Cụm chuyên môn 4 TPHCM tổ chức kì thi học sinh giỏi: Đôi điều trao đổi

08/01/2024 06:40
Ngọc Linh - Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về việc Cụm chuyên môn 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức kì thi học sinh giỏi cho học sinh lớp 10, 11 hàng năm, nhiều giáo viên cho rằng là chưa cần thiết.

Bài báo "Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử lý nếu trường bắt thi học sinh giỏi do cụm chuyên môn tổ chức" đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/12/2023 nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên.

Về việc Cụm chuyên môn 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức kì thi học sinh giỏi cho học sinh lớp 10, 11 hàng năm, nhiều giáo viên cho rằng là chưa cần thiết vì một số lí do sau đây.

Giấy khen của một em học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Cụm 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: V.D)Giấy khen của một em học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Cụm 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: V.D)

Thứ nhất, giáo viên, học sinh mất nhiều thời gian, công sức để luyện thi (trên tinh thần tự nguyện) hàng tháng trời. Kì thi hàng năm thường được tổ chức vào cuối tháng 1 (đầu học kì 2) của năm học. Học sinh phải luyện thi cả học kì 1 khiến các em không còn nhiều thời gian để vui chơi giải trí.

Một số giáo viên cho biết, từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 10. Thầy cô cần thời gian đầu tư nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa để giảng dạy hiệu quả hơn là luyện thi học sinh giỏi.

Có giáo viên chia sẻ, thực ra việc dạy học sinh giỏi chỉ chiếm 2-3 tiết/tuần nhưng thầy cô giáo phải căn cứ vào nội dung thi của các môn để ôn luyện có trọng tâm cho học sinh. Để soạn được một đề thi cho học sinh tham khảo, giáo viên phải dành nhiều công sức vì sách giáo khoa không có sẵn các dạng bài, đề mẫu.

Thứ hai, chất lượng và sự bảo mật của đề thi cũng khiến không ít giáo viên băn khoăn. Nếu việc ra đề không được phản biện chặt chẽ, kĩ lưỡng, thiếu yếu tố bảo mật có thể sẽ ảnh hưởng đến uy tín giáo viên và nhà trường.

Còn nhớ, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh, kì thi học sinh giỏi Cụm chuyên môn 4 – Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023, môn Ngữ văn sao chép cả đề thi (và cả đáp án) trên mạng.

Về việc đề thi môn Ngữ văn được cho là sao chép trên mạng, đại diện Cụm 4 đã từng thừa nhận, đề thi này hoàn toàn không tham khảo ý kiến gì từ phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Do đó, việc có giáo viên kêu đề thi dở, lấy từ trên mạng thì (Cụm) sẽ rút kinh nghiệm điều này. Đây cũng là vấn đề hạn chế của kỳ thi. [2]

Thứ ba, theo lãnh đạo cụm chuyên môn 4, kinh phí tham dự của mỗi học sinh tại kỳ thi học sinh giỏi cụm chuyên môn 4 là 250.000 đồng/em/môn, có thể lấy từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Kinh phí tổ chức kỳ thi này được lấy từ nguồn kinh phí được cân đối từ các trường đóng góp vào, tuyệt đối không bao giờ được thu tiền của học sinh tham dự kỳ thi.

Tiền này đóng dùng để làm chi phí khen thưởng cho học sinh, như in giấy khen, giấy chứng nhận, làm huy chương, bồi dưỡng thầy cô coi thi, chấm thi. Đồng thời, kinh phí này cũng sẽ được ban tổ chức kỳ thi công khai đầy đủ vào ngày tổng kết kỳ thi. [1]

Tuy vậy, có phụ huynh nêu ý kiến, cho dù kinh phí được lấy từ nguồn xã hội hoá giáo dục – chủ yếu là nguồn tiền từ cha mẹ học sinh, thì cần có cơ chế quản lí sao cho minh bạch. Và không biết phụ huynh nào sẽ giám sát nguồn kinh phí này. Nếu nguồn kinh phí được cân đối từ các đơn vị thì ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của trường.

Thứ tư, những học sinh đạt giải sẽ căn cứ vào số điểm từ cao xuống thấp, được xếp hạng lần lượt là: Huy chương vàng + giấy khen là 15% học sinh dự thi/môn/khối. Huy chương bạc + giấy khen là 20% học sinh dự thi/môn/khối. Huy chương đồng + giấy khen là 20% học sinh dự thi/môn/khối.

Có thể nhận thấy, sẽ có 45% thí sinh dự thi không có giải. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của các em và giáo viên luyện thi. Thầy và trò cùng nhau ôn luyện cả học kì 1 nhưng không giải cũng khó ăn khó nói với phụ huynh và lãnh đạo.

Đáng nói, học sinh đoạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng cũng chưa chắc đã bằng học sinh xuất sắc (có kết quả rèn luyện, kết quả học tập cả năm được đánh giá ở mức Tốt và có ít nhất sáu môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 trở lên).

Thứ năm, nhiều năm qua, một số trường trung học phổ thông tư thục không tham gia kì thi này. Một quản lí trường tư thục ở Quận 6 chia sẻ, nhà trường không quan tâm đến kì thi học sinh giỏi cấp Cụm vì trường không chạy theo thành tích.

Bên cạnh việc dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các nhà trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh đều rất quan tâm đến việc cho học sinh được học các môn năng khiếu, rèn luyện thể dục thể thao.

Một số trường tư thục có cử học sinh tham gia kì thi Olympic (lớp 10, 11), kì thi học sinh giỏi cấp Thành phố (lớp 9, lớp 12) do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Học sinh đi thi với tinh thần tự nguyện và giáo viên dạy bồi dưỡng được trả thù lao xứng đáng với công sức thầy cô bỏ ra.

Bàn về kì thi học sinh giỏi Cụm 4, một giáo viên ở Quận 11 cho rằng: “Học sinh học ngày 2 buổi, nhiều em còn phải học thêm, học các môn năng khiếu ngoài giờ. Vì vậy, việc tổ chức một kỳ thi nội bộ không trong hệ thống của Bộ, của Sở là không cần thiết. Cùng với đó, bớt các kỳ thi cũng là cách để giảm áp lực cho học sinh, kể cả giáo viên”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-se-xu-ly-neu-truong-bat-thi-hoc-sinh-gioi-do-cum-chuyen-mon-to-chuc-post240188.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/gv-noi-ky-thi-chon-hsg-cum-4-tphcm-lay-de-tren-mang-ban-to-chuc-noi-gi-post233261.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngọc Linh - Minh Anh