Có nên lấy kết quả thi thử vào 10 làm điểm đánh giá thường xuyên học sinh lớp 9?

16/05/2023 06:42
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo người viết, lấy điểm thi thử vào lớp 10 làm điểm đánh giá thường xuyên cho học sinh lớp 9 là chưa phù hợp với Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT .

Ký thi vào lớp 10 công lập đã được học sinh, phụ huynh, đặc biệt là ở các thành phố lớn đánh giá là “khốc liệt” .

Kết quả thi tuyển sinh lớp 10 cũng được nhiều ý kiến đánh giá là khách quan, trung thực, nghiêm túc. Vì vậy, không ít địa phương đã dùng kết quả thi tuyển sinh lớp 10 để đánh giá thi đua. Điều này có thể là một trong các nguyên nhân khiến một số cơ sở giáo dục đã có những “chiêu trò” để học sinh học lực trung bình, yếu, không tham gia thi tuyển sinh lớp 10.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Tại sao học lực yếu nhưng học sinh vẫn được thi lớp 10

Muốn thi tuyển sinh lớp 10, điều kiện tiên quyết đầu tiên là học sinh được xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. Muốn tốt nghiệp trung học cơ sở, học lực thấp nhất phải xếp loại trung bình.

Thực tế hiện nay, do yêu cầu phải đạt tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở từ 96% trở lên để nhà trường giữ chuẩn hay phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, nên một lượng không nhỏ học sinh lớp 9 dù học lực có thể chưa đáp ứng chuẩn đầu ra nhưng vẫn được “đôn” lên trung bình để đậu tốt nghiệp.

Chính vì thế, "đôn” học sinh yếu lên trung bình để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở vô hình chung thành “con dao hai lưỡi” với trường trung học cơ sở.

Để tăng điểm trung bình của đơn vị trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10, có trường hợp giáo viên "tư vấn” cho học sinh yếu không tham gia thi tuyển sinh lớp 10.

Để "minh chứng" kết quả thi tuyển sinh thấp, không thể đỗ vào lớp 10 công lập cho phụ huynh, học sinh biết, lượng sức mình, thực hiện theo "tư vấn" của giáo viên chủ nhiệm, không ít cơ sở giáo dục đã có chủ trương thi thử vào lớp 10.

Thi thử thì phải chấm, tự nhiên giáo viên (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) lại “rước việc” vào người khi phải chấm hàng trăm bài thi thử.

Để “giảm tải” cho giáo viên chấm bài, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cho phép lấy điểm thi thử trung học phổ thông làm điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.

Chị Lê Thị Mỹ ở một tỉnh phía nam có con học lớp 9 chia sẻ: “Từ đầu tháng 4 đến nay con tôi đã tham gia thi thử vào lớp 10 tới 2 lần do nhà trường tổ chức. Nhà trường đã thông báo cho học sinh biết, điểm thi thử môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh sẽ làm điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.

Tôi thấy lấy kết quả thi thử trung học phổ thông làm điểm kiểm tra thường xuyên làm học sinh thiệt thòi, chưa hợp tình, hợp lý.

Thứ nhất, đề thi thử bao trùm kiến thức cả năm học, nên rất khó, các cháu khó đạt kết quả cao. Thứ hai, thời gian làm bài thi thử trung học phổ thông kéo dài bằng hoặc hơn kiểm tra định kì, nay lấy kết quả thi thử làm điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên lại càng bất hợp lý”.

Có nên lấy điểm thi thử vào 10 làm điểm đánh giá thường xuyên?

Điều 6 Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT ghi rõ: Đánh giá thường xuyên

1. Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

2. Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này, như sau:

a) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét (không bao gồm cụm chuyên đề học tập): mỗi học kì chọn 02 (hai) lần.

b) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên (sau đây viết tắt là ĐĐGtx) trong mỗi học kì như sau: - Môn học có 35 tiết/năm học: 02 ĐĐGtx. - Môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 ĐĐGtx. - Môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 ĐĐGtx.

3. Đối với cụm chuyên đề học tập của môn học ở cấp trung học phổ thông, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập. Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó và ghi vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.[1]

Như vậy, lấy điểm thi thử trung học phổ thông làm điểm đánh giá thường xuyên cho học sinh lớp 9 là chưa phù hợp với Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT.

Để đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy chế, người viết đề nghị các cơ sở giáo dục không sử dụng kết quả thi thử các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh … làm điểm đánh giá thường xuyên.

Để học sinh toàn tâm, toàn ý khi làm bài thi thử, nhà trường nên có phương pháp tuyên truyền phù hợp, không dùng kết quả thi thử đánh giá học sinh khiến không ít học sinh bị áp lực không đáng có những năm cuối của bậc Trung học cơ sở.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2021-tt-bgddt-207846-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai