Không "chiêu mộ" được GS, PGS, trường ĐH địa phương khó trong mở ngành và NCKH

01/12/2023 06:29
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Theo lãnh đạo trường, việc không thú hút được giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến mở ngành đào tạo và hoạt động NCKH.

Theo tìm hiểu, số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội (năm 2023: 288/588 ứng viên, chiếm 48,98%); Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2023: 140/588 ứng viên, chiếm 23,81%) [1]. Điều này tạo ra không ít những khó khăn cho trường đại học gắn với sứ mạng địa phương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, đúng là có sự mất cân đối về số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các tỉnh, thành phố hiện nay, khi phần lớn số lượng này tập trung ở 2 khu vực chính là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc một số cơ sở giáo dục đại học ở địa phương còn hạn chế về số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư dẫn đến gặp khó trong việc mở ngành đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trường.

Cụ thể, Tiến sĩ Hà bày tỏ: “Nếu có giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, nhiều ngành đào tạo sẽ được mở đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh có sự thay đổi khi trường đảm bảo được điều kiện về năng lực đội ngũ giảng viên. Chưa kể, nếu không có đủ giảng viên, chỉ tiêu tuyển sinh giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của trường”.

Đồng thời, thầy Hà cũng nhận định: “Để thu hút giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy tại trường là rất khó. Bởi, những điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế xã hội của địa phương còn hạn chế cũng như chính sách thu hút nguồn nhân lực về làm việc chưa được hiệu quả.

Có thể nói, số lượng giáo sư, phó giáo sư của các trường đại học trên cả nước đang có sự mất cân đối do từ trước đến nay chưa có chính sách, quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sơ giáo dục.

Theo thống kê, số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung chủ yếu tại 2 khu vực là đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ còn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên,… đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long là vùng “trũng” nhất khi số trường đại học ít đồng nghĩa với số giảng viên có chức danh là giáo sư, phó giáo sư thấp”.

Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, để hạn chế sự mất cân đối này Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ như phân bổ mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với vùng miền về điều kiện phát triển kinh tế. Chẳng hạn như đồng bằng sông Cửu Long là vùng động lực phát triển, có sự chuyển dịch kinh tế và là vựa lúa lớn nhưng vấn đề về giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế. Chưa kể, nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế của vùng lớn nên rất cần tăng mật độ cơ sở giáo dục đại học ở vùng này.

“Qua đó, cũng cần nhìn nhận rằng, đối với phát triển trường đại học địa phương, tại dự thảo hồ sơ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến phân bổ số lượng trường tại các vùng nhưng chưa có sự thay đổi lớn.

Về hệ thống giáo dục chất lượng cao, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa có đại học quốc gia, hiện có Trường Đại học Cần Thơ là đại học vùng, trong khi khu vực miền Trung tiến tới có 2 đại học quốc gia là Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng. Điều này tạo ra sự mất cân đối về quy hoạch cơ sở giáo dục.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ chế thu hút giảng viên chất lượng cao tham gia giảng dạy sẽ dễ hơn do có sự chủ động về mặt tài chính, tuy nhiên, đối với các trường đại học công lập vẫn chưa có chính sách cụ thể để thu hút giảng viên do có nhiều yếu tố tác động như muốn phát triển đội ngũ giảng viên phụ thuộc vào Luật viên chức, chế độ tiền lương mới,…”, Tiến sĩ Hà nhấn mạnh.

Từ trước những năm 2010, tỉnh Tiền Giang đã có chế độ, chính sách thu hút giảng viên có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên về tham gia giảng dạy tại trường, kết quả, Trường Đại học Tiền Giang thu hút được 1 - 2 giảng viên có trình độ tiến sĩ từ nước ngoài về giảng dạy với mức đãi ngộ tốt. Hiện tại, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang đã điều chỉnh lại chế độ đãi ngộ, song chế độ này tiếp tục được áp dụng.

Thầy Hà thông tin thêm, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, trường tạo điều kiện tốt nhất cho thầy, cô tham gia giảng dạy như bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, có chế độ đãi ngộ riêng nhưng không thu hút được nguồn nhân lực.

Với mong muốn thúc đẩy nguồn nhân lực của trường nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Võ Ngọc Hà chia sẻ rằng: “Trường đặc biệt quan tâm đến năng lực giảng dạy của giảng viên cơ hữu bởi thầy, cô đã có khoảng thời gian gắn bó với trường.

Do đó, Đảng ủy Trường Đại học Tiền Giang có ban hành nghị quyết nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thầy, cô trong độ tuổi sẽ đi học nghiên cứu sinh. Trường sẽ giảm giờ dạy, hỗ trợ một phần chi phí học tập, nghiên cứu và sau khi tốt nghiệp về trường sẽ được thưởng; trong điều kiện giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhà trường sẽ điều chỉnh mức lương”.

Đề cập đến việc thiếu giáo sư, phó giáo sư chủ trì dự án nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của trường, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một phần tạo ra nguồn thu.

“Hiện, một số cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện nghiên cứu khoa học mang tính thành tích.

Còn về phía Trường Đại học Tiền Giang, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật còn chưa nhiều do 2 nguyên nhân chính. Một là, trường không có đủ quy mô nghiên cứu sâu như một số cơ quan giáo dục đại học lớn. Hai là, một số dự án nghiên cứu khoa học do thầy, cô trong trường thực hiện chưa được thương mại hóa, còn gặp nhiều khó khăn.

Việc thiếu đội ngũ giảng viên dẫn đến nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của trường sẽ giảm, tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tổng nguồn thu của trường. Bởi, nguồn thu chủ yếu của trường đến từ hoạt động đào tạo”, thầy Hà nói.

Trước thực tế của trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đề xuất, trong thời gian từng bước lên tự chủ, Trường Đại học Tiền Giang nói riêng và trường đại học trực thuộc tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, đặc biệt là ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực về trường để giảng dạy.

Cùng bàn về nội dung này, đại diện một trường đại học trực thuộc tỉnh cho biết, thời gian vừa qua, địa phương đã ban hành chính sách để thu hút giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư về tham gia giảng dạy nhưng vẫn chưa thu hút được ai.

Vị này cũng chia sẻ: “Việc giáo sư, phó giáo sư phân bổ không đồng đều ở các tỉnh, thành phố cũng tạo ra những khó khăn nhất định, đồng thời, đây cũng là tình hình chung của một số trường đại học trực thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, dựa theo nhu cầu cá nhân, giáo sư, phó giáo sư có những lựa chọn về nơi công tác và nghiên cứu.

Mặc dù, trường đang rất cần nguồn lực này nhưng nhiều năm liền chưa thu hút được. Do đó, nhà trường động viên, khuyến khích các thầy, cô là giảng viên cơ hữu tham gia vào quá trình rèn luyện phẩm chất và nâng cao trình độ chuyên môn”.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/khoang-50-so-luong-gs-pgs-duoc-cong-nhan-hang-nam-lam-viec-tai-ha-noi-post239390.gd

Thảo Ly