Theo dự thảo Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dư luận có nội dung: “Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố”.
Điểm mới này đang nhận được nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng khi tăng tỷ lệ lên 50% sẽ đánh giá được năng lực và phẩm chất của học sinh trong một quá trình, đồng thời nâng cao tinh thần chủ động, ý thức tự giác của học sinh ngay từ năm lớp 10 thay vì chỉ chú trọng đầu tư học đối với lớp 12 như trước đây thì cũng có nhiều ý kiến nêu, việc tăng tỷ lệ như vậy nếu không được kiểm soát chặt chẽ có dẫn đến một số biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại.
Lo ngại tiêu cực không phải “thừa"
Theo chia sẻ từ lãnh đạo một trường Trung học phổ thông tại Hà Nội, thực tế cho thấy tại trường phổ thông ít nhiều sẽ có sự châm chước và hỗ trợ để học sinh có đủ điều kiện xét tuyển.
Vậy nên, dù nhận định tỷ lệ 50% kết quả học tập 3 năm lớp 10,11, 12 dùng để xét tốt nghiệp sẽ phát huy khả năng đánh giá cả quá trình học tập của người học nhưng nếu không có giải pháp, thậm chí chế tài thì chắc chắn sẽ dẫn đến một số hệ lụy tiêu cực.
Vị này nêu quan điểm, không có giải pháp nào là tối ưu được hết tất cả nên khi thực hiện theo quy chế đổi mới thì tại các cơ sở giáo dục trung học phổ thông phải nhận thức rõ ràng mục đích và hiệu quả cuối cùng mà cách thức tính điểm này hướng đến. Từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát ở mỗi cơ sở đào tạo.
Hiện nay, quá trình kiểm tra, đánh giá tại mỗi trường trung học phổ thông đều thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, điểm số của từng kỳ thi, đợt kiểm tra đánh giá tại các trường đều được cập nhật trên một cơ sở dữ liệu chung nên sẽ hạn chế được tình trạng sửa điểm như trước đây.
Dẫu vậy, việc tổ chức thi cử tại các trường hầu hết vẫn được Sở Giáo dục và Đào tạo trao quyền cho từng đơn vị nên khó tránh tình trạng trường này ra đề dễ hơn trường kia để tạo điều kiện cho học sinh trường mình có cơ hội ghi điểm cao, học bạ đẹp.
Do đó, vị lãnh đạo bày tỏ tâm tư phải chăng cần có thêm những quy định để thắt chặt khâu quản lý, giám sát để đảm bảo việc thực hiện tại các trường diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Bởi, nếu như nhà trường chỉ cố gắng tạo điều kiện cho học sinh “lấy điểm", về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng học sinh có tâm lý chủ quan và chỉ quen làm những nội dung mà nhà trường xây dựng tại các kỳ thi, kiểm tra tại trường.
Do đó, khi bước vào kỳ thi chung là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông các em sẽ khó đạt điểm cao. Điều này vừa ảnh hưởng đến mục tiêu của kỳ thi, vừa ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà trường.
Còn theo bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như: Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập còn giúp học sinh giảm bớt đi áp lực thi cử và giúp học sinh có động lực để cố gắng học tập chăm chỉ trong suốt ba năm để có điểm học bạ cấp trung học phổ thông tốt nhất.
Bên cạnh đó sẽ yêu cầu giáo viên phải thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, học sinh sẽ có thêm cơ hội làm quen với các dạng bài thi cũng như được rèn luyện đúng hướng với mục tiêu mà Bộ đã đề ra.
Trước những vấn đề tiêu cực mà dư luận hiện nay đang lo ngại, bà Lâm Thị Sang đồng tình và cho rằng sự lo ngại này không hề “thừa”.
Trên thực tế, không ít trường vì tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông mà không ngại “làm đẹp” học bạ để học sinh có thêm điều kiện và cơ hội xét tốt nghiệp. Đây là tình trạng đã “nhen nhóm” từ lâu chứ không phải nay mới có.
Theo đó, bà Sang cho rằng, cơ quan quản lý giáo dục cần tích cực chỉ đạo các trường trong việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Và cần tăng cường đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cấu trúc đề minh hoạ của Bộ để học sinh làm quen càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cần chú trọng việc tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt phương châm “học thật, thi thật” nhằm đo lường, đánh giá chính xác chất lượng học sinh.
"Nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu luôn nỗ lực chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo phương châm học thật - thi thật.
Ở kỳ thi cuối kỳ, đối với các môn thi có trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tổ chức thi chung đề do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề trong cùng thời điểm kiểm tra nhằm quản lý mặt bằng chất lượng.
Với sự chỉ đạo như trên, nhiều năm liền tỉnh Bạc Liêu luôn nằm trong top đầu của khu vực và cả nước về điểm bình quân thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả đối sánh chênh lệch giữa trung bình điểm học bạ và trung bình điểm thi tốt nghiệp hằng năm của học sinh tỉnh Bạc Liêu luôn nằm trong nhóm các tỉnh có điểm chênh lệch rất thấp”, bà Lâm Thị Sang chia sẻ.
Cần đa dạng hoá các hình thức kiểm tra đánh giá tại trường phổ thông
Còn theo ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, bên cạnh những ưu điểm như đánh giá bao quát, chính xác quá trình phát triển về phẩm chất năng lực của học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện, việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của 3 năm lớp 10,11,12 lên 50% để xét tốt nghiệp còn mang lại một số ưu điểm như giảm áp lực thi cử cho học sinh khi điểm thi thường xuyên, định kỳ được tính vào điểm thi để xét tốt nghiệp chiếm đến 50%.
Khi đó, học sinh sẽ không phải chịu quá nhiều áp lực từ kỳ thi chung là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mặt khác, cách tính này cũng giúp giáo viên chủ động hơn trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy học theo dự án, tăng cường thực hành, dạy học theo chủ đề STEM/STEAM, góp phần phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.
Trước những lo ngại trong thực tiễn khi tăng tỷ lệ 50% sẽ phát sinh một số hệ luỵ tiêu cực, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho rằng điều này là có cơ sở vì tâm lý của hầu hết các cơ sở giáo dục đều mong muốn trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao nên sẽ khó tránh xảy ra tình trạng kiểm tra đánh giá theo hướng tạo điều kiện để học sinh có “điểm đẹp".
Trên thực tế, qua theo dõi và thống kê kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây cho thấy vẫn còn có nơi phát sinh trường hợp điểm thi tốt nghiệp các môn và điểm học bạ có sự chênh lệch khá lớn theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi.
Theo chia sẻ của ông Bé Hai, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học, kết hợp hài hòa giữa đức - trí - thể - mỹ và chú trọng kỹ năng thực hành để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác đánh giá quá trình học tập của học sinh sẽ gia tăng gánh nặng cho giáo viên khi phải dành nhiều thời gian và công sức hơn để đánh giá và ghi nhận kết quả học tập của học sinh trong suốt ba năm học.
Điều này có thể dẫn đến việc một số trường hợp giáo viên chủ quan và thiếu sự công tâm trong việc đánh giá năng lực thực chất của người học. Từ đó làm mất đi tính công bằng và minh bạch trong kiểm tra đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh.
Thậm chí, từng có nhiều trường hợp học sinh tìm cách gian lận, lấy lòng giáo viên để có điểm số cao, đây không phải vấn đề mới lạ trong thực tiễn.
Trước tình hình đó, ông Võ Văn Bé Hai cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông.
Cụ thể như xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá, tăng cường thực hiện đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành và các dự án học tập. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Đối với các trường phổ thông cần xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra phục vụ cho đánh giá định kì các môn học và tiêu chí đánh giá quy định bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học đó.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu giáo viên phải có sự chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để các em có sự chủ động cũng như tinh thần học tập nghiêm túc.
Bên cạnh đó, theo ông Hai, khi áp dụng cách tính mới thì cần phải đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá. Chẳng hạn như kết hợp nhiều hình thức đánh giá khác nhau như bài kiểm tra, dự án nhóm, thuyết trình và hoạt động ngoại khóa để đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.
Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra thường xuyên, khuyến khích kiểm tra thường xuyên, định kỳ qua hệ thống Kho học liệu số Giáo dục nhằm tận dụng các công cụ công nghệ để theo dõi và ghi nhận kết quả học tập của học sinh, giảm bớt gánh nặng cho giáo viên và tăng tính minh bạch trong kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, qua hệ thống quản lý điểm trong nhà trường, quy định thời gian và yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo kết quả điểm kiểm tra của học sinh chính xác. Từ đó giúp người học nhận ra điểm mạnh và điểm yếu để điều chỉnh phương pháp học tập kịp thời.
Cuối cùng là vai trò của các cấp quản lý trong việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, đảm bảo tính công bằng trong quá trình kiểm tra, đánh giá.
Để đảm bảo quá trình xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông được chất lượng và hiệu quả khi chính thức có quy chế sử dụng cách tính 50% kết quả học tập và 50% kết quả thi, Sở Giáo dục và Đào tạo ở các tỉnh, thành cần xây dựng kế hoạch tập huấn cho giáo viên về các phương pháp kiểm tra, đánh giá công bằng và minh bạch, giúp giáo viên có kỹ năng và có công cụ để đánh giá học sinh một cách chính xác hơn.
Theo đó, tích cực tập huấn để tổ chức kiểm tra, đánh giá tại cơ sở giáo dục (ít nhất là với lớp 12 cho năm học 2024-2025) theo định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Về kết quả học tập rèn luyện của học sinh cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, quy định rõ về thời gian thông báo kết quả đánh giá quá trình học tập (định kỳ, thường xuyên) và kết quả thi một cách minh bạch và kịp thời để phụ huynh hiểu rõ năng lực học sinh và phối hợp giáo dục con em cùng nhà trường.