Chưa đưa ra mức học phí năm 2023-2024 vì trường ĐH lo tăng rồi lại hoàn trả SV

11/05/2023 06:48
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyết định của Chính phủ, nhà nước cần phải được ra từ sớm ngay trước đầu năm học, tránh xảy ra việc các trường phải hoàn trả lại học phí như năm học 2022-2023.

Năm học 2022-2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra mức học phí trong đề án tuyển sinh của mình theo lộ trình tăng học phí của Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng, đến 20/12/2022, Chính phủ mới đưa ra Nghị quyết 165/NQ-CP, theo đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu của năm học 2021-2022.

Việc này đã khiến nhiều trường học sau khi thu học phí và chi trả các khoản đã đưa ra từ đầu năm học phải bù lỗ để hoàn trả lại cho sinh viên. Không những vậy, đây cũng là lý do khiến các trường rơi vào thế bị động, khó đưa ra được mức học phí cho năm học 2023-2024 sắp tới.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, năm học 2023-2024 tới, trường dự kiến không tăng học phí, mức học phí có thể sẽ bằng với năm học 2021-2022. Mức học phí sẽ được tính theo dự toán kinh tế kỹ thuật của trường và các quy định hiện hành.

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Nhưng nhìn nhận từ thực trạng của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, thầy Bình cho rằng, các trường đại học đã phải đứng trước nhiều khó khăn khi Chính phủ đưa ra Nghị quyết 165/NQ-CP ban hành ngày 20/12/2022 về việc các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu của năm học 2021-2022.

Việc này đã khiến các trường ở thế bị động, nhiều cơ sở đã chi các khoản phí theo chiến lược đã được đưa ra trước đó rồi phải bù lỗ ra để hoàn trả học phí cho sinh viên. Nếu như quyết định của Chính phủ được đưa ra sớm từ đầu năm học, các trường đã giảm bớt được gánh nặng, khó khăn cho mình.

Không chỉ đối với các đại học/trường đại học của nước ta mà tại các nước trên thế giới hiện nay, nguồn thu chính của nhà trường vẫn đến từ học phí. Do vậy, một số trường đại học trong nước đã phải tăng học phí để đảm bảo được nguồn thu. Tuy nhiên, khi đưa ra mức học phí, các trường cũng tính toán một cách phù hợp vì còn phải tính đến sự cạnh tranh cũng như tình hình xã hội.

Bên cạnh nguồn thu chính từ học phí, để đa dạng thêm nguồn thu, trường đào tạo theo định hướng nghiên cứu nhiều như Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang tăng thêm các nguồn thu từ các dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ đào tạo ngắn hạn, các nghiên cứu khảo sát, điều tra, phân tích mẫu, tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp,...

Những nguồn thu có thể gia tăng liên quan đến tri thức theo đặc thù của trường đều được nhà trường cố gắng tận dụng triệt để.

Hơn nữa, khác với các trường đào tạo khối ngành xã hội, kinh tế,..., đối với đặc thù của trường đào tạo khối ngành khoa học cơ bản như Trường Đại học Khoa học tự nhiên, các hoạt động học tập thực hành thí nghiệm là rất nhiều nên cũng đòi hỏi chi phí cao nhất định cho các máy móc, trang thiết bị,... để đảm bảo hoạt động học tập, giảng dạy.

Mặt khác, tình hình kinh tế, thu nhập hiện nay của nhiều gia đình tại nước ta hiện nay vẫn còn thấp, đặc biệt là sau 2 năm ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19. Do vậy, nhà trường cũng rất mong có thể gia tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ của mình khác để giảm bớt gánh nặng về học phí cho sinh viên và phụ huynh.

Thế nhưng, nhìn nhận từ thực tế, thị trường khoa học công nghệ của nước ta hiện nay chưa được phát triển mạnh mẽ, chưa thể trông đợi có nguồn thu cao từ việc chuyển giao công nghệ hay các dịch vụ khoa học công nghệ ,...

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thực trạng của các trường thuộc khối ngành khoa học cơ bản hiện nay là nhu cầu xã hội không được cao, những năm trước tuyển sinh rất khó khăn nên các trường thuộc khối ngành đặc thù này cần phải chú trọng nhiều hơn vào nguồn tuyển cũng như công tác tuyển sinh của mình.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn, Đại học Đà Nẵng là một trong những trường đã đưa ra mức học phí tăng theo lộ trình vào năm 2022 nhưng đã phải hoàn trả lại học phí cho người học theo Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ.

Năm học tiếp theo, học phí của trường vẫn sẽ thực hiện theo đúng lộ trình của Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do trường trực thuộc Đại học Đà Nẵng và chưa tự chủ hoàn toàn nên mức học phí vẫn phải đợi Đại học Đà Nẵng quyết định.

Theo thầy Phan Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng trường, việc không được tăng học phí đã làm giảm nguồn thu của trường, ảnh hưởng đến nguồn chi cho nhiều khoản phí hoạt động của trường.

Cũng giống như nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay, trường cũng đang cố gắng đa dạng thêm nguồn thu của mình để đảm bảo hướng tới tự chủ tài chính từ các dịch vụ, khoa học và công nghệ.

Nhưng việc tìm kiếm các đề tài, dự án đối với các đại học/trường đại học hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do phải phụ thuộc vào các nguồn lực.

Về chủ đề nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, theo kế hoạch, ngày 12/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.

Hội thảo sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ, trong khung giờ từ 07h45 – 17h00.

Nội dung Hội thảo tập trung vào những vấn đề chính sau:

- Cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển: Vai trò của Nhà nước về nguồn lực cho giáo dục đại học;

- Nguồn lực con người cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực lý tưởng cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực công nghệ cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Quyền tự chủ đại học và Nghị định 60 về cơ chế tài chính của đơn vị sự công lập;

- Phát triển giáo dục đại học ngoài công lập trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học;

- Triển khai mô hình PPP trong giáo dục đại học: Cơ hội, thách thức và rào cản;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học;

- Các vấn đề liên quan

Tường San