Triển khai chương trình GDPT mới, nhiều trường vùng cao "3 thiếu"

01/12/2022 06:48
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường học vùng cao đang được ngành giáo dục địa phương quan tâm, chỉ đạo, huy động nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt cho học sinh.

Cứ đến thời điểm mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) hàng năm là lúc tình trạng thiếu nước tại các trường vùng cao càng trở nên trầm trọng, vậy hiện các địa phương, các trường đã cải thiện vấn đề này thế nào để đảm bảo môi trường sinh hoạt, học tập cho các em học sinh?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình nước sinh hoạt tại các trường học trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Đào - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết:

“Hiện, các trường, điểm trường trên toàn huyện Tràng Định đã cơ bản khắc phục được việc thiếu nước, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tổ chức bữa ăn bán trú,... của trường. Do thương thầy cô, thương các con, phụ huynh một số đơn vị cũng khoan đục giếng, dẫn được đường nước tự động vào trường”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Tài nguyên và môi trường)

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Tài nguyên và môi trường)

Theo bà Đào, tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn chỉ còn 3 trường chưa thể khắc phục được tình trạng thiếu nước. Các đơn vị thiếu nước do nguyên nhân khách quan như các trường nằm trên đỉnh đồi khiến đường dẫn nước xa, vị trí của trường không có nguồn nước ngầm dù đã có kinh phí xã hội hóa hỗ trợ khoan giếng.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện Tràng Định cũng đã có những biện pháp để nhanh chóng giải quyết, bổ sung nguồn nước thiếu cho các trường như huy động nguồn ủng hộ từ các ban ngành, đoàn thể tại địa phương; huy động các trường tự tiết kiệm ngân sách; huy động công sức, kinh phí từ phía các phụ huynh học sinh.

Hơn nữa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định cũng cùng các nhà trường chủ động thực hiện các giải pháp để từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là tại các trường vùng khó trên địa bàn.

Bà Đào cũng thông tin thêm, mặc dù nước sinh hoạt đã cơ bản được đáp ứng, tuy nhiên, các trường trên địa bàn còn đang thiếu nhiều trang thiết bị dạy học, thiếu phòng học Tin học - Ngoại ngữ,...

Một số điểm trường còn khó triển khai các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học do mạng internet chưa ổn định. Bên cạnh đó, bàn ghế của một số trường cũng xuống cấp, dù huyện có dành kinh phí để mua bổ sung nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết cho tất cả trường.

Cũng trao đổi về vấn đề trên, ông Châu Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết:

“Hiện địa bàn huyện Nam Giang có tổng 26 trường học các cấp, hầu hết các trường đều đã có đủ nước sinh hoạt. Tuy nhiên, về việc đảm bảo nguồn nước sạch, chất lượng, chỉ có hơn 55% số trường của địa bàn có hệ thống lọc nước. Do Nam Giang còn là huyện nghèo, nên các hệ thống lọc này chủ yếu đến từ nguồn từ thiện của các mạnh thường quân ủng hộ cho trường.

Các trường còn lại thì nguồn nước chủ yếu được dẫn về từ khe suối, mức độ nước tùy thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết khô hạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh, ăn bán trú của trẻ,... Nguồn nước uống cũng do các thầy cô giáo tự chuẩn bị thêm bình lọc nhỏ, hoặc mang nước đi cho các con uống nên cũng khá vất vả”.

Theo ông Vĩnh, do 80% số người dân trên địa bàn là dân tộc thiểu số nên kinh tế của các gia đình cũng rất khó khăn, do vậy ông Vĩnh mong muốn rằng, ngành giáo dục nên quan tâm hơn đến việc tăng cường hệ thống lọc nước để mang đến nguồn nước sạch cho các em học sinh vùng cao được đảm bảo sức khỏe, phụ huynh yên tâm cho con tham gia học tập.

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang, theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thì dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, các trường nội trú, bán trú của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện hệ thống lọc nước để đảm bảo sinh hoạt.

Do đó, ông Vĩnh cũng hi vọng Đề án sớm được triển khai ở địa phương để các em học sinh yên tâm đến trường tham gia học tập mà không phải lo lắng các vấn đề khó khăn khác.

Mặc dù đã cơ bản đáp ứng được việc đủ nước sinh hoạt, tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước sạch vẫn là thách thức của nhiều đơn vị trường học. Theo thầy Đinh Anh Công, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, thuộc huyện Hướng Hóa, một huyện khó khăn về nước sinh hoạt của tỉnh Quảng Trị cho biết:

“Hiện Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng vẫn đang sử dụng nước giếng khoan để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho các em học sinh.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn cho các em thì tôi mong ngành giáo dục có thể quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho những trường vùng khó như chúng tôi để mang đến môi trường học tập tốt nhất cho các em, bởi huyện Hướng Hóa là một địa phương khó khăn, nên việc đề xuất tăng cường thêm kinh phí cũng gặp nhiều hạn chế.”.

Bên cạnh đó, thầy Công cũng cho biết thêm, dù chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã triển khai được hai năm nhưng trường vẫn chưa có thiết bị dạy học theo chương trình mới mà chỉ đang sử dụng các trang thiết bị dạy và học của chương trình cũ.

Đặc biệt là tình trạng thiếu máy tính, hiện một lớp học của trường có 40 học sinh/lớp, tuy nhiên chỉ có 20 máy. Do đó, thầy Công cũng mong rằng, bên cạnh bổ sung nguồn nước sạch, trường cũng cần nhanh chóng được bổ sung đầy đủ các trang thiết bị học tập để công tác giảng dạy của giáo viên được đảm bảo, giúp chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được diễn ra thuận lợi hơn.

Trà My