Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có thêm 1 GS và 7 PGS

23/11/2023 09:24
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có thêm 1 GS, 3 PGS ngành Điện-Điện tử-Tự động hóa; 3 PGS ngành kinh tế và 2 PGS ngành CNTT.

Hội đồng Giáo sư nhà nước đã chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 cho 630 nhà giáo.

Theo đó, năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có 1 nhà giáo đạt chuẩn chức danh giáo sư và 7 nhà giáo đạt chuẩn chức danh phó giáo sư.

Cụ thể, giáo sư về ngành Điện-Điện tử-Tự động hóa là thầy Võ Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1979, quê ở Khánh Hòa), hiện là Trưởng phòng Thí nghiệm Thông tin Vô tuyến tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành Điện-Điện tử-Tự động hóa có 2 phó giáo sư là thầy Trương Cao Dũng (sinh năm 1980, quê ở Quốc Oai, Hà Nội, giảng viên Khoa Kỹ thuật Điện tử) và thầy Hoàng Trọng Minh (sinh năm 1970, quê ở Bắc Ninh, Trưởng bộ môn Mạng viễn thông).

3 phó giáo sư ngành Kinh tế gồm cô Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh năm 1979, quê ở Đông Anh, Hà Nội, hiện đang là Phó Viện trưởng bộ môn Marketing, Viện kinh tế Bưu điện); Thầy Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1974, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, hiện đang là Phó Trưởng khoa tài chính kế toán 1); thầy Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1985, quê ở huyện Tuy Phước, Bình Định, hiện thầy đang là trưởng bộ môn Marketing, Khoa Quản trị kinh doanh 2).

2 phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin là thầy Ngô Quốc Dũng (sinh năm 1983, Hà Đông, Hà Nội, hiện đang là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện) và thầy Nguyễn Trọng Khánh (sinh năm 1982, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, hiện đang là giảng viên tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông).

Thầy Nguyễn Quốc Bảo trình bày báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công nghệ trong kỷ nguyên số” do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phối hợp với Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) tổ chức vào năm 2022.

Thầy Nguyễn Quốc Bảo trình bày báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công nghệ trong kỷ nguyên số” do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phối hợp với Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) tổ chức vào năm 2022.

Những điểm nổi bật về Giáo sư Võ Nguyễn Quốc Bảo

Theo hồ sơ xét duyệt giáo sư, phó giáo sư, thầy Võ Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1979, quê ở Khánh Hòa), hiện là Trưởng phòng Thí nghiệm Thông tin Vô tuyến tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về quá trình công tác của thầy Bảo, từ tháng 2/2002 đến tháng 2/2007: Giảng viên tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 3/2007 đến tháng 2/2010: Nghiên cứu sinh tại Đại Học Ulsan, Hàn Quốc .

Từ tháng 3/2010 đến tháng 11/2012: Giảng viên tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 12/2012 đến tháng 3/2016: Phó Trưởng khoa tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 4/2016 đến tháng 6/2023: Trưởng Khoa tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 4/2016 đến tháng 6/2023: Trưởng phòng Thí nghiệm Thông tin Vô tuyến tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Bảo đã tham gia 18 năm giảng dạy trình độ từ đại học trở lên.

Thầy Bảo là cựu sinh viên ngành Điện – Điện Tử, chuyên ngành: Viễn Thông tại trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy được cấp bằng tiến sĩ tại Đại Học Ulsan, Hàn Quốc

Các hướng nghiên cứu của thầy Bảo là thiết kế và đánh giá hiệu năng các kỹ thuật và giao thức liên lạc ở lớp vật lý của các mạng thông tin vô tuyến thế hệ mới. Các vấn đề nghiên cứu chính bao gồm: hệ thống truyền thông chuyển tiếp và hợp tác, kỹ thuật vô tuyến nhận thức, bảo mật lớp vật lý, kỹ thuật thu thập năng lượng, truyền thông gói tin ngắn và độ trễ thấp dùng trong mạng 5G và sau 5G, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải các bài toán ước lượng và tối ưu ở lớp vật lý.

Thầy Bảo đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 2 đề tài cấp Bộ; 15 cấp cơ sở; 1 cấp khác; Đã công bố 220 bài báo khoa học, trong đó 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; Thầy đã xuất bản 5 cuốn sách, thuộc nhà xuất bản có uy tín; Đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ .

Sau 26 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Bưu chính Viễn thông hiện có 15 khoa đào tạo đại học và sau đại học, 3 Viện nghiên cứu và 2 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Học viện hiện có 18 ngành đào tạo. Trước xu thế phát triển và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện sẽ mở thêm nhiều ngành đào tạo mới phù hợp với thực tiễn như: Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ IoT, Mạng Máy tính và Truyền thông (chương trình Kỹ thuật Dữ liệu), Công nghệ Tài chính, …

Với sứ mạng “Sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và công nghệ số, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường” Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định tầm nhìn đến năm 2030 sẽ là trường đại học hàng đầu Việt Nam về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; là hình mẫu tiên phong về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, trở thành trường đại học hàng đầu của khu vực, nằm trong nhóm trường đại học hàng đầu châu Á, nhóm 5 trường đại học hàng đầu Đông Nam Á về công nghệ số.

Mạnh Đoàn