Cần tôn trọng và có chính sách hợp lí đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư

05/12/2023 06:39
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị quyết 29-NQ/TW từ năm 2013 đã xác định “có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao...”.

Mấy năm gần đây, mỗi kì xét chức danh giáo sư, phó giáo sư là truyền thông chính thống và cả mạng xã hội bàn luận sôi nổi.

Nhiều ý kiến cũng xác đáng, nhiều vấn đề cũng được làm sáng tỏ, và cộng đồng ngày nhận rõ hơn với tiêu chí, cách làm mà xưa nay chỉ có giới hàn lâm mới quan tâm.

Vấn đề liêm chính khoa học cũng ngày càng bàn luận sâu sắc, hướng nền học thuật ngày càng minh bạch, khách quan và hội nhập với thế giới phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những tranh luận theo hướng khách quan, khoa học thì vẫn có những ý kiến cực đoan, thậm chí chỉ trích gay gắt. Những người không liên quan cũng đọc báo, lướt web… bàn luận đủ kiểu.

Nếu nhìn vào cách diễn đạt, bàn tán, cứ tưởng là mọi thứ đã hỏng cả rồi, nên những người xứng đáng đạt tiêu chuẩn trong số đó có rất nhiều người giỏi, có đóng góp lớn có thể cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Và từ đó, việc vinh danh giáo sư, phó giáo sư đâu đó không còn nhiều ý nghĩa...

Cách gọi "phong hàm giáo sư" đã thay đổi từ lâu

Giáo sư (Professor) hay Phó Giáo sư (associate professor) là từ được dùng phổ biến trên thế giới và có sự khác nhau nhất định về tiêu chuẩn, điều kiện, cách làm cũng như quy định về trách nhiệm.

Ngay khi vừa thống nhất đất nước, ngày 11 tháng 9 năm 1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 162-CP về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy đại học và công tác nghiên cứu khoa học.

Căn cứ Quyết định này, 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu đã được nhà nước phong hàm giáo sư đầu tiên của Việt Nam. Cụ thể: Sử học 05 giáo sư; Văn học 03 giáo sư; Triết học 01 giáo sư; Toán học 02 giáo sư; Vật lý 01 giáo sư; Hóa học 01 giáo sư; Y học 14 giáo sư; Nông học 01 giáo sư; Cơ khí 01 giáo sư.

Sau lần phong hàm đầu tiên, từ năm 1980 đến năm 1997, Chính phủ đã có 9 lần tổ chức xét và công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2001/NĐ-CP "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư".

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 về “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

Sau đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg”.

Tiếp đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2018 về “quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg”.

Như vậy, từ năm 2001 đến nay tất cả các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều xác định rõ, “xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” chứ không còn phong học hàm giáo sư, phó giáo sư nữa.

Rất tiếc, nhiều giấy tờ hiện dùng vẫn ghi “học hàm/ học vị” chứ không ghi là “chức danh khoa học”. Tất nhiên, cũng có trường hợp ghi “chức danh khoa học” thì nhiều người không hiểu.

Gần đây xuất hiện một số ý kiến cho rằng, “tại sao không giao về các cơ sở giáo dục đại học thực hiện xét bổ nhiệm mà cần phải có Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước”.

Thật ra, với những quy định hiện hành và thực tế của Việt Nam, rõ ràng cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư chứ không phải Hội đồng hay cơ quan nào khác.

Còn việc xét đạt tiêu chuẩn thì thông qua 3 hội đồng từ cơ sở đến ngành/ liên ngành và cuối cùng là Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Đây là việc làm cần thiết, để đảm bảo tính khách quan, sàng lọc kĩ lưỡng nhằm bảo vệ nền học thuật phát triển lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Các điều kiện, tiêu chuẩn cũng đã được nâng cấp, cập nhật thường xuyên vì mục tiêu nâng cao chất lượng.

Thời gian qua, sau mỗi vòng xét, kết quả cũng đã tuyển chọn và để lại những ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, điều đó đã thể hiện rõ tính khách quan của các Hội đồng. Cần phải nói thêm là khoa học là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi sáng tạo và luôn đổi mới. Do vậy sự khác biệt giữa các góc nhìn như giữa cũ và mới, giữa quan điểm phương Đông và phương Tây, giữa lĩnh vực tự nhiên và xã hội… là đương nhiên.

Chính vì vậy, không thể lấy góc nhìn này áp đặt cho góc nhìn kia. Nhưng cũng không thể bảo thủ, bao biện lấy lí do đặc thù và không chịu thay đổi.

Song khách quan nhìn nhận thì có thể nói trong giai đoạn vừa qua hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện xét giáo sư, phó giáo sư đã được cải tiến đáng kể và đã có lộ trình hội nhập sâu rộng hơn trước.

Nhiều vấn đề rất đáng quan tâm

Vấn đề xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư là 2 việc khác nhau của 2 cơ quan độc lập nhau. Theo đó, việc đạt tiêu chuẩn là điều kiện cần, còn việc cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu bổ nhiệm hay không là việc khác.

Thực tế cho thấy, có những ngành/ khoa của cơ sở giáo dục đại học phát triển mạnh về nghiên cứu, số lượng giảng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư rất nhiều, nhưng nhu cầu về chủ trì ngành, chủ trì đào tạo không nhiều vì tuyển sinh khó.

Ngược lại, có những ngành tuyển sinh rất tốt, giảng viên chủ yếu tập trung giảng dạy, còn nghiên cứu thì rất hạn chế, do đó nhu cầu cần giáo sư, phó giáo sư có nhưng khó có giảng viên đạt tiêu chuẩn.

Trước bối cảnh đó, việc điều tiết giáo sư, phó giáo sư giữa cơ sở giáo dục đại học có dễ thực hiện và hợp lí?

Một giảng viên được cơ sở giáo dục đại học đào tạo, được tạo điều kiện phấn đấu đến khi đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nhưng cơ sở giáo dục đại học đó không có nhu cầu, vậy có “chuyển nhượng” được cho các cơ sở giáo dục đại học khác không?

Một vấn đề khác, khi đạt tiêu chuẩn và được cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, và sau đó được bổ nhiệm ngạch giảng viên cao cấp, nhưng qua một thời gian vì tuyển sinh khó, giảng viên ấy muốn tìm kiếm cơ hội khác ở một cơ sở giáo dục đại học khác. Cơ sở giáo dục đại học đã bổ nhiệm không đồng ý cho đi, giảng viên nghỉ việc và xin về một cơ sở giáo dục đại học công lập khác thì quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm có thực sự thuận lợi?

Rõ ràng rằng, việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo quy định hiện nay là có thời hạn chứ không phải như “học hàm” trước đây.

Với kì vọng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cùng với việc giao nhiệm vụ chuyên môn để chủ trì ngành, dẫn dắt nghiên cứu, tạo ra những hướng đi mới, trường phái riêng theo sứ mệnh, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học.

Nhưng trong thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện được điều này và cũng có nhiều giáo sư, phó giáo sư sau khi đạt tiêu chuẩn, được bổ nhiệm thì không còn mặn mà với nghiên cứu nữa.

Cần chính sách để cải tiến tốt hơn

Hiện nay, có một sự chênh lệch rất lớn đối với giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành, lĩnh vực cũng như nhóm trường và khu vực.

Thống kê danh sách ứng viên xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 qua từng vòng xét duyệt. Bảng: Minh Chi

Thống kê danh sách ứng viên xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 qua từng vòng xét duyệt. Bảng: Minh Chi

Thống kê số lượng ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo vùng kinh tế trong 3 năm vừa qua

Thống kê số lượng ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo vùng kinh tế trong 3 năm vừa qua

Nhìn chung, những ngành tuyển sinh tốt hiện nay là những ngành ít giáo sư và phó giáo sư hơn các ngành khó tuyển sinh. Mặt khác, giữa các vùng, miền thì cũng chênh lệch đáng kể. Số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung chủ yếu ở các trung tâm đào tạo quy mô lớn.

Gần đây, Nghị định 50/2022/NĐ-CP ra đời thay cho Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là giảng viên cao cấp đều được kéo dài không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu.

Điều đó đã tác động không nhỏ đến việc đăng kí xét đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Bởi vì, vấn đề căn bản bây giờ là giảng viên cao cấp chứ không phải giáo sư, phó giáo sư. Nếu đạt tiêu chuẩn phó giáo sư mà không bổ nhiệm ngạch thì cũng không hưởng được quyền lợi gì. Và sau phó giáo sư, giảng viên phấn đấu tiếp để đạt tiêu chuẩn giáo sư cũng chỉ thêm danh chứ không có quyền lợi gì mấy cho cá nhân.

Trong khi hồ sơ, thủ tục trình xét quá nhiều, chưa kể bao nhiêu góc soi chiếu.

Ngược lại một tiến sĩ chỉ cần vượt qua 1 kì thi và được bổ nhiệm ngạch giảng viên cao cấp cũng được tăng lương, được kéo dài thời gian công tác như giáo sư và phó giáo sư!

Trong khi, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo từ năm 2013 đã xác định “có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao...”.

Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn cần chế độ chính sách hợp lí hơn. Song song với việc xây dựng các chính sách hợp lí rất cần sự tôn trọng khoa học và người làm khoa học chân chính. Đôi khi thay đổi văn hoá ứng xử tôn trọng trên các diễn đàn mới chính là gốc rễ để giải quyết mọi vấn đề trong bối cảnh hiện nay.

Hướng Sáng