Cần tăng thuế với đồ uống có đường để giảm bớt gánh nặng bệnh tật

05/04/2024 16:35
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo thống kê, đến năm 2020, ở độ tuổi 5-19, có 19% đối tượng bị thừa cân, béo phì, cùng với đó là những hệ lụy khác liên quan. 

Sáng 5/4, Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Mở đầu Hội nghị, bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã có những chia sẻ về thực trạng việc sử dụng đồ uống có đường và những hệ lụy của nó.

Cụ thể, bà Pratt cho hay, WHO khuyến cáo, việc tiêu thụ cái mà chúng ta gọi là "đường tự do" – có thể coi là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, nhưng lý tưởng là dưới 5%, với khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình.

Lấy ví dụ thực tế, bà Pratt nói, 1 lon coca cola thông thường sẽ chứa khoảng 36 gram đường.

"Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói.

Theo bà Pratt, hiện nay, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Đã có hơn 100 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp như, ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), tình trạng thừa cân béo phì là vấn nạn, đặc biệt là ở trẻ em. Ở Việt Nam, có 19% trẻ em (đối tượng từ 5-19 tuổi) thừa cân béo phì, ở người trưởng thành là là 19,6%.

Tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì chiếm tới 40%.

hoi-thao-do-uong-co-con 2.JPG
Theo số liệu thống kê năm 2010 với năm 2020, số liệu về tình trạng thừa cân béo phì của các độ tuổi tăng gấp đôi. (Ảnh: Viện dinh dưỡng)

Phó Giáo sư Mai cũng cho hay, tình trạng thừa cân béo phì cũng dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe khi gây ra một số bệnh như tiểu đường, huyết áp...

hoi-thao-do-uong-co-con 23.JPG
Những tác hại của nước ngọt có ga đến cơ thể. (Ảnh: Viện Dinh dưỡng)

Theo Phó Giáo sư Mai, một phần 330ml hoặc 12oz đồ uống có đường có ga thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

"Người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1 - 2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này", Phó Giáo sư Mai chia sẻ.

hoi-thao-do-uong-co-con (3).JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo nghiên cứu ở Hàn Quốc với gần 2.000 người tham gia, khi họ tiêu thụ nhiều đồ uống có đường sẽ có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 1,21 lần và đăc biệt cao những đối tượng có BMI ≥ 25 kg/m2.

Còn ở Trung Quốc, với hơn 10.000 người tham gia, học sinh tiểu học và trung học cơ sở sử dụng đồ uống có đường có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn 1,40 lần.

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khuyến nghị, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 gam mỗi ngày (<=5% tổng năng lượng nạp vào ). Đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần....

Theo ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông đồng tình với nhận định của WHO là cần tăng thuế, tăng cường quảng cáo và truyền thông về những tác hại của đồ uống có đường.

hoi-thao-do-uong-co-con (2).JPG
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tại Hội thảo, Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh, Cố vấn cấp cao, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25 về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

hoi-thao-do-uong-co-con (4).JPG
Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh, Cố vấn cấp cao, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế). (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025.

"Việc đề xuất tăng thuế đối với đồ uống có đường được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính rất chặt chẽ, cùng với các Bộ khác. Hơn 100 quốc gia đã thực hiện tăng thuế đối với đồ uống có đường để giảm thiểu gánh nặng về bệnh tật...", bà Hạnh chia sẻ.

Mạnh Đoàn