Cơ hội làm GV ở TPHCM luôn rộng mở, có năng lực, yêu nghề sẽ không lo thiếu việc

19/11/2023 08:00
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi nỗ lực giảng dạy từng ngày để góp một phần công sức, trí tuệ xây dựng nền giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tiên tiến, hiện đại, hội nhập.

Năm 1999, tôi rời quê hương Quảng Trị đến Thành phố Hồ Chí Minh ôn thi vào đại học sư phạm những mong có cơ hội được học tập và làm việc ở nơi này.

Những ngày sinh sống ở Thành phố, tôi thực sự choáng ngợp với vẻ đẹp hiện đại của nơi đây. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm phải học thật tốt để được làm thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả và học sinh lớp chủ nhiệm trong buổi lễ tri ân và trưởng thành. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Tác giả và học sinh lớp chủ nhiệm trong buổi lễ tri ân và trưởng thành. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Lạ nước lạ cái ở chốn quê người chỉ với hai bàn tay trắng, tôi may mắn gặp được bạn bè và một số người dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn động viên tinh thần và giúp đỡ tôi về vật chất.

Tôi thuê trọ nhà cậu Toàn, mợ Châu ở đường Nguyễn Văn Lạc, phường 25, quận Bình Thạnh. Chủ nhà là cậu, mợ người bạn thân ở cùng nên tôi xưng hô thân thương như thế.

Cậu Toàn luôn tự hào rằng, nhà cậu từ trước đến nay luôn có nhiều cựu học sinh đến thuê ôn thi đại học và hầu hết ai cũng đậu. Cậu luôn đặt niềm tin, kì thi năm đó tôi sẽ thi đậu vào những trường đại học đã đăng kí nguyện vọng.

Sự khích lệ của cậu Toàn đã thổi bùng trong tôi ngọn lửa ham học. Tôi ra sức học ngày học đêm với quyết tâm sắt đá: đại học là con đường duy nhất giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó ở chốn làng quê và hiện thực hoá ước mơ được làm thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Biết được hoàn cảnh khốn khó của tôi, cậu Toàn bàn với mợ Châu giúp tôi một chút vật chất để tôi được yên tâm luyện thi.

Mợ Châu có sạp bán áo quần cũ ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Hàng ngày, cậu Toàn tranh thủ thời gian đưa đón và giúp mợ Châu bày dọn gian hàng. Từ ngày có tôi đến thuê trọ, cậu Toàn đã giao lại công việc này cho tôi và trả thù lao theo tháng.

Cạnh chỗ tôi thuê trọ có cô Hoa bán hàng tạp hóa. Tôi thường ghé quán này mua một vài thứ lặt vặt. Biết tôi đang ôn thi lại đại học, cô Hoa luôn động viên tôi cố gắng thi đậu để có cơ hội dạy học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cô Hoa cũng cho biết thêm, cô có đứa con gái đang học ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm cuối. Cô nói, nếu tôi gặp khó khăn trong học tập thì cô sẽ nhờ chị ấy kèm cặp miễn phí.

Kì thi đại học năm 2000, tôi chỉ đậu vào Trường Đại học Đà Lạt. Thời gian 4 năm học ở thành phố núi ngàn hoa, nhiều lúc tôi nhớ Thành phố Hồ Chí Minh đến quay quắt. Nhớ con đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Minh Khai… nhớ cậu Toàn, mợ Châu, nhớ cô Hoa bán tạp hóa nghĩa tình và nhớ cả ngã tư Hàng Xanh luôn kẹt xe vào giờ cao điểm.

Tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, tôi về quê dạy hợp đồng cho một trường trung học cơ sở xa nhà cả chục cây số. Dạy học được hơn một năm thì tôi bị cắt hợp đồng với lí do không có ngân sách chi trả tiền lương.

Công việc đứt đoạn, tôi trở lại thành phố Đà Lạt mưu sinh bằng nghề phục vụ nhà hàng để chờ cơ hội mới. Từ một thầy giáo chỉ quen bảng đen phấn trắng, nay tôi phải dọn dẹp, bưng bê phục vụ khách thì lòng luôn nặng trĩu và thấy ái ngại với chính mình.

Hiểu được tâm tình, người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh đến gặp hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Bình xin việc cho tôi.

Biết tôi là dân Quảng Trị chịu thương chịu khó và đã có kinh nghiệm dạy học, cô hiệu trưởng đồng ý nhận việc ngay mà không cần trao đổi gì nhiều.

Vì lí do cá nhân, tôi rời trường này sau 2 năm làm việc và chuyển sang một ngôi trường khác ở quận Tân Phú cũng rất thuận lợi, ấy là nhờ cái tình của lãnh đạo nhà trường.

Tính tôi an phận, tôi đến xin hiệu trưởng một trường công lập ở quận Bình Tân dạy thử, đợi đến ngày thi tuyển viên chức giáo viên. Hiệu trưởng trực tiếp dự giờ tiết dạy của tôi và đồng ý tiếp nhận nếu đỗ kì thi viên chức.

Tôi trúng tuyển kì thi viên chức giáo viên năm 2013, được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phân công nhiệm sở về trường này.

Qua quá trình công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy cơ hội làm việc trong ngành giáo dục ở địa phương này rất rộng mở. Chỉ cần giáo viên có năng lực, chịu khó và biết vươn lên thì hầu như chẳng ai phải làm trái ngành sau khi tốt nghiệp sư phạm.

Cho đến thời điểm này tôi đã có thâm niên giảng dạy 17 năm ở cả hai hệ công lập và tư thục. Trong quá trình dạy học, tôi luôn hết lòng giúp đỡ học sinh, nhất là các em có học lực yếu hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, đỗ vỡ...

Tôi đã từng giúp đỡ, động viên hàng trăm học sinh vi phạm kỉ luật thoát mác học sinh hư. Có em nhẹ thì vi phạm nội quy trường lớp, nặng hơn thì đánh nhau, thậm chí có em ương bướng cãi lời cha mẹ rồi bỏ nhà ra đi khiến phụ huynh rất đau lòng.

Có lẽ học sinh thấu hiểu được tấm lòng của tôi nên cuối cùng các em đều vào khuôn khổ, thành người tốt. Rất nhiều phụ huynh vẫn nhớ đến tôi dẫu con, em ra trường đã nhiều năm.

Trong số đó, tôi nhớ nhất là trường hợp nữ sinh tên Lam, do tôi làm chủ nhiệm cách đây 9 năm. Em Lam thường xuyên lôi kéo bạn bè phá lớp, một số giáo viên bộ môn dù có kinh nghiệm quản lí cũng “chào thua” vì em học sinh này luôn trong tư thế bỏ học, bất cần.

Trao đổi với mẹ em Lam thì tôi được biết, ba mẹ em đã li hôn từ lúc em còn học lớp 1. Trong suốt 12 năm nuôi em Lam ăn học, bố em chưa một lần tìm thăm con gái, dĩ nhiên ông cũng từ chối luôn nghĩa vụ nuôi con.

Bằng khả năng sư phạm của mình, tôi đã dần giúp đỡ, động viên em nỗ lực vươn lên. Sau đó em thi đỗ tốt nghiệp, đi học nghề và bây giờ đã có công ăn việc làm ổn định. Hằng năm, cứ đến ngày 20/11 hay Tết Nguyên đán, em đều nhắn tin, gọi điện thoại hỏi thăm tôi.

Là giáo viên của Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tâm niệm phải luôn hết lòng vì học sinh, tử tế với phụ huynh. Đó là cách tôi trả món nợ ân tình cho mảnh đất đã và đang cưu mang mình.

Tôi luôn nỗ lực giảng dạy từng ngày để góp một phần công sức, trí tuệ xây dựng nền giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tiên tiến, hiện đại, hội nhập... như mục tiêu Thành phố đã đề ra.

Phan Thế Hoài