Ông Lê Như Tiến: Không vì tín nhiệm chưa cao mà ”dội nước lạnh” vào nhiệt huyết

24/10/2023 20:40
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Lê Như Tiến, kết quả lấy phiếu tín niệm cũng phụ thuộc vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, không phải căn cứ duy nhất để đánh giá.

Kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6/2013 (Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII) đến nay, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Và lần này, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sẽ là lần thứ 4 Quốc hội tiến hành công việc quan trọng này.

3 lần lấy phiếu tín nhiệm, khối Chính phủ có nhiều vị trí có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” lớn hơn

Ở lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên (Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV), trong số 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước có 47 chức danh tham gia lấy phiếu tín nhiệm, còn 2 chức danh khác chưa được lấy phiếu do thời gian thực thi nhiệm vụ, quyền hạn chưa đủ (mới dưới một năm).

47 chức danh bao gồm: Khối Chủ tịch nước 2, khối Quốc hội 17 (lãnh đạo Quốc hội 5, thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12), khối Chính phủ 26 (gồm 5 lãnh đạo Chính phủ, 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành), khối Tư pháp có 2 vị trí.

Cộng cả 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, thì tất cả 47 chức danh (người) đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên, người cao nhất tới 97,59%, người đạt thấp nhất cũng được 56,63%.

Có 43/47 chức danh đạt từ 70% trở lên, trong đó: Khối Chủ tịch nước 2/2, khối Quốc hội 17/17, khối Chính phủ 22/26, khối Tư pháp 2/2. Còn 4 chức danh đạt dưới 70% (trong đó có lãnh đạo chủ chốt cơ quan hành pháp).

Đáng lưu ý là, có 10 chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều, từ 99 phiếu (20%) trở lên, tất cả đều thuộc khối Chính phủ, gồm người đứng đầu và 9 Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm là vào tháng 11/2014 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII). Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương, gồm có: Khối Chủ tịch nước 2, khối Quốc hội 18, khối Chính phủ 26, khối Tư pháp 2 và Kiểm toán Nhà nước 1 người.

Cộng 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” thì tất cả 50 chức danh đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên; chức danh đạt cao nhất tới 98,19%, chức danh thấp nhất cũng đạt 61,37% (khoảng cách giữa 2 chức danh đạt cao nhất và thấp nhất được thu hẹp, lần thứ nhất là 40,96%, lần thứ hai còn 36,82%).

Có 33/50 chức danh đạt từ 90% trở lên ở hai mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, trong đó: khối Chủ tịch nước 2/2, khối Quốc hội 17/18, khối Chính phủ 13/26, khối Tư pháp 1/2, Kiểm toán Nhà nước: Không.

Trong đó, vẫn còn 7 chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” từ 100 phiếu trở lên thuộc bên hành pháp.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần thứ ba vào ngày 25/10/2018. Số lượng chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm 50 người, nhưng tham gia lấy phiếu lần này chỉ có 48 người (2 chức danh là Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới được bầu, phê chuẩn nên chưa được lấy phiếu tín nhiệm lần này).

Kết quả, cộng cả 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, thì tất cả 48 chức danh đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên, không có chức danh nào bằng hoặc dưới 50% so với tổng số đại biểu.

Tuy vậy, vẫn còn chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” (từ 100 phiếu trở lên).

Tổng hợp tỉ lệ lấy phiếu tín nhiệm (%) qua ba lần lấy phiếu trước đây. [1,2,3]

Tổng hợp tỉ lệ lấy phiếu tín nhiệm (%) qua ba lần lấy phiếu trước đây. [1,2,3]

Theo bảng quy đổi tỉ lệ phần trăm từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, khối Chính phủ có nhiều vị trí có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” lớn hơn.

Lần đầu tiên, có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (41,97% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (35,54% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Y tế (29,32% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Công Thương (25,7% “tín nhiệm thấp”)...

Lần thứ hai, Bộ trưởng Bộ Y tế (38,63% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (30,99% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (29,98% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Công Thương (20,52% “tín nhiệm thấp”)...

Lần thứ ba, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (28,25% “tín nhiệm thấp), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (22,06% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (20% “tín nhiệm thấp”), Bộ trưởng Bộ Y tế (10,93% “tín nhiệm thấp”).

Trong khi đó, ở cả ba lần lấy phiếu tín nhiệm, khối Quốc hội đều có kết quả “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” tích cực hơn. Tỉ lệ “tín nhiệm thấp” thường chỉ loanh quanh từ 1-7%, riêng có một trường hợp cao nhất là 10,46%.

Không vì tỉ lệ “tín nhiệm” chưa cao mà “dội gáo nước lạnh” vào nhiệt huyết

Chia sẻ xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, ông Lê Như Tiến cho biết: “Thứ nhất, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, mỗi bộ máy trong hệ thống chính trị.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nghĩa là Chính phủ nắm quyền thống nhất quản lý, chỉ đạo, điều hành các mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trước hết là quyết định những vấn đề về chủ trương, cơ chế, chính sách, thể chế quản lý hành chính Nhà nước.

Mà đã chỉ đạo, điều hành có nghĩa là tham gia trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế,... Đã trực tiếp chỉ đạo, có nghĩa, phải xử lý những công việc cụ thể.

Như vậy, với các vị trí không trực tiếp xử lý công việc hằng ngày, người dân, cử tri sẽ không hiểu hết, vì thế, qua các lần lấy phiếu tín nhiệm, các cơ quan của Quốc hội có số phiếu”tín nhiệm”, “tín nhiệm cao” cao hơn so với các vị trí hoạt động trong các cơ quan của Chính phủ, hay các Bộ ngành”.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

“Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, chúng ta cũng nên có sự thông cảm, chia sẻ với những vị trí có số phiếu “tín nhiệm thấp” lớn hơn các vị trí khác.

Đồng thời, cũng không nên căn cứ vào số phiếu tín nhiệm cao hơn hay chưa cao bằng để đánh giá. Đó không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá, là chỉ là một căn cứ, và cần phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác.

Quan trọng nhất, phải căn cứ vào mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Nếu cơ quan lập pháp hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, thì đánh giá tốt. Còn phía Chính phủ, nếu đánh giá các thành viên hoàn thành chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, chức năng của chính Bộ ngành mình với tư cách là tư lệnh ngành, hoàn thành các chỉ tiêu, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao phó, cũng đánh giá hoàn thành tốt, chứ không chỉ căn cứ duy nhất vào phiếu tín nhiệm” - ông Tiến phân tích thêm.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng: “Chúng ta cũng cần có góc nhìn toàn diện hơn.

Những cơ quan ít tiếp xúc với dân, ít có sự trao đổi trực tiếp với cử tri nhân dân hơn, thì thường người dân cũng không hiểu hết. Còn những vị trí thường xuyên có sự tương tác, ví dụ trong một ngành, một lĩnh vực nào đó, người dân cảm thấy chưa được xử lý tốt, thường sẽ có phản ánh. Trong khi đó, thực tế, có những phản ánh của cử tri là đúng, cũng có những phản ánh chưa đúng hoặc chỉ đúng một phần, nên cần có cái nhìn khách quan.

Bởi, nhìn trên thực tế, các cơ quan thường xuyên phải tiếp dân, thì dân thường có ý kiến nhiều hơn, phàn nàn nhiều hơn. Còn các cơ quan ít có tiếp xúc thì người dân thường ít có phản ánh hơn. Điều này cũng do đặc thù và tính chất, cũng như chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan”.

“Khi có những vị trí chưa có phiếu tín nhiệm cao lắm, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Đồng thời, có sự đánh giá đúng mức, và có sự chia sẻ, động viên, để họ nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt tình trong công tác. Chứ không vì phiếu tín nhiệm chưa cao mà “dội gáo nước lạnh” vào nhiệt huyết của họ - đó là cách nhìn không chuẩn mực” - ông Lê Như Tiến thẳng thắn bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://quochoi.vn/hoidongdantoc/cacphienhop/Pages/home.aspx?ItemID=5806

[2] https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-cong-bo-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-102174169.htm

[3] https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=37870

Thành An