất lượng trên học sinh.

Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu, làm rõ quan điểm của giáo viên về những thay đổi trong chính sách kiểm định trường tiểu học ở Việt Nam trong thời gian qua (từ năm 2003-2023). Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng; trong đó chủ yếu tập trung vào phương pháp định tính - tiến hành phỏng vấn sâu với 139 giáo viên trên 6 tỉnh, thành cả nước.

3 thay đổi lớn về mặt chính sách liên quan tới kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả tại diễn đàn HaFPES 2023. Ảnh: Minh Chi

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả tại diễn đàn HaFPES 2023. Ảnh: Minh Chi

Chỉ ra những thay đổi về mặt chính sách liên quan tới hoạt động kiểm định chất lượng ở bậc tiểu học (từ năm 2013-2023), đại diện nhóm tác giả - Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương cho biết:

Một trong những thay đổi lớn nhất là việc tích hợp 2 trong 1 giữa đánh giá trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng trường phổ thông. Trong đó, hoạt động kiểm định chất lượng từ quy định “khuyến khích tham gia” trở thành “hoạt động bắt buộc” đối với mỗi cơ sở giáo dục (thay đổi từ Luật Giáo dục năm 2009 đến Luật giáo dục năm 2019).

Ngoài ra, đó là một số thay đổi về tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan tới chính sách kiểm định chất lượng như chuẩn nghề nghiệp giáo viên, các tiêu chí về cơ sở vật chất,...

Nêu ví dụ phân tích cụ thể, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương cho biết, Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT chưa quy định giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân. Tuy nhiên, quy định hiện hành (Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT) đã có nhiều thay đổi liên quan tới chuẩn nghề nghiệp, bao gồm cả số tiêu chuẩn, tiêu chí, chuẩn quy định giáo viên để đạt mức độ giảng dạy ở bậc tiểu học.

Thông tin về kết quả kiểm định chất lượng theo những quy định mới, nhóm nghiên cứu cho biết tính đến ngày 31/5/2023, cả nước có 2.103 trường tiểu học đã được đánh giá ngoài, 11.629 trường tiểu học đã hoàn thành tự đánh giá. Theo đó, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là những kết quả rất đáng ghi nhận.

Liên quan đến quan điểm của giáo viên về những thay đổi trong chính sách về kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương cho biết, có tới 83% (trên tổng 139 giáo viên tham gia phỏng vấn) cho rằng việc tích hợp giữa đánh giá trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng đã khuyến khích các nhà trường tham gia kiểm định chất lượng rất nhiều.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính cũng được giảm thiểu tối đa khi tích hợp 2 hoạt động đánh giá trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng lại với nhau.

Chưa có sự thống nhất về cách tính diện tích trường giữa các địa phương

Đối với những thách thức giáo viên gặp phải liên quan tới thay đổi chính sách kiểm định trường tiểu học, nhóm nghiên cứu cho biết, đa số giáo viên cho rằng tiêu chí về diện tích trường gây bất cập cho nhiều nhà trường, đặc biệt các trường ở khu vực nội đô, đông dân cư.

Theo đó, một thực tế của nhiều cơ sở giáo dục ở khu vực nội đô là mặc dù có chất lượng giáo dục rất tốt, tuy nhiên do hạn chế về diện tích nên khó có thể đảm bảo yêu cầu về kiểm định.

Bên cạnh đó, sự không thống nhất về cách tính diện tích trường ở các địa phương: có nơi tính theo diện tích mặt bằng, có nơi tính theo diện tích thông tầng (tức là mặt bằng theo các tầng) cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình triển khai.

Một bất cập khác cũng được nhóm nghiên cứu chỉ ra, đó là Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT ra đời khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành, trong khi hoạt động kiểm định hiện hành đang hướng tới kiểm định chất lượng và đảm bảo việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, xuất hiện độ “vênh” về các tiêu chuẩn, tiêu chí trong các quy định hiện hành, đặc biệt các quy định liên quan tới cơ sở vật chất.

Ngoài khó khăn về cách triển khai, việc thiếu hụt về kinh phí và nguồn lực con người cũng là một thách thức lớn.

Ở trường tiểu học, tham gia hoạt động viết và báo cáo tự đánh giá, thu thập minh chứng đều do ban giám hiệu và giáo viên tự làm. Giáo viên, ngoài giảng dạy giáo dục học sinh, sẽ tham gia vào hoạt động kiểm định, do đó thực tế thiếu hụt nguồn lực rất nhiều.

Trước thực tế đó, có giáo viên đề xuất nên tính thù lao dựa trên quy đổi giờ giảng tương đương, hoặc có 1 phần kinh phí hỗ trợ cho giáo viên tham gia hoạt động kiểm định chất lượng ở trường tiểu học.

Trên cơ sở đó, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định chất lượng trường tiểu học, nhóm nghiên cứu đề xuất:

Thứ nhất, xem xét, điều chỉnh các tiêu chuẩn, tiêu chí đang còn “độ vênh”.

Thứ hai, với những quy định liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí về kiểm định trường tiểu học, nhóm nghiên cứu đề xuất cần có thêm sự tham khảo hướng đến chuẩn quốc tế nhiều hơn, như vậy tính đại chúng và mức độ chất lượng đạt được sẽ cao hơn.

Thứ ba, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo có tập huấn, hướng dẫn cụ thể, sâu sát cho đông đảo các giáo viên tham gia hoạt động kiểm định chất lượng ở cơ sở.

Thứ tư, xem xét có phần mềm liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục các trường phổ thông.

Cuối cùng, đối với các tiêu chuẩn tiêu chí về tổ chức đảng, diện tích trường,.. nhóm nghiên cứu đề xuất nên được xem xét để quy định phù hợp với bối cảnh triển khai thực tế ở các trường phổ thông.

Minh Chi