Có thể nhiều trường ĐH phải dừng đào tạo tiến sĩ vì thiếu nguồn GS, PGS bổ sung

30/11/2023 06:31
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít trường ĐH không có đội ngũ GS, PGS bổ sung sau khi nguồn nhân lực cơ hữu về hưu. Điều đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo sau đại học.

Năm 2023 là năm thứ 5 chính thức áp dụng Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (Quyết định 37); và là năm thứ 3 thực hiện Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg (Quyết định 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37.

Các tiêu chuẩn trong Quyết định 37 được đánh giá là khắt khe và yêu cầu cao hơn so với trước đây. Cũng kể từ thời điểm này, số giáo sư, phó giáo sư xét duyệt qua các năm có biến động mạnh so với giai đoạn trước.

Đáng chú ý, năm 2023 có 6 ngành/ liên ngành “trắng” giáo sư bao gồm: Dược học, Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Triết học - Xã hội học - Chính trị học và Văn học.

Không chỉ vậy, số lượng giáo sư, phó giáo sư những năm gần đây đối với các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đang ngày càng giảm. Thực trạng này đặt ra lo ngại vấn đề mất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành/ lĩnh vực cũng như ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo các thế hệ kế cận, đặc biệt là trình độ sau đại học.

Tiêu chuẩn về bài báo quốc tế chỉ nên khuyến khích thay vì bắt buộc

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho hay: Hàng năm hai hội đồng có nhiều giáo sư và phó giáo sư nhất là Kinh tế và Y khoa. Còn các ngành Khoa học xã hội và nhân văn từ khi có Quyết định 37 của Chính phủ thì số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh.

Năm 2023, ngành Ngôn ngữ học chỉ có 4 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, không có ứng viên nào xét công nhận chức danh giáo sư.

Năm 2021, 2022, mỗi năm ngành Ngôn ngữ học cũng chỉ có 2 ứng viên được công nhận chức danh phó giáo sư.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Chừ, ngành Ngôn ngữ học chỉ là một ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Các ngành khác như: Văn học, Lịch sử, Chính trị học,... số lượng giáo sư, phó giáo sư cũng giảm đáng kể so với trước đó.

“Lý do là vì tiêu chuẩn cứng phải có bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Đây là một tiêu chuẩn chưa phù hợp với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Đối với các ngành khoa học tự nhiên, điều đó là đương nhiên bởi hầu hết các giáo sư, phó giáo sư chủ yếu đăng bài ở tạp chí nước ngoài chứ họ hiếm khi đăng ở trong nước. Nhưng các ngành Khoa học xã hội và nhân văn đăng ở tạp chí trong nước nhiều hơn rất nhiều.

Các bài báo ISI/Scopus chỉ nên dừng ở mức độ khuyến khích, ứng viên nào đăng được những bài báo quốc tế có chất lượng cao thì có thể cho điểm cao hơn.

Ví dụ nếu ứng viên có bài đăng ở các tạp chí trong nước điểm cao nhất là 1 thì ứng viên có bài báo quốc tế nếu thực sự tốt, được hội đồng thẩm định đánh giá cao thì có thể cho điểm 2”, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ bày tỏ.

Cũng theo thầy Chừ, sắp tới Hội đồng giáo sư Nhà nước sẽ tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 37 đồng thời các hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành sẽ có những kiến nghị thay đổi để phù hợp hơn.

Thiếu nguồn giáo sư, phó giáo sư bổ sung nguy cơ nhiều trường phải dừng đào tạo tiến sĩ

Việc các ngành Khoa học xã hội và nhân văn có ít giáo sư, phó giáo sư được công nhận mỗi năm sẽ khiến không ít cơ sở giáo dục đại học phải dừng việc đào tạo trình độ tiến sĩ. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc đào tạo thế hệ kế cận, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Mai Ngọc Chừ bày tỏ lo lắng: “Trước đây, giáo sư có thể làm việc đến năm 70 tuổi, thế nhưng với chính sách mới thì nhiều người sẽ dừng lại ở mức 67 tuổi, thậm chí là 65 tuổi. Ở một số trường đại học vừa qua có một loạt giáo sư và phó giáo sư nghỉ, trong khi đội ngũ giáo sư và phó giáo sư bổ sung vào lại rất hạn chế.

Vì vậy ở rất nhiều trường đại học hiện nay có tình trạng các ngành đào tạo tiến sĩ có nguy cơ phải dừng vì không đủ lực lượng giáo sư và phó giáo sư giảng dạy. Đó là một thực tế khiến các nhà giáo dục và xã hội lo lắng”.

Cũng theo thầy Chừ, rào cản lớn nhất hiện nay khiến các ứng viên ngành Ngôn ngữ học nói riêng và các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội nhân văn nói chung là tiêu chuẩn các bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Tuy nhiên, quy định này cũng gây ra không ít bất cập.

“Không phải bài nào cứ đăng ISI/Scopus là tốt vì có một thực tế đôi khi những bài đăng ở tạp chí ngôn ngữ bị từ chối nhưng lại đăng được ở nước ngoài vì mục tiêu, mục đích của các tạp chí khác nhau.

Hơn nữa có cung thì ắt có cầu, một số tạp chí ISI/Scopus ở nước ngoài chỉ cần nộp tiền vào là có thể đăng. Hoặc có những tạp chí năm nay thuộc danh mục ISI/Scopus nhưng sang năm lại không nằm trong danh mục này nữa.

Một số phó giáo sư muốn đăng bài thì phải nộp tiền, thậm chí số tiền lớn. Điều đó gây ra nhiều bất cập khiến Hội đồng Giáo sư các ngành vừa qua đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để rà soát từng bài một xem chất lượng như thế nào, tạp chí có thuộc danh mục ISI/Scopus không”, thầy Chừ nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cũng cho biết thêm hiện nay, có 2 luồng ý kiến đối với các tiêu chuẩn cứng của Quyết định 37.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng yêu cầu về bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus là yêu chung đối với tất cả các ngành. Tuy nhiên, không nên đặt nó là tiêu chuẩn cứng mà chỉ nên khuyến khích các ứng viên có.

Thứ hai, cũng có ý kiến cho rằng cần có những quy định cụ thể cho từng ngành/ lĩnh vực. Với các ngành thuộc khoa học tự nhiên, yêu cầu về các bài báo quốc tế không quá khó, có thể giữ nguyên. Còn đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có thể chuyển thành khuyến khích các ứng viên đạt được.

Ngoài ra, theo thầy Chừ, rất khó để cân bằng số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành với nhau vì mỗi ngành có đặc thù riêng và có phạm vi hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, vừa qua có sự chênh lệch quá lớn giữa hai lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội và nhân văn thì cần có sự điều chỉnh để hợp lý hơn.

“Đặc trưng của lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn gắn với Việt Nam. Nếu đưa một tiêu chuẩn chung của khoa học tự nhiên mang tính quốc tế, thuần về kỹ thuật sẽ không hợp lý. Thời gian vừa qua với tiêu chuẩn như thế số giáo sư, phó giáo sư của lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đã giảm đi rất nhiều”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cũng kiến nghị dù tiêu chí như thế nào cũng cần đặt chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư lên hàng đầu. Chính vì thế, cần có các Hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành để thẩm định. Đồng thời, không nên lấy tiêu chí này bù cho tiêu chí khác.

“Ví dụ, ứng viên phải đảm bảo đủ số giờ giảng dạy 6 năm, phải nghiên cứu khoa học, có hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ, có đề tài nghiên cứu khoa học…

Ngoài tiêu chuẩn cứng còn có Hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành để thẩm định chất lượng, điều đó rất quan trọng. Hội đồng cũng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm, ứng viên có thể đăng nhiều bài nhưng đôi khi tín nhiệm trong ngành không đạt thì cũng không đủ tiêu chuẩn. Ngoài định lượng là bao nhiêu điểm thì còn cần đến định tính chất lượng các bài báo khoa học thế nào, uy tín khoa học thế nào, tư cách nhà giáo ra sao…. Những điều này nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư”, thầy Chừ nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Chừ, các trường đại học có thể thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao về làm việc bằng các cơ chế riêng. Hiện nay, các trường đều hướng tới tự chủ đại học nên hoàn toàn có thể làm được điều này bằng cách tạo điều kiện về chế độ lương thưởng, chính sách ưu tiên… Đó cũng là một cuộc cạnh tranh giữa các trường đại học hiện nay.

Theo Khoản 1, Điều 4, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định, giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và những quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với các học phần, môn học (sau đây gọi chung là học phần) đảm nhiệm trong chương trình đào tạo;

c) Có năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và triển khai những hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm trong chương trình đào tạo tiến sĩ.

Người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng thêm những yêu cầu sau:

a) Có thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ từ 01 năm (12 tháng) trở lên kể từ khi có bằng tiến sĩ;

b) Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ của 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành (sau đây gọi chung là tác giả chính);

c) Đối với giảng viên giảng dạy những chương trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật có thể thay thế yêu cầu tại điểm b khoản này bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do nhà nước trao tặng.

Nhật Lệ