Năm học 2023-2024 vừa qua đã là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở. Thế nhưng, theo quan sát và tham khảo ý kiến một số đồng nghiệp ở đơn vị bạn, chúng tôi thấy có không ít quản lý ở nhiều trường học chưa hề dạy chương trình mới.
Đó là một số hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; tổ trưởng chuyên môn; tổ trưởng hội đồng cốt cán cấp huyện. Họ vẫn dạy duy nhất khối 9 trong mấy năm vừa qua và trong số này, có người lại muốn dạy khối 6 trong năm học 2024-2025 tới đây.
Điều đáng băn khoăn, có những nhà giáo chưa dạy chương trình 2018 nhưng lại làm giám khảo chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Chính vì thế, đã có không ít những dị nghị vì bản thân họ chưa giảng dạy chương trình mới thì việc chấm thi hay chỉ đạo chuyên môn có thực sự phù hợp và giáo viên họ có “tâm phục, khẩu phục” hay không?
Quản lý nhà trường, quản lý tổ chuyên môn không đi tiên phong là điều đáng tiếc
Mặc dù không có quy định nào bắt buộc quản lý nhà trường, tổ chuyên môn phải dạy các lớp chương trình 2018 ngay từ những năm đầu nhưng nếu các thành viên này mà tự phân công cho mình dạy những lớp chương trình mới ngay từ khi triển khai sẽ có nhiều thuận lợi trong quản lý. Đặc biệt, sẽ tạo ra điểm tựa cho giáo viên trong tổ, trong trường.
Thế nhưng, việc dạy các lớp chương trình mới ngay những năm đầu triển khai sẽ phải đầu tư rất nhiều cho giáo án và kiến thức mới nên một bộ phận quản lý ở nhiều trường học vẫn tự phân công cho mình những lớp học chương trình 2006 vì kiến thức quen thuộc suốt gần 20 năm qua và điều quan trọng là ít phải đầu tư cho chuyên môn. Chính vì thế, dẫn đến những dị nghị từ cấp dưới
Trong một lần đi dự tiết thao giảng chuyên đề cấp huyện của đơn vị bạn vào cuối năm học trước, khi về, một nhóm giáo viên của nhiều trường học vào quán cà phê uống nước với nhau, một giáo viên nói rằng: “Chương trình mới đã dạy được 3 năm mà tổ trưởng của tôi chưa hề dạy chương trình mới, vẫn “trung thành” với lớp 9.
Vậy nên, mỗi khi tổ trưởng đi dự giờ giáo viên trong tổ góp ý đều chật lất, giáo viên họ không phục”.
Một giáo viên khác chen vào: “thầy A-tổ trưởng tổ tôi, đồng thời kiêm nhiệm tổ trưởng Hội đồng cốt cán cấp huyện cũng đã dạy đâu. Vậy mà, tôi vẫn thấy được phân công đi chấm thi giáo viên dạy giỏi ở cấp huyện, cấp tỉnh đấy. Trong khi, theo kế hoạch thì những tiết dạy thực hành của Hội thi giáo viên dạy giỏi phải là những tiết dạy chương trình mới.
Một giáo viên khác chen vào: “Trường tôi cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng chưa hề dạy chương trình mới. Trước khi triển khai chương trình 2018 thì họ dạy lớp 6, khi triển khai chương trình mới thì họ tự phân công dạy lớp 9. Vậy nhưng, hôm rồi có người bảo năm tới sẽ dạy lớp 6…”.
Nhiều câu chuyện, nhiều lời thoại nhắc đến tổ trưởng, các thành viên Ban giám hiệu và có cả tổ trưởng Hội đồng cốt cán chưa dạy chương trình mới vào thời điểm cuối năm học vừa qua trong câu chuyện phiếm gợi cho những người có mặt hôm đó nhiều điều suy nghĩ.
Sau này, có dịp quan sát và tìm hiểu kĩ hơn vấn đề, chúng tôi nhận thấy tình trạng này không hiếm ở nhiều trường học trong những năm vừa qua.
Phải nói thẳng ra rằng, những quản lý chuyên trách hay kiêm nhiệm ở các nhà trường, Hội đồng cốt cán các bộ môn mà chưa dạy chương trình mới trong suốt 3 năm qua ở cấp Trung học cơ sở là điều đáng tiếc và cũng đáng trách.
Một khi giáo viên trong tổ, trong các trường họ đã thuần thục phương pháp dạy học của chương trình, sách giáo khoa mới; kiểm tra, đánh giá mới thì những người quản lý mới bắt đầu làm quen ở lộ trình cuốn chiếu cuối cùng. Tiếc rằng, những chuyện như thế này không phải là chuyện hiếm.
Tiên phong đi trước mới chủ động trong công việc quản lý
Năm học 2024-2025 tới đây, tất các các lớp ở các cấp học sẽ đều học triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên những thầy cô giáo tham gia giảng dạy chương trình mới những năm đầu tiên đã thuần thục phương pháp, cách thức thực hiện các hoạt động dạy học. Vì vậy, giờ được phân công lớp dưới hay lớp cuối cùng của cấp học thì họ cũng khá chủ động vì đã quen thuộc.
Và thực tế, có nhiều lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn họ cũng đã chủ động tự phân công cho mình dạy các lớp chương trình mới từ những ngày đầu để cùng tháo gỡ những khó khăn với giáo viên của mình. Một khi cùng dạy, cùng tháo gỡ với đồng nghiệp những bỡ ngỡ, những kiến thức khó, phương pháp mới sẽ giúp cho họ chủ động trong quản lý.
Một tổ trưởng chuyên môn chia sẻ: “Ngay từ năm học 2021-2022- năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở, bản thân tôi đã chủ động dạy 1 khối chương trình cũ và một khối lớp chương trình mới.
Sau đó, ngành triển khai chương trình mới đến đâu, tôi theo đến đó. Vì thế, đến thời điểm hiện tại đã có cái nhìn bao quát và nắm được kiến thức cơ bản đối với tất cả các khối lớp. Năm tới triển khai ở lớp 9, tôi vẫn tiếp tục “theo” để nắm chương trình dạy học.
Việc “đi cùng” chương trình mới tất nhiên là vất vả nhưng mình không vất vả thì làm sao quản lý được tổ. Bởi vì, ngay năm đầu triển khai chương trình mới vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, phải dạy trực tuyến gần hết 1 năm học nên chỉ riêng việc chuẩn bị giáo án điện tử để trình chiếu cho học sinh là một vấn đề không hề đơn giản.
Lúc đó, mình né cũng được nhưng nếu không dạy chương trình mới, không chia sẻ khó khăn cùng đồng nghiệp, cũng đồng nghĩa không có cái nhìn bao quát, không nắm được chương trình học thấu đáo sẽ gặp khó khăn trong dự giờ, đánh giá giáo viên; duyệt đề kiểm tra của giáo viên trong tổ…”.
Thực tế cho thấy, nếu quản lý nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn hướng đến phương châm “tiên ưu, hậu lạc” sẽ nhận được sự tín nhiệm, đồng thuận của đồng nghiệp.
Những phần việc khó, mới, bản thân các thành viên Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn sẽ đảm nhận, trải nghiệm, không lấy vị trí quản lý của mình lợi dụng trong thực hiện công việc chung sẽ có nhiều thuận lợi.
Một khi cán bộ đi tiên phong sẽ giúp cho các thành viên trong tổ, trong trường vui vẻ nhận nhiệm vụ khi được phân công tương tự và tất nhiên cũng hiếm khi xảy ra chuyện so bì, tị nạnh với nhau.
Nếu như quản lý nhà trường, quản lý tổ chuyên môn mà né việc khó, việc mới, sẽ khó nắm chắc được kiến thức mới, sẽ dẫn đến những khó khăn trong quản lý. Và, tất nhiên khó tránh khỏi những dị nghị, thị phi từ các đồng nghiệp thuộc phạm vi quản lý của họ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.