Chương trình yêu cầu học sinh lớp 1 cần biết viết, biết đọc các từ có chữ P

03/03/2022 09:24
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách Tiếng Việt 1 thiết kế theo cách nào thì yêu cầu cần đạt đối với học sinh cũng phải biết viết, đọc được các từ có chữ P.

Bài viết Cùng Tổng Chủ biên vì sao mỗi sách lại có cách dạy chữ P, âm "pờ" khác nhau? ngày 27/2 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề: hàng triệu học sinh lớp 1 hết thế hệ này đến thế hệ khác phải chịu thiệt thòi khi học sách Tiếng Việt 1, bộ Chân trời sáng tạo.

Bởi, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng nói rằng, cách dạy của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hiệu quả hơn, dạy âm vần tiết kiệm thời gian hơn. Cụ thể, sách này dạy âm đầu "pờ" trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm "pờ", chứ không học âm "pờ" riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu "pờ".

"Cách dạy này rất quen thuộc với đông đảo giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong 20 năm qua. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, kế thừa cách dạy này", Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng khẳng định.

Tuy vậy, trên một số diễn đàn báo chí, thầy cô, chuyên gia ngôn ngữ và bạn đọc vẫn băn khoăn: sách Tiếng Việt 1 (Kết nối tri thức với cuộc sống) dạy lướt chữ P, âm "pờ" thì học sinh có bị thiệt thòi hay không?

Sách Tiếng Việt 1, Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ dạy lướt chữ P, âm "pờ". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt 1, Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ dạy lướt chữ P, âm "pờ". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Chuyên gia ngôn ngữ nói gì?

Ngày 27/2, trao đổi với người viết, Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lí giải, sách Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành) không dạy chữ P độc lập (ghi phụ âm đầu /p-/) như các chữ khác vì một số lí do sau đây.

Thứ nhất, trong tiếng Việt hiện nay, phụ âm đầu /p-/ được ghi bằng chữ cái P chỉ xuất hiện trong một vài từ ngoại lai (pa-nô, pi-a-nô) hoặc tên riêng (Pa Cô, Sa Pa...), là các từ ngữ khó đọc, khó hiểu, khó viết đối với lớp 1, nếu đưa vào làm ngữ liệu minh hoạ sẽ vi phạm yêu cầu của chương trình.

Thứ hai, lí do ít quan trọng hơn là về mặt khoa học, phụ âm đầu /-p/ chưa đựợc thừa nhận là một âm vị trong hệ thống âm vị tiếng Việt nên không hợp lý lắm nếu xử lý P như chữ cái ghi các âm khác (ai muốn chứng minh /p-/ là phụ âm đầu tiếng Việt thì viết bài tranh luận với Giáo sư Đoàn Thiện Thuật, Giáo sư Mai Ngọc Chừ).

Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn nói thêm, trường hợp chữ P không được tách riêng (ở phần dạy kết hợp với nguyên âm) không phải là ngoại lệ. Chữ Q, thậm chí được dùng để ghi phụ âm đầu /k-/ của tiếng Việt, nhưng cũng không được tách riêng mà phải qua QU (qua, quê, quý...) vì không có từ ngữ nào có Q kết hợp trực tiếp với nguyên âm.

Vậy, cách thiết kế không tách chữ P riêng như vậy của sách Tiếng Việt 1 (Kết nối tri thức với cuộc sống) có ảnh hưởng đến việc việc dạy chữ P và âm /p/ hay không và có sai với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo không?

Sách Tiếng Việt 1 Chương trình năm 2000 dạy âm "pờ" với tư cách âm đầu trong bài dạy âm PH (phờ), chứ không dạy tách riêng. (Ảnh: Phan Thế Hoài)Sách Tiếng Việt 1 Chương trình năm 2000 dạy âm "pờ" với tư cách âm đầu trong bài dạy âm PH (phờ), chứ không dạy tách riêng. (Ảnh: Phan Thế Hoài)
Sách Tiếng Việt 1 những năm 70, 80 dạy chữ P, âm "pờ" riêng biệt. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt 1 những năm 70, 80 dạy chữ P, âm "pờ" riêng biệt. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn cho biết, cách thiết kế không tách chữ P không ảnh hưởng gì đến việc dạy chữ P và âm /p/ vì học sinh vẫn được dạy viết chữ P qua bảng chữ cái, chữ kép PH, cách đọc âm "pờ" qua một vài từ có phụ âm đầu p- (ví dụ, pin) và các vần có phụ âm cuối -p (ap, op, ip...).

Vì đây mới là lớp 1 nên sách giáo khoa không thể đưa hết tất cả các từ khó có chữ/âm "pờ" vào bài đầu, học sinh có thể học chúng ở các bài sau, lớp sau. Ngay cả các chữ/âm được thiết kế dạy riêng nhưng rất nhiều từ/tiếng (đặc biệt là tên riêng) có các chữ này cũng không thể dạy ngay ở lớp 1 thậm chí là cấp 1, ví dụ: H’Hen Nie, Y Blôk, Sêrêpôk...

"Cách thiết kế dạy chữ P như vậy cũng không có gì sai với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì yêu cầu của chương trình Tiếng Việt 1 là dạy cho học sinh biết phân biệt, đọc và viết đúng các chữ/âm chứ không qui định cụ thể thiết kế trong sách giáo khoa như thế nào, giáo viên phải dạy như thế nào", Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn nói thêm.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư Hoàng Dũng, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống dạy âm "pờ" với tư cách âm đầu trong bài dạy âm PH (phờ), chứ không dạy tách riêng.

Vì sao lại như vậy? Có thể kể hai lý do: thứ nhất, âm "pờ" có trong một số địa danh (Sa Pa, Pò Hèn), mà tên riêng thì thông thường không dùng trong phần dạy phát triển vốn từ. Thứ hai, âm "pờ" chỉ xuất hiện trong các từ mượn chưa được Việt hóa (a-pa-tít, pít-tông…), mà với học sinh lớp 1, mới chỉ đi học được 5-6 tuần, không nên chọn dạy lớp từ này.

Ngoài cách thiết kế dạy chữ P riêng của sách Tiếng Việt 1 còn cách nào nữa không?

Phó giáo sư Nguyễn Hồng Cổn lí giải, cách thiết kế không để chữ P (và cả Q) riêng không phải là sáng tạo riêng của sách Tiếng Việt 1 (Kết nối tri thức với cuộc sống) mà được kế thừa từ sách Tiếng Việt 1 – chương trình 2000, trong đó các chữ P, Q được thiết kế dạy cùng các chữ kép PH, QU, theo kiểu P-PH, Q-QU nhưng không có các từ minh hoạ riêng cho P và Q.

Bên cạnh cách thiết kế này cũng có cách thiết kế tách P phụ âm đầu riêng, lấy ví dụ minh hoạ là các từ như pin, pi-a-nô, pa-nô, Sa Pa (sách Tiếng Việt 1 bộ Chân trời sáng tạo, Cánh Diều).

Vấn đề đặt ra là, cách thiết kế tách chữ P phụ âm đầu riêng như vậy đúng hay sai, có tốt hơn cách thiết kế không tách riêng chữ P của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không?

Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn nêu quan điểm, nếu không quá câu nệ về mặt lý thuyết (coi p- là phụ âm đầu tiếng Việt), thì cách thiết kế như vậy cũng không có gì sai nhưng nó đòi hỏi học sinh phải học một số từ được coi là khó, không phải học sinh lớp 1 nào cũng biết như đã nói ở trên.

"Để đánh giá cách thiết kế nào tốt hơn cho việc dạy và học chữ P có lẽ cần phải tiến hành khảo sát kết quả dạy và học chữ P theo các sách đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ không có khác biệt nhiều lắm vì thiết kế theo cách nào thì yêu cầu đạt được cũng phải là viết, đọc được các từ có chữ P", Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn nhận định.

Liên quan đến việc dạy chữ P, âm "pờ", theo tìm hiểu của tôi, sách Tiếng Việt 1 những năm 70, 80 của thế kỉ trước dạy chữ P, âm "pờ" riêng biệt như những chữ cái khác.

Cụ thể, sách học vần những năm 70 dạy chữ P, âm "pờ" qua các từ "pin" (pin, pin, pin) - mô phỏng âm thanh tiếng còi xe và "đèn pin". Sách học vần những năm 80 dạy chữ P, âm "pờ" qua các từ "pí pa pí pô".

Tài liệu tham khảo:

https://baoquocte.vn/chuyen-gia-ngon-ngu-len-tieng-ve-sgk-tieng-viet-1-khong-day-am-p-175409.html?fbclid=IwAR3xErfsFi89beI9LrL8TBzlYUsutUJecH7U0sVTteRnBDsAa6YbeVlLK0o

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài