Chủ tịch HĐGS liên ngành kiến nghị có tiêu chí xét GS, PGS riêng từng ngành

07/12/2023 06:37
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo GS.TS Phạm Văn Đức, trước hết cần phân biệt khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Từ đó có tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS riêng cho từng ngành.

Từ khi có Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, yêu cầu về số lượng bài báo khoa học quốc tế đăng trên tạp chí uy tín cũng là thách thức với một số ngành, đặc biệt là ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.

Những năm gần đây, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn có xu hướng giảm. Đáng chú ý, năm 2023 có 6 ngành/ liên ngành “trắng” giáo sư (Dược học, Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Triết học - Xã hội học - Chính trị học và Văn học).

Thực trạng này đặt ra lo ngại vấn đề mất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành/ lĩnh vực cũng như ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo các thế hệ kế cận, đặc biệt là trình độ sau đại học.

Nhiều ứng viên gặp khó vì tiêu chuẩn bài báo quốc tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học cho hay: Tiêu chuẩn về bài báo quốc tế chính là rào cản lớn nhất khiến các ứng viên thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn gặp khó khăn khi xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Năm 2023, liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học học có 14 ứng viên được công nhận chức danh phó giáo sư, không có ứng viên nào xét công nhận chức danh giáo sư. Trong đó, có 6 phó giáo sư ngành Triết học, 5 phó giáo sư ngành Chính trị học và 3 phó giáo sư ngành Xã hội học.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học. (Ảnh: website Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học. (Ảnh: website Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Năm 2022, liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học có 1 ứng viên được công nhận chức danh giáo sư (ngành Triết học); 4 ứng viên được công nhận chức danh phó giáo sư (3 phó giáo sư ngành Xã hội học, 1 phó giáo sư ngành Chính trị học)

Năm 2021, liên ngành này có 1 ứng viên được công nhận chức danh giáo sư (thuộc ngành Xã hội học); 4 ứng viên được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Triết học.

Năm 2020, liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học cũng chỉ có 4 ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư. Trong đó có 1 phó giáo sư ngành Triết học và 3 phó giáo sư ngành Chính trị học.

“Liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học mặc dù vẫn có giáo sư nhưng số lượng không nhiều. Nguyên nhân là vì tiêu chuẩn xét công nhận có yêu cầu về bài báo quốc tế nên các ứng viên không đáp ứng được. Hầu hết các ứng viên chỉ gặp khó khăn với tiêu chuẩn này còn các tiêu chuẩn khác họ đều có thể vượt qua”, thầy Đức thông tin.

Cũng theo thầy Đức, số lượng giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn hạn chế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đào tạo các thế hệ kế cận, nhất là trình độ sau đại học.

“Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học muốn đào tạo trình độ tiến sĩ thì phải có phó giáo sư, giáo sư. Tuy nhiên, với chế độ nghỉ hưu như hiện nay thì nhiều trường nguy cơ sẽ không có giáo sư, phó giáo sư.

Nhiều cơ quan nghiên cứu của Nhà nước số lượng giáo sư cũng rất ít. Ví dụ như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện chỉ còn duy nhất 1 giáo sư đang trong thời gian kéo dài... Nếu các ngành Khoa học xã hội và nhân văn số lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng ít đi chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới việc đào tạo các thế hệ kế cận, nhất là trình độ sau đại học”, thầy Đức nhấn mạnh.

Theo Khoản 1, Điều 4, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định, giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và những quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với các học phần, môn học (sau đây gọi chung là học phần) đảm nhiệm trong chương trình đào tạo;

c) Có năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và triển khai những hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm trong chương trình đào tạo tiến sĩ.

Người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng thêm những yêu cầu sau:

a) Có thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ từ 01 năm (12 tháng) trở lên kể từ khi có bằng tiến sĩ;

b) Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ của 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành (sau đây gọi chung là tác giả chính);

c) Đối với giảng viên giảng dạy những chương trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật có thể thay thế yêu cầu tại điểm b khoản này bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do nhà nước trao tặng.

Cần có tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư riêng cho từng ngành

Theo Chủ tịch hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học để khắc phục tình trạng thiếu giáo sư, phó giáo sư ở các ngành Khoa học xã hội và nhân văn như hiện nay cần phải thay đổi quy định về tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, tiêu chuẩn cần thay đổi chính là bài báo quốc tế. Đặc biệt, cần đặt chất lượng nghiên cứu của các ứng viên lên hàng đầu thay vì chạy theo tiêu chuẩn đăng bài bằng tiếng Anh.

“Tiêu chuẩn quan trọng nhất là phải xem làm sao đánh giá được thực chất của những người làm công tác nghiên cứu để xét công nhận chứ không phải chỉ căn cứ vào bài báo bằng Tiếng Anh đăng ở tạp chí này, tạp chí kia. Cái quan trọng nhất là thực chất nghiên cứu của họ đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt với các ngành Khoa học xã hội và các ngành nghiên cứu về lý luận chính trị.

Các ngành này việc đăng ở các tạp chí nước ngoài là rất khó. Thứ nhất là bản thân người viết những bài ấy không đủ trình độ ngoại ngữ để có thể đăng. Thứ hai là sự khác biệt về hệ tư tưởng, chính trị nên việc đăng những bài về khoa học xã hội đặc biệt là lý luận chính trị cũng không dễ.

Theo tôi nên có quy định về tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư riêng cho từng ngành. Trước hết cần phân biệt khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật,... Những ngành thuộc các lĩnh vực này đều phải có tiêu chuẩn riêng.

Ví dụ như đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên, việc đăng bài báo quốc tế với họ là chuyện bình thường, không có gì là khó. Thậm chí có người 1 năm đăng cả chục bài thế nhưng ở lĩnh vực Khoa học xã hội việc đăng bài rất khó nên phải có những tiêu chuẩn riêng cho từng ngành”, thầy Đức nếu quan điểm.

Cũng theo thầy Đức, dù đăng bài quốc tế hay bài trong nước thì vấn đề quan trọng nhất là cần đánh giá về thực chất nghiên cứu đó đóng góp được những gì cho sự phát triển của đất nước cũng như cho ngành.

Ngoài ra, theo Chủ tịch hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học, Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu tiên đối với những ngành mà xã hội cần nhưng số lượng người học lại quá ít.

“Thực ra trước đây việc tuyển các học sinh vào đại học là căn cứ vào nhu cầu của đất nước. Ví dụ ngành này cần bao nhiêu, ngành kia cần bao nhiêu người và chỉ lấy trong chỉ tiêu ấy thôi. Còn bây giờ là mở cửa tuyển sinh, do vậy những ngành mà đất nước cần thì nên có một chính sách riêng.

Ví dụ như trước đây ngành sư phạm đã có chính sách ưu tiên nên số người thi vào sư phạm đông hơn. Vì thế, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng để phát triển các ngành. Đối với giáo sư, phó giáo sư cũng vậy, cần có quy định, quy chế có tính chất đặc thù riêng của từng ngành để khuyến khích”, thầy Đức nhấn mạnh.

Theo thầy Đức nếu chỉ có một quy định cứng chung cho cả 28 ngành/ liên ngành thì sẽ không hợp lý vì mỗi lĩnh vực có một phạm vi hoạt động, nghiên cứu khác nhau. Hơn nữa với tiêu chuẩn bài báo quốc tế, các hội đồng đều căn cứ chủ yếu xem các tạp chí đó có thuộc danh mục ISI/Scopus hay không. Còn nếu đi vào thực chất xem bài đó có đóng góp gì cho ngành thì hầu như đều chưa đáp ứng được.

Năm 2023 là năm thứ 5 chính thức áp dụng Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định hiện hành, quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Cấp cơ sở (trường - cụm trường, viện nghiên cứu), cấp ngành - liên ngành và cấp Nhà nước. Ứng viên nộp hồ sơ cho Hội đồng cơ sở để xét từ dưới lên.

Theo Điều 4, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ quy định, tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư như sau:

1. Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác.

2. Thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên:

a) Có đủ thời gian làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định này đối với chức danh giáo sư; khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định này đối với chức danh phó giáo sư;

b) Thời gian giảng viên làm chuyên gia giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài được tính là thời gian đào tạo từ trình độ đại học trở lên nếu có công hàm hoặc hợp đồng mời giảng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian giảng dạy hoặc có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài;

c) Giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 03 năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 03 năm cuối.

3. Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học nhận xét, đánh giá bằng văn bản về các nhiệm vụ giao cho giảng viên, trong đó ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy, hướng dẫn luận án, luận văn, đồ án hoặc khóa luận; về kết quả đào tạo và nghiên cứu của giảng viên.

4. Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

5. Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Quyết định này đối với chức danh giáo sư và khoản 8 Điều 6 Quyết định này đối với chức danh phó giáo sư.

Nhật Lệ