Cơ hội để kỹ sư Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử khởi nghiệp rất cao

16/04/2025 06:25
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -"Tân kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử có thể thành lập doanh nghiệp về các lĩnh vực như, thiết kế các hệ thống điện lực, điện tử...

Trong thời đại công nghệ 4.0, các thiết bị về điện - điện tử như động cơ điện, hệ thống radar, định vị; hệ thống thông tin liên lạc; thiết bị phát điện; điện công nghiệp; hệ thống điện truyền hình, truyền thông... không ngừng đổi mới và phát triển.

Để vận hành, đổi mới và phát triển lĩnh vực điện - điện tử, đòi hỏi nguồn nhân lực là những kỹ sư được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn cao.

Trường Đại học Công nghệ Đông Á là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện -điện tử (thuộc Khoa Điện - Điện tử).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng - Trưởng khoa Điện - Điện tử có những chia sẻ về hoạt động đào tạo, tính chất công việc cũng như cơ hội việc làm của ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng cho hay, ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử luôn là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc sống càng hiện đại, càng không thể thiếu thiết bị điện và điện tử.

Các thiết bị này phục vụ cho mọi lợi ích của con người, từ sinh hoạt hàng ngày cho tới sản xuất tại mọi quốc gia. Nó được coi là một trong những ngành mũi nhọn, được ứng dụng rộng rãi với nhiều module kiến thức phong phú và hữu ích như: điện tử học, năng lượng mặt trời, hệ thống điều khiển, viễn thông, xử lý tín hiệu,…

Sinh-vien-khoa-dien-dien-tu-tham-gia-Robocon-2023-1.png
Sinh viên Khoa Điện - Điện tử tham gia Robocon 2023. (Ảnh: website nhà trường)

Định kỳ 2 năm, chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử được cập nhật

Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử là một trong những ngành được xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập Trường Đại học Công nghệ Đông Á. Đến nay, nhà trường đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 15 khóa Kỹ sư điện - điện tử hệ đại học chính quy.

Năm học 2025 - 2026 nhà trường tuyển sinh và đào tạo khóa 16 ngành học này. Quy mô tuyển sinh mỗi khóa khoảng 300 sinh viên.

Cũng từ năm học 2025-2026, nhà trường mở thêm chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật bán dẫn thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử. Qua đó, nâng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành từ 500 đến 1000 sinh viên/năm.

"Định kỳ 2 năm, nhà trường chỉnh biên chương trình đào tạo, để cập nhật kiến thức mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng nói.

Trải qua các khóa đào tạo, nhà trường đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư phục vụ trong các xí nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài, cũng như trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

"Sinh viên của khoa khi tốt nghiệp đáp ứng ngay được với yêu cầu của thực tế sản xuất, nên rất được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.

Làm sao để biết bản thân phù hợp với ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử?

Chia sẻ về chương trình đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng cho hay, ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử đào tạo với tổng số 150 tín chỉ với các học phần như cơ sở chuyên ngành nghiên cứu về các linh kiện bán dẫn; Các phương pháp để phân tích và giải mạch điện; Các học phần chuyên sâu về ngành như thiết kế, lắp đặt mạch điện từ, hệ thống cung cấp điện, hệ thống điều khiển…

"Do vậy trong quá trình học phổ thông, các em cần quan tâm đến các kiến thức về Vật lý, Toán học. Đây là 2 nhóm kiến thức bổ trợ trực tiếp cho quá trình học ngành này.

Ngoài ra, học sinh cần thiết có thêm kiến thức về Hóa học để hiểu được các vật liệu sử dụng trong ngành điện. Bên cạnh đó là ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh), để các em giao tiếp và nghiên cứu tài liệu tham khảo trong quá trình học tập", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.

Sinh viên năm nhất có thể tham gia nghiên cứu khoa học

Theo tìm hiểu của phóng viên, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử của Trường Đại học Công nghệ Đông Á thường sẽ tham gia vào các dự án thực tế, thực tập tại doanh nghiệp hoặc tham gia nghiên cứu về điều khiển tự động, điện công nghiệp, năng lượng tái tạo.

Chia sẻ về nội dung trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng cho hay, trong quá trình học tập tại nhà trường, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên môn và kiến thức bổ trợ của ngành. Sau khi áp dụng vào thực tế sản xuất sẽ hình thành và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp.

Để hình thành kỹ năng, bắt buộc sinh viên phải thực hành thông qua các dự án trong quá trình học.

Cụ thể, ngay từ năm học thứ nhất, thứ hai, sinh viên đã có thể tham gia được các dự án khởi đầu thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học. Qua đó, sinh viên áp dụng các kiến thức nghề nghiệp vào giải quyết một vấn đề thực tế. "Nhà trường có đủ các phòng thí nghiệm, thực hành cho sinh viên thực hiện quá trình nghiên cứu", thầy Hùng chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng chia sẻ thêm, từ năm ba, năm bốn đại học, sinh viên bắt buộc phải tham gia chương trình thực tập doanh nghiệp, thực tập kỹ thuật (5 tín chỉ) và thực tập tốt nghiệp (3 tín chỉ). Sinh viên sẽ được làm chuyên môn trong các cơ sở sản xuất, làm quen với công việc của một kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử tương lai.

Sau khi tham gia các dự án trên, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, để đảm nhiệm các công việc như: thiết kế, chế tạo các chi tiết máy, vận hành, bảo trì, sửa chữa các thiết bị và hệ thống điện - điện tử trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp…

Được học tập và làm việc với các công nghệ mới giúp bắt kịp với xu thế của thế giới; Được học tập trên hệ thống giảng đường với các thiết bị máy móc hiện đại, phòng thí nghiệm cùng những công nghệ mới nhất trên thế giới cùng đội ngũ giảng viên chuyên môn cao;

Với sự liên kết giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng trong đào tạo, sẽ giúp sinh viên có cơ hội tạo ra những sản phẩm có khả năng thương mại cao.

bao-ve-do-an-tot-nghiep-khoa-dien-dien-tu.png
Sinh viên Khoa Điện - Điện tử bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Sinh viên còn được ký hợp đồng thực tập/đào tạo nghề ngay trong quá trình học tập, được tuyển vào các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn Polyco hoặc các doanh nghiệp đối tác của khoa, nhà trường ngay sau khi tốt nghiệp như: Canon, Brother, Samsung, LG Display, Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn), Goertek, Luxshare, Vietel ...

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử có thể tự khởi nghiệp

Trả lời về câu hỏi, sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, khi tốt nghiệp ra trường nếu không làm trong công ty, doanh nghiệp, thì có thể tự khởi nghiệp, làm chủ ra sao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng cho hay, sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử có thể tham gia vào thị trường lao động đúng ngành đào tạo.

Nếu các em không muốn làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, mà muốn trở thành những ông chủ tương lai làm đúng ngành nghề đã học thì có thể thành lập doanh nghiệp về các lĩnh vực như, thiết kế hệ thống điện lực, điện tử, điều khiển tự động thiết bị, dây chuyền sản xuất; Thi công lắp đặt các công trình điện, điện tử; Chế tạo, sửa chữa máy, thiết bị, linh kiện điện, điện tử; Kiểm định, thí nghiệm các thông số của thiết bị điện, mạch điện, hệ thống cung cấp điện, hệ thống điều khiển;

Mở cửa hàng, siêu thị làm dịch vụ thương mại (bán buôn, bán lẻ) máy điện, thiết bị và dây chuyền công nghệ về điện; Lắp đặt các nguồn điện tái tạo như thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió để phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân...

"Hoặc các em cũng có thể học nâng cao trình độ để trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực điện, điện tử và bán dẫn.

Đây là cơ hội tốt để các em trở thành những giảng viên, giáo viên, chuyên gia làm công tác giảng dạy, nghiên cứu về chuyển giao công nghệ đúng chuyên môn Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.

Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử luôn thay đổi

Công nghệ trong lĩnh vực điện - điện tử luôn thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi kỹ sư làm nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức, theo dõi xu hướng mới để không bị tụt hậu.

Chia sẻ về nội dung nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng cho hay, một trong những ngành đổi mới và phát triển nhanh hiện nay là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật bán dẫn và Kỹ thuật điều khiển tự động hóa.

Năng lượng điện trở thành năng lượng chủ yếu trong các khâu sản xuất và đời sống hiện nay. Các thiết bị giao thông, vận tải trong tương lai gần cũng sẽ dùng động cơ điện, thay thế cho các động cơ đốt trong.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2050 giảm phát thải ròng về mức 0. Do vậy việc thay đổi công nghệ sản xuất và sử dụng điện năng sẽ diễn ra nhanh chóng. Các phương thức điều khiển thông minh, nguồn năng lượng mới, thiết bị công nghệ mới được bổ sung và cập nhật liên tục.

Các công cụ tính toán, phần mềm ứng dụng hiện đại, thông minh sẽ nhanh chóng thay thế cho các thao tác, tính toán bằng bàn tay của con người như trước đây.

"Do vậy, yếu tố quan trọng với kỹ sư Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử là phải cập nhật kiến thức chuyên môn, các phần mềm ứng dụng hiện đại, biết khai thác dữ liệu lớn (big data), thuật toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, điều khiển thông minh vận dụng vào các hoạt động chuyên môn của mình.

Vì vậy, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần nắm vững kiến thức cơ bản, chuyên môn về ngành để phát triển các ứng dụng thực tiễn sau này", Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghệ Đông Á nhận định.

Mạnh Đoàn