Chương trình liên kết quốc tế ở nhiều trường ĐH có xu hướng giảm người học

10/12/2023 07:28
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, chương trình liên kết quốc tế tại một số trường đại học tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, mô hình đào tạo cử nhân theo chương trình liên kết được xem là tạo ra môi trường học tập quốc tế để rút ngắn càng khoảng cách giữa du học tại chỗ với du học thực sự. Thế nhưng, năm 2023, chương trình liên kết quốc tế tại một số trường đại học lại tuyển không đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung.

Đơn cử như Trường Đại học Thương mại đã thông báo tuyển sinh bổ sung các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học liên kết với các trường đại học đối tác nước ngoài năm 2023. Cụ thể, ngành Quản trị kinh doanh – 20 chỉ tiêu; Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm hoặc Ngân hàng, Tài chính – 39 chỉ tiêu; Quản trị doanh nghiệp phân phối trong mạng lưới Logistics – 19 chỉ tiêu; Quản trị chuỗi cung ứng và phân phối – 26 chỉ tiêu; Thương mại bán hàng – 29 chỉ tiêu; Khởi nghiệp kinh doanh – 23 chỉ tiêu; Quản trị du lịch và dịch vụ giải trí – 15 chỉ tiêu; Du học Trung Quốc 2+2 - 22 chỉ tiêu.

Học viện Phụ nữ cũng thông báo tuyển sinh bổ sung đối với chương trình Quản trị kinh doanh hệ Liên kết quốc tế; Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng công bố tiếp tục xét tuyển bổ sung 13 ngành đào tạo liên kết do đối tác của Trường Đại học Quốc tế cấp bằng.

Các chương trình liên kết quốc tế giảm khá nhiều cả về quy mô và số lượng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng trên, Tiến sỹ Kim Hoàng Giang - Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo quốc tế - Trường Đại học Thương mại bày tỏ, các chương trình liên kết quốc tế trong đợt xét tuyển năm 2023 tại Trường Đại học Thương mại tuy số lượng có giảm so với năm 2022 và 2021 nhưng sự quan tâm của người học và phụ huynh vẫn ở mức độ cao.

Bởi, đa phần chương trình liên kết quốc tế có thời gian đào tạo đại học ngắn hơn so với chương trình chính quy Việt Nam và được tiếp cận với các yếu tố đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sinh viên Trường Đại học Thương mại trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Thương mại trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Còn theo Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, qua các cuộc khảo sát, đánh giá, có thể thấy rằng, rõ ràng các chương trình liên kết quốc tế hiện nay đều giảm khá nhiều cả về quy mô và số lượng.

Theo thầy Thanh, cũng giống như nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay, tại Trường Đại học Công Thương, số người học lựa chọn tham gia chương trình liên kết quốc tế không có nhiều và có xu hướng sụt giảm so với trước kia.

Cùng bàn về thực trạng trên, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng bày tỏ, trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, chương trình liên kết quốc tế được kỳ vọng sẽ là giải pháp thay thế cho du học, giúp người học tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh, chương trình liên kết quốc tế của nhà trường đã phải tạm hoãn.

Hiện nay, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đang kết nối lại với một số trường đại học tại Trung Quốc để tiếp tục đưa sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sang học tập theo chương trình liên kết quốc tế với hình thức 3+1.

Theo thầy Hoàn, số lượng quan tâm đến các chương trình liên kết hiện chưa nhiều, đa số người học thường lựa chọn chương trình đại trà.

Bởi, người học thường cho rằng, chương trình đại trà vẫn có thể mang lại cho họ những lợi ích tương đương với chương trình liên kết quốc tế, chẳng hạn như: nhiều trường đại học trong nước đã có những nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học thông qua việc kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế; sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học trong nước vẫn có thể có cơ hội việc làm tốt, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Không những vậy, chi phí đào tạo cho chương trình liên kết quốc tế thường cao hơn so với chương trình đào tạo trong nước. Do đó, khiến nhiều người học, đặc biệt là những người học có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ khả năng chi trả.

Hơn nữa, để được xét tuyển vào chương trình liên kết quốc tế, người học cần có thành tích học tập xuất sắc và đáp ứng các yêu cầu về ngoại ngữ. Điều này khiến nhiều người học, đặc biệt là những người học có học lực trung bình, không đủ điều kiện tham gia.

Mặt khác, trên thực tế, không phải tất cả các chương trình liên kết quốc tế đều đảm bảo chất lượng. Một số chương trình chỉ mang tính hình thức và không mang lại nhiều lợi ích cho người học. Điều này khiến nhiều người học mất niềm tin vào chương trình liên kết quốc tế.

So sánh với giai đoạn năm 2020-2022, Tiến sĩ Kim Hoàng Giang cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến số lượng người học lựa chọn chương trình liên kết quốc tế năm 2023 giảm hơn 2 năm trước.

Thứ nhất, thí sinh đã có thể đi du học trở lại khiến tổng số lượng sinh viên xét tuyển vào các chương trình đào tạo quốc tế sụt giảm.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra, nhiều nước “khóa cửa biên giới” nên ước tính có khoảng 40.000 thí sinh không thể đi du học mỗi năm. Trong giai đoạn này số lượng thí sinh xét tuyển chương trình liên kết quốc tế gia tăng do đồng sản phẩm giáo dục.

Tuy nhiên, từ năm 2023, số lượng thí sinh nhập học giảm so với năm 2022 và 2021 do các nước đã mở cửa trở lại. Hiện trung bình có khoảng 40.000 du học sinh mỗi năm (Theo Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 30/10/2023), trên tổng số 495.000 thí sinh xác nhận nhập học năm 2023. Số lượng thí sinh nhập học của trường cũng tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19.

Thứ hai, nhiều trường đại học của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm đào tạo ngoài hình thức đào tạo đại trà như định hướng chuyên sâu nghề nghiệp, chương trình tích hợp, chất lượng cao…

Thứ ba, nền kinh tế của người dân Việt Nam hiện tại vẫn còn gặp khó khăn, tác động rất mạnh đến khả năng tài chính của người học và gia đình.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đa phần thí sinh và phụ huynh sẽ lựa chọn tham gia các chương trình tiêu chuẩn để phù hợp với kinh tế của gia đình. Một bộ phận khác nếu có điều kiện kinh tế cao hơn sẽ lựa chọn đi du học luôn thay vì học chương trình liên kết quốc tế như vậy.

Tân sinh viên K14 của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi làm thủ tục nhập học (Ảnh: Website nhà trường).

Tân sinh viên K14 của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi làm thủ tục nhập học (Ảnh: Website nhà trường).

Để có chương trình phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhà trường cũng đang thực hiện chương trình liên kết quốc tế theo hình thức 2+2 (2 năm học tại Việt Nam và 2 năm học tại trường đối tác ở nước ngoài) và xúc tiến chương trình liên kết quốc tế theo hình thức 3+1. Thế nhưng, dù đã có những thay đổi cho phù hợp, thầy Thanh chia sẻ, số người quan tâm đăng ký tham gia vẫn không được như trước kia.

Nói về lý do khiến ngày càng ít người học lựa chọn chương trình liên kết quốc tế, thầy Phan Huy Tiến – Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) chia sẻ, các chương trình liên kết quốc tế có học phí cao, thường gấp khoảng 2-3 lần so với chương trình đại trà, tuy nhiên, chất lượng, môi trường học tập lại không đáp ứng tương đương được như tại các trường đối tác ở nước ngoài.

Theo thầy Tiến, trên thực tế, có thể thấy rằng, chất lượng đầu vào của nhiều chương trình liên kết quốc tế còn thấp hơn chương trình đại trà với điểm chuẩn đầu vào thấp hơn, nhưng khi vào học lại học 100% bằng tiếng Anh nên việc đào tạo sẽ không hiệu quả.

Nhiều người học đã dần không còn muốn lựa chọn chương trình không đảm bảo chất lượng như vậy, thay vào đó, họ sẽ lựa chọn học chương trình tiêu chuẩn hoặc đi du học. Thực trạng này có thể nhìn ra tại được nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay khi lượng tuyển sinh giảm, nhiều cơ sở phải thông báo tuyển bổ sung. Dần dần, các chương trình học như chương trình liên kết quốc tế sẽ khó có thể còn tồn tại.

Cần tăng cường minh bạch hóa các chương trình liên kết quốc tế

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên khi tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã đưa ra một số giải pháp.

Trước hết, cần giảm chi phí đào tạo. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các trường đại học trong việc triển khai chương trình liên kết quốc tế. Nhờ vậy sẽ giúp giảm chi phí đào tạo cho người học, thu hút nhiều người học hơn tham gia chương trình.

Không những vậy, cần nâng cao chất lượng chương trình. Các trường đại học cần chú trọng nâng cao chất lượng chương trình liên kết quốc tế. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên thế giới, xây dựng chương trình học phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông, tư vấn. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn về chương trình liên kết quốc tế. Từ đó, sẽ giúp người học hiểu rõ hơn về chương trình để có sự lựa chọn phù hợp.

Tiến sĩ Kim Hoàng Giang cũng đưa ra một số kiến nghị để khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế.

Theo thầy Giang, cần tiếp tục đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục thông qua liên kết đào tạo và tập trung, lựa chọn lựa chọn những đối tác và chương trình uy tín để hợp tác.

Giải pháp này không chỉ giúp "nhập khẩu" thành công giáo trình, giảng viên, hệ kiến thức và kỹ năng chuẩn quốc tế, mà còn góp phần tác động lan tỏa tích cực đến hoạt động đào tạo trong nước như chuẩn hóa chương trình tiệm cận quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao các yếu tố đảm bảo chất lượng chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam để thông qua đó nâng tầm chất lượng đào tạo nói chung, thu hút được người học trong bối cảnh giáo dục đại học của Việt Nam đang có nhiều chuyển biến.

Hơn nữa, cần rõ ràng, minh bạch hóa các cơ sở đào tạo, các chương trình quốc tế nhằm bảo đảm chất lượng thực trong liên kết đào tạo quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông, tiếp thị tốt các chương trình liên kết quốc tế để thu hút người học.

Tường San