Đạt 260 SV/vạn dân giúp Việt Nam có nhiều thuận lợi để thành "con hổ mới châu Á"

01/03/2024 06:28
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Nếu đạt được tỷ lệ 260 SV/vạn dân vào năm 2030 sẽ có nhiều thuận lợi như cơ cấu nhân lực của đất nước được hoàn thiện theo hướng nâng dần số nhân lực trình độ cao.

Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội nêu rõ, phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á với tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030.

Mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân đáp ứng kịp thời nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Bày tỏ quan điểm về mục tiêu trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho hay, mục tiêu đạt tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân là một chiến lược giáo dục vĩ mô, đáp ứng kịp thời nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam muốn trở thành "con hổ mới của châu Á", với nền kinh tế phát triển và mức thu nhập bình quân hàng đầu khu vực, con đường duy nhất đó là phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.

section3.jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Tùng bày tỏ, chúng ta có thuận lợi lớn là quy mô dân số khá lớn, trong khi đó, độ tuổi các em học sinh đến trường vẫn chiếm tỷ lệ cao. Hơn nữa, nhiều năm qua, hệ thống giáo dục phổ thông đã có nhiều bước tiến về chất lượng và quy mô. Hiện nay, số lượng các trường đại học cũng không ngừng tăng; các hình thức tuyển sinh đại học đa dạng, linh động, các hệ đào tạo đại học cũng phong phú.

Tuy nhiên, theo thầy Tùng, số lượng sinh viên đại học ở nước ta hiện nay nói chung so với tổng số dân số quốc gia không lớn. Song, khó khăn và vấn đề nằm ở chỗ chất lượng đào tạo và nhu cầu thị trường.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên được đào tạo ra không đủ năng lực, kỹ năng để thực hành công việc trong thực tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải đào tạo lại. Về cơ bản, chất lượng đào tạo còn chênh lệch giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Những ngành thị trường nhân lực, xã hội cần chưa được đào tạo nhiều như công nghệ thông tin, bán dẫn vi mạch, chế tạo ô tô, điện tử viễn thông, kiến trúc, truyền thông số, báo chí… Ngược lại, rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm do ngành đó nặng về lí thuyết; ngành khoa học truyền thống hiện đã bão hoà nhu cầu trong xã hội.

Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, với quy định hiện hành, điều kiện ràng buộc chặt chẽ, nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học muốn tăng quy mô sinh viên tất yếu cũng phải tăng chất lượng.

Đơn cử như khi muốn mở một ngành nghề đào tạo nào mới, các cơ sở đào tạo phải đảm bảo về số lượng giảng viên có trình độ theo quy định, đảm bảo về cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, thông tin thư viện,...

Do đó, mục tiêu trên sẽ là khả thi nếu các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh đủ, thực hiện phát triển, thay đổi cơ cấu các ngành học phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, theo thầy Trung, việc tăng quy mô sinh viên đại học là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi đây là nguồn lực được đào tạo bài bản và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã học vào công việc thực tế sau tốt nghiệp để từ đó giúp tăng năng suất lao động cho xã hội.

Chính vì vậy, việc có càng nhiều sinh viên đại học sẽ là càng tốt bởi điều này chứng tỏ một xã hội tri thức, thông minh và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khoa học, công nghệ của nước ta.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội bày tỏ:

“Trong giai đoạn 2017 đến 2021, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên đại học/1 vạn dân tăng từ 182 lên 220, tốc độ tăng bình quân là 5,8%/năm trong giai đoạn này. Với tốc độ tăng như vậy, tôi cho rằng mục tiêu đạt 260 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi và tiềm năng còn có thể cao hơn con số này”.

Theo thầy Hiệp, nếu đạt được tỷ lệ 260 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2030, sẽ có nhiều thuận lợi như cơ cấu nhân lực của đất nước được hoàn thiện hơn theo hướng nâng dần số lượng nhân lực có trình độ cao giúp nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ đại học trong nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình đưa đất nước tiến vào kinh tế tri thức, tiếp cận nhanh hơn với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và góp phần tích cực nâng cao dân trí cho đất nước.

Mặt khác, thầy Hiệp chia sẻ thêm, quy mô về số lượng sinh viên đại học ở nước ta còn ở mức thấp, chính vì vậy, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trong nền kinh tế mới đạt khoảng 11,1%.

Do đó, nếu Việt Nam muốn tiếp tục hội nhập nhanh vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong giai đoạn sắp tới cần tích cực thúc đẩy nâng cao quy mô sinh viên có trình độ đại học theo hướng tiệm cận dần với khu vực, phù hợp với sức hấp thụ nhân lực có trình độ đại học của nền kinh tế trong từng giai đoạn phát triển.

Tuy nhiên, giáo dục đại học Việt Nam còn một số khó khăn, hạn chế để nâng cao quy mô sinh viên như: Tỷ lệ người trong độ tuổi đi học đại học được tiếp cận với giáo dục đại học mới đạt 28,6%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực; quy mô của một số trường đại học, nhất là các trường đại học địa phương còn nhỏ; việc tuyển sinh tại một số cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường đại học địa phương chưa đạt chỉ tiêu hằng năm.

Cần chiến lược phát triển giáo dục đại học tổng thể với quy hoạch chi tiết từng vùng miền

Để có thể đạt được mục tiêu tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260/vạn dân đến năm 2030, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho rằng, cần thiết có một chiến lược phát triển giáo dục đại học tổng thể với quy hoạch chi tiết cho từng vùng miền, từng nhóm ngành đào tạo, với mục đích đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp trong thời hậu hiện đại.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng chuyển đổi những ngành đào tạo cũ, không tuyển sinh được để mở những ngành mới xã hội có nhu cầu cao;

Không những vậy, cần có nguồn ngân sách đặc biệt để hỗ trợ những nhóm ngành đào tạo đặc thù, có tính chất trọng điểm như nhóm ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành văn hoá, nghệ thuật…

Bởi, nếu không có chính sách đặc thù, chỉ chạy theo nhu cầu và thị hiếu nhất thời của thị trường lao động thì đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho việc "phát triển nóng phần ngọn" mà quên đi "bồi đắp phần chân đế".

DSC_0348(2).jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Ngoài ra, việc tăng quy mô sinh viên đại học như vậy làm sao để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đòi hỏi cần có sự thống nhất và bàn bạc liên ngành ở cấp quản lý vĩ mô.

“Việc định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng nào, đâu là ngành trọng tâm, trọng điểm, ngành đặc thù sẽ quyết định việc phát triển đào tạo đại học theo hướng đó.

Theo ý kiến cá nhân tôi, các ngành khoa học công nghệ kĩ thuật cao, các ngành thương mại dịch vụ sẽ tiếp tục thu hút sinh viên còn các ngành khoa học cơ bản, lý luận, sư phạm, nghệ thuật… sẽ gặp nhiều khó khăn nếu Nhà nước không có chiến lược hỗ trợ đặc thù”, thầy Tùng bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để góp phần thực hiện được mục tiêu này.

Thứ nhất là, căn cứ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030, căn cứ chiến lược phát triển các ngành kinh tế chủ chốt, các sản phẩm chủ lực…, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giáo dục đại học trong đó nêu rõ nhu cầu nhân lực, cơ cấu nhân lực có trình độ đại học cho phát triển kinh tế, giải pháp đào tạo nhân lực có trình độ đại học đến 2030.

Thứ hai là, nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, trường trung học phổ thông cần tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giải pháp về truyền thông, giải pháp nâng cao thu nhập cho nhân lực có trình độ đại học để nâng cao tỷ lệ sinh viên nhập học đại học.

Để gia tăng đồng thời được cả số lượng và chất lượng sinh viên đại học, về phía các cơ sở giáo dục đại học cần liên tục cải tiến chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của nền kinh tế đến năm 2030; đầu tư vào đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học để có thể vừa nâng cao quy mô đào tạo đại học, vừa nâng cao chất lượng sinh viên đại học.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận được với chương trình đào tạo tiên tiến, đội ngũ giảng viên có đẳng cấp quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học để sinh viên được thí nghiệm, thực hành, thực tập trên những công nghệ mới nhất, hệ thống quản lý tiên tiến nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên đại học.

Về phía nhà nước cần nghiên cứu để gia tăng tỷ lệ ngân sách cấp cho giáo dục đại học tiệm cận với các nước trong khu vực và thế giới, ưu tiên cấp ngân sách theo hướng giúp cơ sở giáo dục đại học đầu tư được các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại phục vụ đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế chủ chốt, đào tạo nhân lực cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Không những vậy, nhà nước cũng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, giúp các trường tận dụng tốt các cơ hội để vừa mở rộng quy mô, vừa nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tường San