Có phải giáo viên đang hiểu sai về chuyển đổi số?

06/01/2023 06:33
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học, sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy, phản ánh trung thực trình độ thật sự của cán bộ.

Ngày 23/11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng.

“Nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học. Hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”.[1]

Trước “cú hích” chuyển đổi số, giáo viên mong Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” thực hiện càng sớm càng tốt, để được “hưởng thụ” thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại.

Có phải giáo viên đang hiểu sai về chuyển đổi số?

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng có hai phần rõ rệt:

Thứ nhất là: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ hai là: chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025.

Người viết đã “khảo sát” một số giáo viên qua câu hỏi “Bạn hiểu gì về chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay?”.

Nhiều giáo viên cho rằng: chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay là soạn giảng trên Microsoft PowerPoint … dạy học trực tuyến, kiểm tra chấm điểm tự động trên azota, …

Thực tế, dạy học online, trình chiếu bài giảng bằng phần mềm PowerPoint... chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, chứ không phải là chuyển đổi số.

Rõ ràng, việc truyền thông về chuyển đổi số đến giáo viên của ngành giáo dục chưa đạt yêu cầu, giáo viên chưa hiểu đúng về chuyển đổi số trong giáo dục.

Việc kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm không thực sự cần thiết (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)Việc kiểm tra hồ sơ chuyên môn cuối năm không thực sự cần thiết (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Chuyển đổi số trong giáo dục là làm cái gì?

Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2021-2025 Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như:

Hoàn thiện cơ chế chính sách; đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số.

Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số.

Đồng thời, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bài giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử; triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học đảm bảo quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số…

Giáo viên mong muốn điều gì nhất khi thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025”?

Thầy giáo Nguyễn Văn Trung, giáo viên một tỉnh phía Nam chia sẻ “Chuyển đổi số, nói kiểu hàn lâm, khái niệm, nó xa vời quá, tôi thì cứ muốn nôm na, đơn giản, dễ hiểu.

Mong ước ước của tôi với chuyển đổi số trong giáo dục, đơn giản nhất, đó là đừng bắt buộc giáo viên in ra giấy các hồ sơ, giáo án, chỉ để phục vụ việc kiểm tra của lãnh đạo nhà trường”.

Mong ước của thầy giáo Nguyễn Văn Trung cũng là mong muốn của hàng triệu giáo viên sao mà xa vời quá, khi không ít cơ sở giáo dục vẫn “trung thành” với giáo án giấy.

Kinh hoàng hơn, giữa thời đại 4.0 vẫn còn có nơi bắt giáo viên viết tay hồ sơ, giáo án [2]!

Vậy chuyển đổi số ở đâu? Áp dụng công nghệ thông tin trong giáo dục ở đâu? Phải chăng ngành giáo dục thiếu văn bản pháp luật quy định sử dụng hồ sơ giáo án điện tử?

Trong khi đó, theo tìm hiểu của người viết, hoàn toàn không thiếu văn bản pháp luật khuyến khích, cho phép sử dụng hồ sơ điện tử trong trường học.

Khoản 4 Điều 21 Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT: Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục ghi rõ:

4. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.

Khoản 4, Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT: Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục ghi rõ:

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “rải thảm” cho các cơ sở giáo dục dục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy, nhưng các cơ sở vẫn “rải đinh” gây khó, gây khổ cho giáo viên.

Vì thế, người viết kiến nghị:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền thông về chuyển đổi số đến giáo viên cần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, tránh dùng thuật ngữ hàn lâm.

Thứ hai, đưa tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học, sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy vào tiêu chí đánh giá, thi đua trường học.

Với những lãnh đạo yếu và thiếu trình độ, họ rất ngại đổi mới, rất ngại áp dụng công nghệ vào quản lý, đây chính là “rào cản” phát triển giáo dục.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học, sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy, phản ánh trung thực trình độ thật sự của cán bộ.

Còn cán bộ yếu và thiếu trình độ tin học, tâm huyết với nghề giáo, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” khó mà thành công.

Vì vậy, cần có công tác cán bộ tốt, để chọn ra được cán bộ có tâm, có tầm, đặc biệt là có trình độ công nghệ thông tin nhất định, dám và thực hiện đổi mới trong quản lý giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/tang-cuong-ung-dung-cntt/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=7633

[2] https://giaoducthoidai.vn/bat-buoc-giao-vien-soan-giao-an-bang-cach-viet-tay-quy-dinh-chua-dung-post342047.html

Nguyễn Nhật Minh