Cấp phát gạo cho học sinh DTTS đồng loạt khiến nhà trường không đủ kho trữ

08/07/2023 06:43
Thanh Vân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Lê Thị Hoài Lan cho rằng, quy định mới cần linh hoạt, cụ thể hơn với thực tế từng địa phương, từng trường.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (Dự thảo).

Bản dự thảo có nhiều điểm mới so với Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một số trường mầm non, trường phổ thông bán trú, nội trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thể hiện sự đồng tình với điểm mới trong dự thảo Nghị định này.

Đối tượng thụ hưởng có thêm trẻ em nhà trẻ bán trú

So với Nghị định 116, trong dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng thụ hưởng có thêm cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng các chính sách như sau:

Được hỗ trợ tiền để mua giấy, truyện tranh, sáp màu, bút chì, đồ dùng đồ chơi và các đồ dùng học tập khác; chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác cho trẻ em nhà trẻ bán trú với mức kinh phí là 1.350.000 đồng/trẻ em/năm học.

Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của trẻ em nhà trẻ bán trú với mức 5KW điện/tháng/trẻ em và 1m3 nước/tháng/trẻ em theo giá quy định tại địa phương và được hưởng 9 tháng/năm học.

Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho trẻ em.

Được hỗ trợ kinh phí để thực hiện quản lý trẻ em nhà trẻ bán trú buổi trưa theo định mức là 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Ngoài ra, trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ mỗi tháng là 360.000 đồng/em và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Bữa xế của trẻ học tại Trường Mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Bữa xế của trẻ học tại Trường Mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tại Trường Mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), năm học 2022-2023, nhà trường có 8 lớp với 197 trẻ đa số là người dân tộc Mông, chia làm 4 điểm trường (1 điểm trường chính là Dào Xa và 3 điểm trường lẻ cách xa nhau gồm La Phu Khơ, Háng Đăng Dê, Tà Chơ).

Thầy giáo Hoàng Long Giang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Các điểm trường ở cách xa nhau, đa phần cơ sở vật chất ở điểm trường lẻ chưa đảm bảo cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy”.

Chưa kể, từ trước đến nay, trẻ em nhà trẻ đi học không có chính sách hỗ trợ, chỉ giảm học phí đối với hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.

Mỗi năm chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô lại tìm đủ cách vận động xã hội hóa để có kinh phí bổ sung mua vật dụng cho các bé và giúp các bé có môi trường học đầy đủ hơn, bởi đa phần điều kiện hoàn cảnh các bé còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc có thêm chính sách hỗ trợ như dự thảo nêu đi vào thực tiễn sẽ giúp nhà trường bảo đảm đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm lớp, đáp ứng được chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng tỷ lệ chuyên cần và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.

Điểm trường lẻ La Phu Khơ của Trường Mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Điểm trường lẻ La Phu Khơ của Trường Mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thêm hỗ trợ cho học sinh dân tộc bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú

Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) có 116 học sinh bán trú.

Đây là trường chuyên biệt, được thành lập năm 2015 cho con em các dân tộc thiểu số, học sinh bán trú được phép ở lại trường để học tập trong tuần, do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

Với chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, suất ăn của các em đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng hơn, thu hút được các em lớp đông hơn.

Lễ khai giảng của học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Lễ khai giảng của học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Được biết, nhờ nguồn kinh phí theo Nghị định 116, nhà trường đã bổ sung mua sắm một số đồ dùng, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho học sinh bán trú như: tủ cơm điện đảm bảo phục vụ đủ và hợp vệ sinh, phòng ngủ, giường chiếu của học sinh được bố trí đầy đủ đảm bảo cho các em ăn nghỉ tại trường, ngoài ra còn mua một số vật dụng phục vụ ăn uống, hoạt động ngoài giờ cho học sinh bán trú.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Phi, mặc dù có hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ đối với học sinh được ở bán trú, nhưng việc vận động học sinh ra ở còn khó khăn, một số trang thiết bị qua các năm xuống cấp do chưa có kinh phí tu sửa.

Bên cạnh đó, với các em không thuộc hộ nghèo và hộ gia đình nằm trong xã đã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn thì việc học sinh đến trường sẽ ít hơn vì không còn được hỗ trợ.

Vì vậy, theo dự thảo, mức hỗ trợ cho trường phổ thông dân tộc bán trú về cơ sở vật chất; kinh phí mua sắm, sửa chữa dụng cụ học tập; kinh phí tổ chức khám sức khỏe, mua các loại thuốc thông thường; kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh tăng lên, bổ sung thêm hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú sẽ giúp nhà trường xây dựng tốt cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ việc dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước.

Cần nghiên cứu để có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế

Đồng tình với bản dự thảo Nghị định mới, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho rằng những thay đổi mới mang tính cần thiết nhằm giúp học sinh, học viên, gia đình và thầy cô ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi giảm bớt khó khăn.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Yên Bái có 463 cơ sở giáo dục; trong đó có 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô trên 6.800 lớp và trên 222.000 học sinh.

Quy mô, số lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được mở rộng.

Toàn tỉnh hiện có gần 40% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú, bán trú; 7,3% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Với các chính sách mới nêu trong dự thảo phù hợp với tình hình thực tế sẽ tạo nên sự công bằng trong giáo dục và cải thiện chất lượng giáo dục đại trà ở vùng miền núi, tạo nguồn cán bộ có trình độ vững vàng cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng cho rằng: Cần thiết có cơ chế hỗ trợ, đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn về sư phạm và kiến thức từng vùng, từng dân tộc; xây dựng cơ chế đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Thực tế hiện tại ở các trường đang có tình trạng giáo viên vừa dạy vừa “mò mẫm” tìm kiếm thiết bị học tập cho học sinh, một số trường cho học sinh học qua hình thức mô phỏng là chủ yếu, trong khi yêu cầu với một số mô như khoa học tự nhiên cần có dụng cụ thực nghiệm, môn xã hội cần hình ảnh minh họa.

Việc "dạy chay, học chay" sẽ rất thiệt thòi cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Do đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo bày tỏ có thể nâng thêm mức hỗ trợ mua trang thiết bị phục vụ cho môn học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cũng cơ bản đồng ý với bản dự thảo, tuy vậy, cô giáo Lê Thị Hoài Lan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Lục Ngạn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) góp ý thêm: “Theo dự thảo, khoản 3 Điều 6 Chương II quy định chính sách cho dân tộc nội trú, ở mục hỗ trợ gạo, mỗi học sinh được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và khoản 5 Điều 10 Chương III quy định thời gian giao nhận gạo không quá 2 lần/học kỳ (4 lần/năm học).

Thực tế tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Lục Ngạn có khoảng hơn 500 học sinh thì phương thức cấp phát gạo đồng loạt có chỗ bất hợp lý.

Thứ nhất, khi cấp phát gạo theo học kỳ, lượng trữ gạo trong kho rất lớn, trong khi kho lưu trữ của nhà trường thiếu diện tích.

Thứ hai, với trữ lượng lớn gạo để lâu trong kho chất lượng sẽ không đảm bảo cho học sinh sử dụng”.

Cô giáo Lê Thị Hoài Lan cho rằng, quy định mới cần linh hoạt, cụ thể hơn với thực tế từng địa phương, từng trường.

Ví dụ, ở những trường đảm bảo được việc lưu trữ gạo thì có thể cấp phát gạo, còn một số trường chưa có đủ điều kiện thì có thể quy đổi thành tiền giá trị tương đương, nhà trường sẽ chủ động mua theo tháng để học sinh có những bữa ăn chất lượng hơn.

Với một số đóng góp ý kiến của cán bộ giáo viên, mong rằng dự thảo nghị định mới có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để học sinh, học viên, trẻ em và thầy cô vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng đặc biệt khó khăn sớm cải thiện môi trường dạy và học vốn còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn.

Thanh Vân