Cuộc chiến sách giáo khoa nên được tiếp tục, các giáo sư tàng hình là ai?

19/09/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Chỉ có những giáo sư, phó giáo sư “tàng hình” trong cuộc chấn hưng giáo dục mới đáng “nêu gương” cho mọi người biết.

Thông tin từ “Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa” cho hay, bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục Tiếng Việt và Toán dùng cho lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhận được đánh giá của cả 15 thành viên hội đồng là "không đạt".

Được biết Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đưa ra ba mức đánh giá: “đạt”, “đạt cần sửa chữa” và “không đạt”.

Với việc công trình tâm huyết của vị giáo sư được dư luận cho là nổi tiếng gai góc và cao ngạo bị loại ngay từ vòng đầu, dư luận phản đối hoặc ủng hộ là chuyện bình thường.

Việc chỉ một bộ sách giáo khoa lớp 1 bị loại khiến nhiều người, nhiều tờ báo lên tiếng nên xem là một tín hiệu tốt xét về khía cạnh phản biện xã hội.

Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Laodong.vn)
Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Laodong.vn)

Lẽ ra điều này phải xảy ra với tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội, từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến các chủ trương, chính sách, từ các quan điểm cá nhân đến nghị quyết của tập thể, tất cả đều phải được đánh giá công khai dựa theo các tiêu chí khoa học, nhân bản nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ quyền công dân và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đem sự yêu thích của bản thân bắt số đông phải nghe theo là không khoa học, tuy nhiên thực tế cho thấy số đông không phải lúc nào cũng đúng.

Số liệu “thử nghiệm” sách công nghệ giáo dục trong bốn năm trở lại đây như sau: [1]

Năm học 2016- 2017 có 6.651 trường, 23.885 lớp học với 678.800 học sinh;

Năm học 2017-2018 có 7.751 trường, 27.981 lớp với 771.777 học sinh;

Năm học 2018-2019 có 8.198 trường, 30.522 lớp với 923.842 học sinh;

Năm học 2019-2020 có khoảng 930.000 học sinh.

Chỉ trong bốn năm “thử nghiệm” từ năm 2016 đến năm 2019, 3.304.419 học sinh đã bị bắt buộc phải học theo sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại. 

Sách giáo khoa của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được dạy từ năm 1979 ở Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục rồi từ đó lan rộng ra hơn 40 tỉnh thành với sự “trợ giúp” của hai cựu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cần phải khẳng định rằng, hàng triệu học sinh lớp 1 bị bắt buộc học theo sách công nghệ giáo dục bởi vì đây là chủ trương từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống cơ quan quản lý giáo dục địa phương và nhà trường chứ không phải sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh.

Hàng triệu “đối tượng thử nghiệm” đã trưởng thành và ở độ tuổi trên dưới 40, không ít người trong số đó đang là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, vậy họ nghĩ gì về “sách công nghệ giáo dục”? 

Cuộc chiến sách giáo khoa nên được tiếp tục, các giáo sư tàng hình là ai? ảnh 2
Thày Hiển, thày Đại xây hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?

Có nên tiến hành một cuộc điều tra quy mô nhỏ, lấy ý kiến của số sinh viên theo học tại hai Đại học Quốc Gia, ba Đại học Bách Khoa và các Đại học vùng trong vòng 4 năm trở lại đây xem số người đã học theo sách Công nghệ giáo dục chiếm bao nhiêu phần trăm và họ nghĩ gì về quá trình thử nghiệm này?

Đã là thử nghiệm thì phải có tổng kết, đánh giá và kết thúc thử nghiệm, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá toàn diện về sách công nghệ giáo dục chưa? 

Trước yêu cầu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - đoàn Đà Nẵng, ngày 23/10/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho công bố kết luận của Hội đồng thẩm định sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.

Bên cạnh một số nhận xét tích cực, hàng loạt vấn đề được nêu trong kết luận này:

“Tài liệu chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu;

Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ;

Quan điểm “chân không về nghĩa” không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp;

Việc sử dụng phương tiện dạy học chưa được quan tâm đúng mức; Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cần được chỉnh sửa cẩn thận theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định”. [2]

Với kết luận “Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cần được chỉnh sửa cẩn thận theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định”, không thể không đặt câu hỏi vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục cho “thử nghiệm” trong các năm 2018, 2019 mà lẽ ra phải dừng lại ngay từ năm 2017?

Phải chăng kết luận của “Hội đồng thẩm định” chưa đủ sức mạnh giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo vượt qua cái uy quá lớn của tác giả?

Dưới bất kỳ góc độ nào, không dám thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn chỉ có thể hoặc là phía “chuyên môn” sai hoặc là phía quản lý nhà nước về giáo dục… ngại!

Vậy phải chăng với việc loại bộ sách công nghệ giáo dục lớp 1 khỏi chương trình giảng dạy cấp tiểu học từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gián tiếp trả lời dư luận, rằng cuộc “trường kỳ thử nghiệm” sách công nghệ giáo dục đã chấm dứt và việc không tiếp tục “thử nhiệm” cho thấy thử nghiệm đã thất bại?

Nếu quả như vậy thì có cần phải truy trách nhiệm những người đã cho phép cuộc thử nghiệm này được diễn ra trong 40 năm qua?

Bê nguyên bộ sách đã dùng 40 năm, Giáo sư Đại đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi
Bê nguyên bộ sách đã dùng 40 năm, Giáo sư Đại đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi

Ngày 15/09/2019 báo Vietnamnet.vn đăng bài “Không dạy sách Công nghệ giáo dục nữa là điều đáng tiếc”.

Cho đến 16 giờ ngày 16/09/2019 bài báo nhận được 23 bình luận của độc giả, trong đó có chỉ có 03 ý kiến đồng tình với tác giả, tiếc vì sách bị loại.

Phần lớn bình luận không đồng tình với tác giả bài viết tức là không ủng hộ sử dụng sách của giáo sư Đại.

Bài “Sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Nên lấy thực tế làm tiêu chí thẩm định” đăng trên Tuoitre.vn dẫn một số ý kiến ủng hộ dạy học theo sách Công nghệ giáo dục.

Tuy nhiên đến 14 giờ ngày 17/09/2019, báo đăng 20 bình luận của độc giả thì chỉ có 02 bình luận ca ngợi sách Công nghệ giáo dục số còn lại đồng tình với việc loại bỏ sách.

Bài “Vì sao bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục lớp 1 bị loại?” đăng trên Baophapluat.vn cũng có tình trạng tương tự, số ý kiến độc giả ủng hộ việc loại bỏ bộ sách này nhiều hơn số muốn tiếp tục sử dụng.

Về chương trình sách giáo khoa mới, Giáo sư Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt khẳng định:

 “Về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đã xây dựng và ban hành được chương trình mới thì phải xây dựng được một bộ sách giáo khoa phù hợp cho chương trình mới”. [3]

Với khẳng định này, “chương trình mới” đã được xây dựng hoàn chỉnh và các bộ sách giáo khoa chỉ có thể dựa vào đó chứ không thể nằm ngoài. 

Tuy nhiên, theo lời Vụ phó Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành:

“Chúng tôi sẽ thực nghiệm nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học mới, đảm bảo bộ sách giáo khoa hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của thầy trò, để học sinh được thực hiện các hoạt động học một cách tích cực, chủ động và tự lực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực”. [4]

Liệu có phải chỉ đối với bậc trung học, cả nội dung sách, phương pháp dạy và cách thức tổ chức dạy học đều đang được “thực nhiệm”, còn với bậc tiểu học là đã hoàn thiện không cần thực nghiệm?

Xây dựng chương trình mới, biên soạn sách giáo khoa mới là vô cùng cần thiết nhưng nếu không kiểm chứng trong thực tế thì chưa thể kết luận rằng đó là khoa học, là ưu việt so với những gì đã tồn tại.

Lấy gì bảo đảm bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, vừa được biên soạn và thông qua sẽ đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục và đào tạo và hơn hẳn cách xóa nạn mù chữ mà cụ Hồ đã phát động từ năm 1945?

Những con người dám dấn thân như Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Phó giáo sư Bùi Hiền là đáng trân trọng dù sản phẩm của họ được đón nhận hay không. 

Cuộc chiến “sách giáo khoa” vì thế cần phải tiếp tục trong tương lai. Chỉ có những giáo sư, phó giáo sư “tàng hình” trong cuộc chấn hưng giáo dục mới đáng “nêu gương” cho mọi người biết.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/khong-day-sach-cong-nghe-giao-duc-nua-la-dieu-dang-tiec-567836.html

[2] https://vtc.vn/bo-gd-dt-tung-tra-loi-ket-qua-tham-dinh-tieng-viet-lop-1-cong-nghe-giao-duc-the-nao-d423211.html

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/be-nguyen-bo-sach-da-dung-40-nam-giao-su-dai-da-tu-loai-minh-ra-khoi-cuoc-choi-post202498.gd

[4] https://vnexpress.net/giao-duc/ban-thao-sach-giao-khoa-moi-duoc-thuc-nghiem-trong-nam-hoc-2019-2020-3900074.html

Xuân Dương