Cùng một hệ thống giáo dục, có nơi chuyển cấp học sinh phải đi xa 20km

15/04/2024 06:34
Vi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học sinh trung học cơ sở của Hệ thống giáo dục Archimedes School khu vực Cầu Giấy khi chuyển lên THPT nếu muốn học cùng hệ thống phải sang tận Đông Anh.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, thu nhập và chất lượng cuộc sống nâng cao, nhiều gia đình có xu hướng cho con theo học ở các trường tư thục liên cấp để có các chương trình giáo dục toàn diện cũng như thuận tiện cho việc chuyển cấp. Dù mức học phí cao hơn nhưng đổi lại, học sinh được học trong môi trường tiên tiến, chú trọng học ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, khuyến khích học sinh thể hiện năng lực cá nhân… là lý do khiến phụ huynh không tiếc đầu tư cho con.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hệ thống giáo dục gặp phải khó khăn khi không phải bất cứ cơ sở nào cũng được dạy liên cấp. Điều đó khiến học sinh gặp khó khăn trong việc chuyển cấp. Học sinh đứng trước 2 sự lựa chọn, nếu muốn học tập gần nhà phải lựa chọn một môi trường khác hoặc nếu vẫn muốn học cùng một hệ thống thì phải đến một cơ sở khác rất xa.

Chọn hệ thống giáo dục liên cấp vẫn phải đi xa, chuyển cấp có nơi cách nhau tới 20km

Điển hình phải kể đến Hệ thống giáo dục Archimedes School. Hệ thống giáo dục này hiện đang đào tạo cả mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trường mầm non Trung Yên II và Trường Trung học cơ sở Archimedes Academy tọa lạc tại phố Nguyễn Vĩnh Bảo, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trường tiểu học Archimedes Academy nằm ở Trương Công Giai, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, cơ sở có đào tạo bậc trung học phổ thông duy nhất của hệ thống giáo dục này lại nằm ở Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội. Như vậy, học sinh trung học cơ sở ở khu vực Cầu Giấy nếu muốn học tiếp trung học phổ thông trong cùng một hệ thống của Archimedes phải sang tận Đông Anh mới có thể tiếp tục học (cách cơ sở Cầu Giấy gần 20km).

z4835023108087_bf5ceba79f33cfa9db3efd943b82e709-1024x768.jpg
Nhiều phụ huynh lựa chọn cho con học liên cấp từ nhỏ để thuận tiện cho việc chuyển cấp. (Ảnh minh họa: website Trường Tiểu học I-SẮC Newton)

Chị Quỳnh Hoa phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Archimedes (Nguyễn Vĩnh Bảo, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Sắp tới con tôi chuẩn bị vào lớp 10, Archimedes có đào tạo bậc trung học phổ thông nhưng ở bên cơ sở Đông Anh. Cơ sở này rất xa nhà tôi nên gia đình cũng không muốn con đi lại vất vả nên gia đình tôi đã chuyển hướng cho con vào trường chuyên”.

Một phụ huynh khác có con học lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Archimedes (Nguyễn Vĩnh Bảo, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bé nhà tôi tiểu học đã học ở Archimedes Trương Công Giai, Cầu Giấy, bậc trung học cơ sở con học ở cơ sở Nguyễn Vĩnh Bảo. Hai cơ sở này gần nhau nên việc chuyển cấp cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

Gia đình chọn Archimedes vì thấy chất lượng giáo dục tương đối tốt, cơ sở vật chất cũng khang trang, hiện đại. Mặc dù chương trình của trường khá nặng nhưng các con được tự do phát triển tư duy, và có khả năng tự lập cao. Gia đình cũng mong muốn lên trung học phổ thông con có thể tiếp tục theo tiếp chương trình của Archimedes nhưng hiện trung học phổ thông chỉ có 1 cơ sở duy nhất bên Đông Anh. Nhà tôi lại ở khu vực Mễ Trì cách Đông Anh khoảng 20km nên gia đình vẫn đang cân nhắc xem có nên cho con theo tiếp hay không. Tôi cũng mong trường có thể dạy đủ các cấp ở khu vực Cầu Giấy sẽ thuận tiện hơn gia đình”.

Một số phụ huynh khác lựa chọn cách khắc phục bằng việc lên các hội nhóm tìm kiếm những gia đình cũng có con em học cùng trường và đang sinh sống cùng khu vực hoặc cung đường di chuyển. Sau khi tập hợp đủ một nhóm gia đình sẽ thuê xe riêng đưa đón hoặc tự đưa đón con theo nhóm để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian di chuyển.

“Mặc dù nhà trường cũng có xe buýt đưa đón nhưng điểm đón lại cách nhà tôi khá xa. Con vẫn phải dậy rất sớm mới kịp giờ ra điểm đón. Ngoài ra, xe của trường lại phải đi đón quá nhiều điểm nên những bạn lên xe ở những điểm đầu sẽ phải đi rất sớm. Do đó, phương án lập các nhóm nhỏ tự thuê xe sẽ thuận tiện hơn cho gia đình”, một phụ huynh bày tỏ.

chup-man-hinh.jpg
Nhiều phụ huynh lên các hội nhóm tìm học sinh gần nhà để ghép xe cho con đi học. (Ảnh chụp màn hình)

Tương tự, Hệ thống trường liên cấp Newton hiện đang có 3 cơ sở ở Hà Nội. Trong đó chỉ có cơ sở ở Hồ Tùng Mậu đào tạo cả 3 cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trường Tiểu học I-Sắc Newton ở cơ sở Hoàng Quốc Việt chỉ được đào tạo bậc tiểu học.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục này còn có một cơ sở khác ở Thanh Oai, Hà Nội chỉ đào tạo tiểu học và trung học cơ sở. Như vậy với các học sinh khi chuyển cấp muốn học lên các bậc cao hơn trong cùng một hệ thống chỉ có thể đến học tại cơ sở Hồ Tùng Mậu.

Hay tại Hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội hiện cũng có 2 cơ sở. Trong đó, cơ sở 1 ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân Hà Nội đào tạo bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Cơ sở 2 ở Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội mới đầy đủ 3 cấp học. Như vậy, với học sinh Hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội cơ sở Thanh Xuân, nếu muốn học tiếp lên trung học phổ thông cùng một hệ thống bắt buộc phải qua quận khác để học.

Hệ thống liên cấp Lômônôxốp hiện cũng đào tạo đủ từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó có 3 trường mầm non tại Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội; An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) và Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội).

Trong khi đó, bậc tiểu học có Trường Tiểu học Lômônôxốp tọa lạc tại khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngoài ra, hệ thống giáo dục này còn có 2 trường ở Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Geleximco, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Trong đó có một trường liên cấp đào tạo tiểu học - trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông.

Như vậy, với Hệ thống giáo dục Lômônôxốp chỉ có khu vực Hà Đông là có đủ các cấp học. Học sinh ở các khu vực khác nếu muốn học liên cấp ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông bắt buộc phải sang cơ sở Hà Đông để học. Trong khi đó, các cơ sở khác ở quận Nam Từ Liêm hay Hoài Đức đều cách khu vực Hà Đông khá xa.

Chị Phạm Thị Dung - phụ huynh có con hiện đang học tại Trường Tiểu học Lômônôxốp cho hay: "Con tôi đang học ở Trường Tiểu học Lômônôxốp chuẩn bị hết cấp, gia đình lại phải tìm trường trung học cơ sở cho con. Điều này khiến gia đình cảm thấy rất vất vả vì nếu học đúng định hướng của trường cũ thì lại phải đi xa, mà muốn học gần thì lại phải chuyển sang trường khác. Như vậy cũng bị dở dang cho các con đang theo định hướng học liên cấp từ nhỏ. Còn nếu đi xa học thì khâu đưa đón sẽ rất mất thời gian, có thể gia đình sẽ không sắp xếp được".

GDVN_NSHN.jpg
Cơ sở 1 của Hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội chỉ đào tạo bậc tiểu học và trung học cơ sở. (Ảnh: Nhật Lệ)

Lãng phí diện tích sử dụng trong khi quỹ đất có hạn

Theo thông tin tại Hội nghị trực tiếp toàn quốc tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, hiện nay, Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Trong đó, mỗi năm, tăng từ 50.000-60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30-40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.

Trong khi đó, theo quy hoạch một số trường chỉ được dạy tiểu học như Trường Tiểu học I-Sắc Newton ở cơ sở Hoàng Quốc Việt (thuộc Hệ thống trường liên cấp Newton). Hay Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm theo quy hoạch ở khu vực phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chỉ được dạy bậc trung học phổ thông.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Ủy viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm cho hay: "Trước kia, đất ở khu vực phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được quy hoạch để dạy bậc trung học phổ thông. Khi xây dựng xong nhà trường hoàn thiện có tới 130 phòng học, cơ sở vật chất rất khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, thời điểm đó bậc trung học phổ thông chỉ có 11 lớp học.

Nếu chỉ dạy 11 lớp bậc trung học phổ thông thì không biết đến bao giờ nhà trường mới có thể hoàn vốn. Trong khi đó, các phòng học còn lại nếu bỏ không không sử dụng sẽ rất lãng phí. Theo tôi, mỗi trường đều có một sách lược riêng để phát triển. Đó cũng là điều hợp lý với các trường tư bởi trường tư cũng giống như một doanh nghiệp khi mở ra ngoài việc phục vụ xã hội, đào tạo học sinh nên người thì cũng phải tồn tại được và hoạt động một cách hiệu quả.

Hiện nay hệ thống trường công không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh. Trong khi trường tư liên cấp lại không được đào tạo đủ các cấp ở cùng một cơ sở sẽ rất lãng phí. Nếu các trường có thể đảm bảo cơ sở vật chất để hoạt động thì việc mở rộng quy mô đào tạo là cần thiết".

thay-thong-1.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Ủy viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, Nhà giáo Lê Thị Bích Dung – Phó Chủ tịch Hội đồng trường của Hệ thống Trường liên cấp Newton cho rằng: "Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thường quy hoạch tách riêng cho từng cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông riêng trên các lô đất, trên cơ sở tính lượng dân cư của địa phương. Quy hoạch này phù hợp với các trường công lập vì cùng một chương trình học và được tính toán trên cơ sở số dân cư của địa phương. Tuy nhiên, các trường tư thục ngoài đảm bảo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thường có chương trình nhà trường thiết kế riêng và tuyển sinh trên toàn thành phố chứ không hạn chế chỉ ở mỗi địa phương đó.

Hệ thống giáo dục của các trường tư đã thiết kế chương trình liên cấp và có sứ mệnh đào tạo riêng như vậy mà học sinh lại không được học liên cấp đủ từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông sẽ rất lãng phí. Chính vì thế, nếu nói mảnh đất xây dựng trường này là đất tiểu học, không được dạy lên trung học cơ sở, trung học phổ thông thì sứ mệnh đó có được tối ưu không?

Ngoài ra, bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thiết kế tiêu chuẩn phòng học tương đồng về kích thước, bục giảng, hành lang,…. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng đều gọi chung là bậc phổ thông vậy có thể sử dụng chung hệ thống phòng học. Trong khi quỹ đất của thủ đô hạn hẹp, nếu được sử dụng chung sẽ vừa tiết kiệm quỹ đất vừa tránh lãng phí diện tích với các trường đang hoạt động".

Cùng bàn về vấn đề này, bà Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam cho rằng: “Khi phụ huynh chọn trường cho con, sự thuận tiện trong việc đi lại là nhu cầu cấp thiết. Phụ huynh và học sinh cũng không muốn con đường đi học quá gian nan vất vả, nhất là ở các thành phố lớn chẳng ai muốn phải đi quá xa hay mất rất nhiều thời gian di chuyển trên đường.

Nhiều hệ thống giáo dục cũng có thể chọn phương án cùng một cơ sở có thể đào tạo cả 3 cấp, đảm bảo sự thuận tiện nhất cho học sinh. Các bạn có thể học cùng một môi trường, việc chuyển cấp cũng được dễ dàng, thuận tiện hơn. Về phía các trường đúng là có thể cân đối về mặt sĩ số để đảm bảo đào tạo đủ cả 3 cấp học sao cho phù hợp với diện tích đất của trường. Đó cũng là một mong muốn tôi cho rằng là phù hợp”.

GDVN_co-binh.jpg
Bà Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tuy nhiên, theo bà Bình các trường cũng phải căn cứ vào điều kiện thực tế, trong đó có kinh nghiệm quản trị, vận hành, giảng dạy trong hệ thống. Chính vì thế, trước khi thực hiện, các trường cần cân nhắc thật kỹ để đảm bảo mang đến chất lượng đào tạo tốt nhất cho học sinh.

Chương VI, Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT Tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường phổ thông có nhiều cấp học quy định:

Điều 21. Địa điểm, diện tích đất, quy mô

Áp dụng theo các quy định của cấp học cao nhất của trường tại Quy định này và các quy định sau:

1. Quy mô

a) Trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô tối thiểu 09 lớp và tối đa 45 lớp;

b) Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Bố trí không quá 05 điểm trường; đối với trường có cấp học tiểu học tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 08 điểm trường.

2. Định mức diện tích sàn xây dựng các hạng mục công trình

Các khối: phòng học tập; phòng hỗ trợ học tập; phụ trợ; khu sân chơi, thể dục thể thao; phục vụ sinh hoạt áp dụng theo quy định của từng cấp học tại Quy định này.

3. Chiều cao các hạng mục công trình trực tiếp phục vụ hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định cho từng cấp học tại Quy định này.

Điều 22. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu

Áp dụng theo các tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu của cấp học cao nhất của trường tại Quy định này và các quy định sau:

1. Khối phòng học tập

Áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu của từng cấp học tại Quy định này và được bố trí phân khu riêng biệt cho từng cấp học.

2. Khối phụ trợ

Khu vệ sinh học sinh: Áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu của từng cấp học tại Quy định này và bố trí phân khu riêng biệt cho từng cấp học.

3. Khu sân chơi, bãi tập, thể dục thể thao

Bố trí dụng cụ, thiết bị vận động phù hợp cho từng cấp học.

4. Tỷ lệ công trình kiên cố không dưới 40%.

5. Thiết bị dạy học được trang bị cho từng cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vi Anh