Cô giáo dạy ở vùng cao gần 30 năm đượm buồn khi nói về lương, phụ cấp cho GVMN

14/12/2022 06:49
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cả sự nghiệp của các cô gắn bó với mảnh đất biên cương mây trắng sương mù… thế nhưng khi nói về lương, giọng các cô trầm xuống. 

Đầu giờ chiều, chúng tôi từ trung tâm xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đi lên điểm trường xa trung tâm xã nhất - điểm trường Mốc 238. Điểm trường này nằm trên địa phận thôn Lùng Chư Phùng.

Lao Chải là xã biên giới cách trung tâm huyện hơn 60 km nên còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất và khó khăn về giao thông đi lại.

Những ngày này, gió đã mang theo cái lạnh tràn về miền biên ải. Thế là một mùa đông nữa lại về trên điểm trường Mốc 238 (thuộc Trường Mầm non Lao Chải).

Đường vào điểm trường Mốc 238, một bên nhìn xuống thôn Bản Phùng, một bên là núi cao vời vợi với những hàng sa mộc đương độ lớn, cao vút và mạnh mẽ.

Căng mình trong gió lạnh, người dân nơi đây vẫn ngày ngày bám bản, bám nương rẫy, xây dựng kinh tế từ đất cằn. Trên miền đất ấy, cũng có các cô giáo mầm non kiên cường "bám đá", bám trường gieo chữ nơi miền biên viễn.

Điểm trường Mốc 238 nằm gần như tách biệt với khu dân cư, xa xa quanh điểm trường, chỉ có vài mái nhà lợp tấm pờ rô mới được dựng lên.

Có thể nói, đây là một trong những điểm trường giáp cột mốc biên giới nhất của tỉnh Hà Giang, từ điểm trường đi lên cột mốc biên giới 238 chỉ chưa đầy 700m.

Nổi bật giữa vùng biên giới trùng điệp ấy, lá cờ đỏ sao vàng linh thiêng của điểm trường tung bay. Trong các lớp học của điểm trường Mốc 238, tiếng nói cười, tiếng phát âm, cả những giai điệu của nhiều bài hát vang lên - đó chính là những bài học đầu đời của các em nhỏ ở đây.

Chúng tôi đến điểm trường khi bài học chưa kết thúc, tiếng cô và trò vang lên ở từng lớp học. Bài học: cháu tập làm bác sĩ, cháu tập làm kỹ sư - những bài học ước mơ đầu đời của con trẻ khiến cả cô, cả trò đều rất hào hứng.

Cô, trò ở điểm trường Mốc 238. Ảnh: NT

Cô, trò ở điểm trường Mốc 238. Ảnh: NT

Cô giáo Vũ Thị Thắm (sinh năm 1973) đón chúng tôi vào thăm điểm trường bằng nhiều câu chuyện. Cô Thắm cho biết, điểm trường Mốc 238 có 2 giáo viên phụ trách 25 cháu nhỏ người dân tộc bản địa.

Cô giáo Thắm mới về điểm trường được 2 năm, dù thời gian chưa quá dài, nhưng cũng đủ để cô bắt nhịp với học trò và nếp sống của bà con nơi gần biên giới nhất xã Lao Chải.

Cô Thắm quê gốc ở Phúc Thọ, Hà Nội, lên Hà Giang nhận công tác từ năm 1993. Sau những ngày đầu gian khó đầy nước mắt, không ít lần ôm quần áo với ý định bỏ về, nhưng nghĩ đến đám học trò ngơ ngác nhìn cô giáo - ánh mắt trong veo đợi những bài học mới khiến cô Thắm như tan chảy, cô đã dần quên đi ý nghĩ sẽ bỏ trường bản để về quê.

Thời gian thấm thoắt cũng đã gần 30 năm, dấu chân cô giáo Thắm cũng đã trải khắp miền đá cao nguyên tỉnh Hà Giang.

Cô giáo Thắm quan sát học trò trong một giờ lên lớp. Ảnh: NT

Cô giáo Thắm quan sát học trò trong một giờ lên lớp. Ảnh: NT

Trong gần 30 năm ấy, cô Thắm có hơn 10 năm gắn bó ở xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên), bám trụ ở những điểm xa và gian nan của Hà Giang lúc bấy giờ là Hoàng Ly Pả, Mã Hoàng Phìn, Ngài Chò... đó cũng là quãng thời gian rèn luyện cho cô nuôi dạy trẻ này một tình yêu nghề, yêu trẻ và không nản lòng trước những gian nan vất vả của công việc.

Ở nơi biên cương ấy, ngày đầu cô đến nhận lớp trong hoàn cảnh đủ thứ “không”: không đường, không điện, không người biết tiếng phổ thông, tất nhiên, sóng điện thoại lúc đó cũng là thứ gì đó xa vời. Vậy mà khi được hỏi nghị lực nào để cô có thể vượt qua từng đó khó khăn, thiếu thốn, cô Thắm chỉ cười và nói: không gì hơn ngoài tình yêu trẻ, mến nghề.

Về Lao Chải hơn 10 năm nay, và hơn 2 năm ở điểm trường Mốc 238, với cô Thắm, trường là nhà, biên giới là quê hương, nhân dân và học trò vùng biên giới là một phần trong cuộc sống.

Ở điểm trường Mốc 238, còn có cô giáo Nguyễn Thị Hương (quê Việt Trì - Phú Thọ) sinh năm 1969, chỉ còn ít ngày, cô Hương sẽ xa tiếng nói, tiếng cười của học trò, về nghỉ hưu.

Với cô giáo Hương, những tháng năm gắn bó với điểm trường Mốc 238 là một phần quan trọng trong cuộc đời, là khoảng thời gian cô hết mình với giáo dục vùng cao.

Trước năm 2015, khi chưa có điểm trường kiên cố, cô và đồng nghiệp còn dạy học nhờ trong nhà đất của người dân trong bản. Những ngày ấy, thôn chưa có điện lưới và cả xã Lao Chải chưa có chợ phiên; mỗi cuối tuần, cô Hương và đồng nghiệp được nghỉ về nhà là tranh thủ sắm sửa tư trang, mua thức ăn để mang lên điểm trường dùng cả tuần.

Giờ có điểm trường kiên cố, có điện lưới nhưng đường sá về mùa mưa vẫn bị tắc, có khi bị cô lập hàng tuần trời vì lở đất.

Dân cư ở tất cả 4 thôn của xã Lao Chải đều là người dân tộc thiểu số, trình độ còn thấp, nhiều người chưa biết nói tiếng phổ thông, đó là rào cản lớn nhất mà cô và đồng nghiệp phải vượt qua.

“Tôi dạy chữ cho các cháu, thì các cháu và phụ huynh lại dạy tiếng bản địa cho tôi, quá trình học cứ hai chiều như vậy”, cô Thắm kể. Cứ thế, cứ thế mỗi buổi học là một ngày vui của cô và trò vùng biên cương.

Là điểm xa trung tâm xã, lại giáp biên giới, lúc đầu mới lên công tác tại điểm trường Mốc 238, các cô giáo cũng có lo lắng về tình hình anh ninh trật tự, nhưng được chính quyền và nhất là bà con nhân dân hỗ trợ về mọi mặt nên các cô dần an tâm ươm mầm chữ bên mốc biên giới.

Trong câu chuyện với chúng tôi, cũng có những lúc không gian như trầm xuống khi các cô nói về lương. Với thâm niên gần 30 năm công tác (cô Hương vào ngành từ năm 1995), khi về nghỉ chế độ sẽ nhận lương hưu 5,8 triệu đồng/tháng.

Điểm trường Mốc 238 giờ chỉ còn lại mỗi cô Thắm. Trường thiếu giáo viên nên cô Thắm phải một mình ở lại cùng các con. Ảnh: NT

Điểm trường Mốc 238 giờ chỉ còn lại mỗi cô Thắm. Trường thiếu giáo viên nên cô Thắm phải một mình ở lại cùng các con. Ảnh: NT

Ước mơ được nâng lương với cô Hương đã không còn, còn cô Thắm, với vài năm công tác nữa cũng tự hỏi: Không biết đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng phụ cấp cho giáo viên mầm mon có được thông qua và đến được với cô trong khoảng thời gian làm việc còn lại nữa hay không?

Chia tay điểm trường Mốc 238, chúng tôi ra về khi ngày đã tắt nắng, đỉnh Lùng Chư Phùng mù trong sương, nhìn con đường trở về xa xôi, mới thấy thấm thía nỗi vất vả của các cô khi dạy ở điểm trường giáp biên như vậy.

Ở biên cương những ngày gió rít, đến cả những người dân bản địa cũng không muốn ra khỏi nhà, thế nhưng tại những điểm trường vùng cao, các thầy cô giáo vẫn kiên cường bám trụ, vẫn duy trì lớp học, trao truyền tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước.

Tôi về xuôi, lúc bài viết này thực hiện, cô giáo Mương Thị Vượng - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lao Chải cho biết, cô Hương đã về nghỉ chế độ, điểm trường Mốc 238 chỉ còn lại cô Thắm. Vì trường thiếu giáo viên, nên chỉ có thể tăng cường thêm cho cô Thắm một giáo viên khi nào thật cần. Còn lại, một mình cô Thắm phải tự xoay sở với 25 học sinh lớp ghép vùng cao.

Tôi vẫn nhớ ánh mắt có chút đượm buồn của các cô lúc nói về lương, về chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên. Với các cô, quan tâm về chế độ, chính sách chính là nguồn động viên to lớn để các cô có thêm động lực và sự gắn bó với nghề.

Trần Phương