Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận 53,19% phiếu tín nhiệm thấp, có bất thường?

18/12/2023 06:34
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn 50% số phiếu là tín nhiệm thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng bất thường.

Ngày 15/12, căn cứ Khoản 6 Điều 19 Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận kết quả phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh đăng tải kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 13/12), ông Lê Duy Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có 19 phiếu tín nhiệm cao (40,43%); 2 phiếu tín nhiệm (4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (53,19%).

Số phiếu tín nhiệm thấp quá bán là bất thường?

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Duy Thành cho rằng, kết quả 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp ông nhận được quá bất thường so với những lần lấy phiếu trước đây. “Tôi không bao giờ nghĩ đến kết quả như vậy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, cũng khẳng định không nghĩ đến kết quả như vậy” - ông Thành nói. [1]

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, ông Lê Duy Thành là người có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất và phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Ông cũng là trường hợp duy nhất trong tỉnh nhận quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp.

Theo ông Thành, những lần lấy phiếu trước đây, ông đều đạt tín nhiệm cao, “nên kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường”. Vì vậy, các cơ quan đang xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu. Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc làm rõ vấn đề bất thường về kết quả tín nhiệm thấp của ông.

Thiết kế: Thành An.

Thiết kế: Thành An.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đợt lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 12/2018, khi ông Lê Duy Thành đang là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cũng có kết quả đứng ở “top” giữa, với 33 phiếu tín nhiệm cao (67,36%); 9 tín nhiệm (18,36%); 6 tín nhiệm thấp (12,24%).

Theo dangcongsan.vn, sáng ngày 30/10/2020, tại Kỳ họp thứ 18 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021, ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh được giới thiệu và bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với 100% (47/47) số phiếu đồng ý. [2]

Kinh tế - xã hội năm 2023: 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Tại kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khoá XVII, 10 giờ 30 phút ngày 14/12, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra với 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là kết quả thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD với số vốn FDI tăng cao so với năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra; số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm.

Ngoài ra, các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch được tích cực đẩy mạnh; công tác cải cách hành chính, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm. Riêng đối với chỉ tiêu thu ngân sách, từ nay đến hết 31/12, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ dồn sức, đẩy mạnh khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch. [3]

Qua khảo sát của phóng viên về kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở một số địa phương vừa qua, cũng cho thấy ông Lê Duy Thành là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tiên trên toàn quốc nhận được hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp.

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá có số phiếu tín nhiệm cao là 76/80 (95% số phiếu); 3 phiếu tín nhiệm (3,75% số phiếu); 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,25% số phiếu).

Theo tienphong.vn, ngày 16/12, một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 28 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bầu, hai cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì có dấu hiệu bất thường. [4]

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, sáng ngày 7/12, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu. Kết quả, ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có 63 phiếu tín nhiệm cao (chiếm gần 95,5% tổng số phiếu thu về), 3 phiếu tín nhiệm (chiếm gần 4,5% tổng số phiếu thu về) và 0 phiếu tín nhiệm thấp (0%).

Ngày 8/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức Kỳ họp thứ 19. Kỳ họp cũng thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 đại biểu giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 đại biểu giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu cho thấy, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có 51/57 phiếu tín nhiệm cao (89,47%), 5 phiếu tín nhiệm (8,77%), 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,75%).

Ngày 20/10, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có 49 phiếu tín nhiệm cao (92,45%); 2 phiếu tín nhiệm (3,77%) và 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,88%).

Trước đó, ngày 04/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp chuyên đề thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV đối với 28 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu. Kết quả cho thấy, ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có 60 phiếu tín nhiệm cao (98,36%), 1 phiếu tín nhiệm (1,64%) và 0 phiếu tín nhiệm thấp (0%).

Bức tranh Kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc trong những năm ông Lê Duy Thành làm Chủ tịch tỉnh ra sao?

Ông Lê Duy Thành (sinh năm 1968) quê xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, trình độ tiến sĩ kinh tế.

Tháng 12/2013, ông được Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016.

Trước đó, ông Lê Duy Thành từng kinh qua nhiều chức vụ tại tỉnh Vĩnh Phúc, như Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc; Bí thư Huyện ủy Lập Thạch; Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Lĩnh vực phụ trách của ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được mô tả trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp màn hình.

Lĩnh vực phụ trách của ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được mô tả trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp màn hình.

Với chuyên môn của một tiến sĩ kinh tế, từ năm 2020 đến nay (giai đoạn ông Lê Duy Thành chính thức trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc), đã góp phần tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc, vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 cho thấy, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc phục hồi và tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm, 6 tháng đầu năm đạt mức tăng 14,71% so cùng kỳ, cao nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 cả nước.

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,27 triệu đồng/người, tăng 8,8 triệu đồng/người, tương đương tăng 8,30% so với năm 2020.

Về đầu tư, xây dựng và phát triển doanh nghiệp: Vốn đầu tư: Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt 45.691 tỷ đồng, tăng 5,25% so với năm trước.

Xây dựng: Ước tính tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành năm 2021 đạt 26,37 nghìn tỷ đồng, tăng 9,90% so với năm trước.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp: Tính đến ngày 15/12/2021, toàn tỉnh có 1.169 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 12.337 tỷ đồng, giảm 3,39% về số doanh nghiệp nhưng tăng 39,68% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Một số vấn đề xã hội: Công tác giải quyết lao động, việc làm: Ước năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 16.080 lao động, đạt kế hoạch đề ra.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội: Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, cho thấy, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt mức tăng khá, ước tăng 9,54% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,41%, khu vực dịch vụ tăng 9,61%.

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11,49% so với năm 2021. Quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc đứng thứ 6 vùng Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước.

Quy mô GRDP bình quân đầu người ước đạt 127,85 triệu đồng/người, tăng 12,62 triệu đồng/người, tương đương tăng 10,95% so với năm 2021, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và tiếp tục duy trì vị trí thứ 9 cả nước về GRDP bình quân đầu người.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Năm 2022, tỉ trọng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 48,99% trong GRDP theo giá hiện hành; khu vực dịch vụ chiếm 21,83%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,21%; thuế sản phẩm chiếm 23,97% (Cơ cấu năm 2021 tương ứng là: 47,29%; 21,82%; 5,84%; 25,05%).

Một số vấn đề xã hội: Công tác giải quyết lao động, việc làm: Ước năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 19.730 lao động, bằng 116,1% so với kế hoạch và tăng 4% so với năm 2021.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội: Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước tính giảm còn 1,08% (giảm 0,43% so với năm 2021).

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023, liên tiếp trong quý II và quý III vừa qua, nền kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có dấu hiệu phục hồi, bật tăng trưởng dương.

Trong 11 tháng của năm 2023, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện ước đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 24,46%. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 679 tỷ đồng, giảm 0,68%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 429 tỷ đồng, tăng 56,02%, vốn ngân sách cấp xã đạt 147 tỷ đồng, tăng 194,11% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng của năm 2023 ước đạt 8.361 tỷ đồng, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm trước và đạt 77,38% kế hoạch. Tỉ lệ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cao nhất ở các công trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) với 281,4 tỷ đồng, hoàn thành 71,06% kế hoạch giao. Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 4.213 tỷ đồng, tăng 5,66%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 3.165 tỷ đồng, tăng 32,79%, vốn ngân sách cấp xã đạt 983 tỷ đồng, tăng 118,38% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69% và 9 tháng đầu năm tăng 2,1%; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%. Tính chung cả 9 tháng: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; Khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; Khu vực dịch vụ tăng 8,43%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.

Về thương mại, dịch vụ: Tháng 11/2023, thị trường hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn có xu hướng sôi động hơn. Kết quả kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt với doanh thu tiếp tục tăng so với tháng trước và tăng khá so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 73.872,7 tỷ đồng, tăng 19,48% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải ước đạt 5.575,8 tỷ đồng, tăng 18,86% so với cùng kỳ...Nghị quyết 96

Điều 6 Nghị quyết 96 quy định về Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, gồm các nội dung sau đây:

a) Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, công tâm, khách quan, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm;

c) Việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gồm các nội dung sau đây:

a) Kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát;

c) Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;

d) Kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, về chất vấn và các nghị quyết, kết luận khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện các cam kết và các vấn đề đã hứa (nếu có).

Cũng theo quy định tại Nghị quyết 96, hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, theo quy định, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Điều đáng nói, nếu như ở quy trình lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá theo ba mức là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “không tín nhiệm” thì ở quy trình bỏ phiếu tín nhiệm chỉ còn hai mức: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/chu-tich-vinh-phuc-ket-qua-tin-nhiem-thap-voi-toi-qua-bat-thuong-4689438.html

[2] https://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/tin-hoat-dong/dong-chi-le-duy-thanh-giu-chuc-chu-tich-ubnd-tinh-vinh-phuc-566906.html

[3] https://vinhphuc.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/pPrintTinTuc.aspx?UrlList=/ct/cms/tintuc/Lists/ThoiSuChinhTri&ItemID=12923

[4] https://tienphong.vn/ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-chu-tich-tinh-vinh-phuc-co-bat-thuong-post1596323.tpo

Thành An