Cần quan tâm nhiệm vụ đào tạo sư phạm và tăng đầu tư cho trường ĐH địa phương

10/01/2024 15:54
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với các trường đại học địa phương, nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, mầm non là vô cùng quan trọng.

Sáng ngày 10/1 đã diễn ra Hội nghị Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và Lãnh đạo các trường đại học địa phương theo chương trình công tác của Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) năm 2024. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự chương trình có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội; đại diện các Ban của Hiệp hội; cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học địa phương trên cả nước.

Hội nghị Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và Lãnh đạo các trường đại học địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và Lãnh đạo các trường đại học địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Một số trường chưa được quan tâm đầu tư, bị giảm quy mô hoạt động

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để có các đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó tập trung chỉ ra các điểm nghẽn, xác định giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với trường đại học địa phương trong phân tầng giáo dục đại học Việt Nam.

Bên cạnh đó, thống nhất nội dung hội thảo dự kiến tổ chức vào tháng 4/2024 tại Trường Đại học Hạ Long và bầu bổ sung Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ, phân công nhiệm vụ các thành viên trong câu lạc bộ.

Về vấn đề của các trường đại học địa phương hiện nay, Phó Giáo sư Bùi Văn Dũng thay mặt Câu lạc bộ nêu 5 vấn đề cùng các đề xuất, kiến nghị:

Thứ nhất, trường đại học địa phương trực thuộc uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cung ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng ở tất cả các bậc học, ngành thuộc các lĩnh vực.

Địa phương đã có những chính sách đặc thù để duy trì và hỗ trợ cho các trường địa phương của mình thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, đã xuất hiện những vấn đề chưa phù hợp.

Từ thực tiễn cho thấy, một số trường đại học địa phương chưa được quan tâm đầu tư đầy đủ, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học, nghiên cứu khoa học xuống cấp chưa đáp ứng đúng chuẩn.

Một số địa phương chưa có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư còn rất khiêm tốn (khoảng 15% trong khi cả nước ở con số trên 30%).

Do ngân sách địa phương hạn hẹp, một số địa phương đã giảm quy mô hoạt động của trường khi giao chỉ tiêu đào tạo. Có địa phương, với vai trò “chủ quản” thay vì tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường thì tìm cách chuyển trường thành vệ tinh (hoặc đơn vị thành viên) của các trường đại học vùng, đại học quốc gia, đánh mất sứ mệnh của trường đại học địa phương.

Khi sửa đổi Nghị định 99, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ có định chế riêng về về cơ cấu hội đồng trường của trường đại học địa phương theo hướng tăng cường vai trò của lãnh đạo tỉnh. Bố trí thêm lãnh đạo những sở chủ lực liên quan đến đầu tư, tài chính và giáo dục vào hội đồng trường.

Phó Giáo sư Bùi Văn Dũng Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương chia sẻ tại điểm cầu Trường Đại học Hồng Đức.

Phó Giáo sư Bùi Văn Dũng Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương chia sẻ tại điểm cầu Trường Đại học Hồng Đức.

Thứ hai, theo thiết kế ban đầu, đại học địa phương đào tạo từ trình độ đại học trở xuống. Cách làm này thực chất là phân tầng các cơ sở giáo dục đại học.

Thực tế chỉ ra, các trường đại học địa phương đã đáp ứng một cách linh hoạt các nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động địa phương (nhất là đào tạo giáo viên cấp 1, cấp 2). Hiện nay, trường đại học địa phương chỉ đào tạo trình độ đại học trở lên, giống hệt đại học quốc gia, đại học vùng và các đại học khác.

Điều này dẫn tới, thế mạnh của trường đại học địa phương bị triệt tiêu.

Câu lạc bộ kiến nghị trả cao đẳng trở về với bậc học đại học. Riêng với trường đại học địa phương, nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, mầm non là không thể thiếu, bên cạnh đó còn được đào tạo các trình độ thấp hơn là cao đẳng. Như vậy mới có thể giải quyết tốt vấn đề liên thông, phân luồng và phân tầng trong hệ thống mở, tránh mâu thuẫn về thể chế quản lý giữa các Bộ.

Thứ ba, về đầu tư cho trường đại học địa phương. Việc đầu tư của nhà nước cho các nhà trường đại học địa phương đang có xu thể giảm nhanh.

Với sức ép tự bảo đảm chi thường xuyên theo tinh thần Nghị định 60 thì tăng học phí là nguồn cứu cánh của các trường nhưng tăng học phí dẫn tới cơ hội học tập của con em địa phương giảm. Trong khi đó, nhà nước chưa có quy định về hỗ trợ học phí cho con em là người địa phương.

Hiện nay các trường đại học địa phương đang gặp khó khi thực hiện Nghị định 116 Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Mặc dù nhu cầu nhân lực có nhưng địa phương không đủ khả năng tài chính chi trả nên không đặt hàng hay giao nhiệm vụ cho trường đại học địa phương.

Kiến nghị Nhà nước nghiên cứu cơ chế đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương, trong đó chú trọng chính sách học phí mang tính phúc lợi, chính sách tín dụng sinh viên, bố trí ngân sách đủ để thực hiện các cơ chế chính sách đối với giáo dục và đầu tư đặc biệt cho các chương trình phát triển hạ tầng trường đại học địa phương.

Thứ tư là kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ có giải pháp chỉ đạo để các trường đại học trọng điểm, đại học vùng, đại học quốc gia chi viện cho các trường đại học địa phương trong công tác xây dựng đội ngũ, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực các trường đại học địa phương.

Thứ năm là kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương theo hướng tái cấu trúc mô hình đại học địa phương, đảm bảo phân tầng giáo dục đại học được tốt và bền vững, trong đó coi trọng hệ thống giáo dục đại học địa phương như sứ mệnh của nó khi thành lập, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Trường địa phương gặp khó về đội ngũ để mở ngành đào tạo đại học, sau đại học

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: Hiệp hội kỳ vọng sẽ lắng nghe được nhiều đề xuất để nâng cao hoạt động của Câu lạc bộ nói riêng và hoạt động của Hiệp hội nói chung.

Những năm qua, có xu hướng rất đáng lo ngại, là có thể một số trường đại học địa phương từng bước bị xóa sổ.

Hiệp hội hết sức quan tâm tới sự trường tồn, phát triển của các trường địa phương, trong đó có các trường đại học địa phương.

Trong các văn bản Hiệp hội gửi cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đều nhấn mạnh vai trò của các trường đại học địa phương. Hiệp hội sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến của các trường, các câu lạc bộ để có đề xuất kịp thời, hợp lý đến cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Lãnh đạo các trường đại học địa phương tích cực thảo luận tại Hội nghị.

Lãnh đạo các trường đại học địa phương tích cực thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một đã có những chia sẻ những vấn đề liên quan đến hoạt động đảm bảo chất lượng; xu hướng sáp nhập các trường đại học địa phương; vấn đề đầu tư cho các trường địa phương,...

Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp cho biết, thực tế một số trường đại học địa phương hiện nay gặp khó khăn trong chi trả tiền lương cho giảng viên, nếu vấn đề này không được giải quyết thì các trường sẽ khó tồn tại được.

Hơn nữa, các trường đại học địa phương phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực và quan điểm của địa phương, nếu lãnh đạo tỉnh quan tâm, có cơ chế mở thì các trường mới phát triển được, còn nếu không có cơ chế rõ ràng, minh bạch thì rất khó cho các trường.

Xét về vị trí địa lý, các trường địa phương cũng sẽ khó thu hút đội ngũ so với các trường đại học khác, khó đáp ứng được quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở ngành đào tạo. Vì vậy, cần có cơ chế riêng để các trường đại học địa phương có thể huy động được nguồn lực sẵn có.

Nói về khó khăn trong công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Điệp cho rằng, nguyên nhân lớn nhất hiện nay là chưa tháo gỡ được một cách thấu đáo những vướng mắc, bất cập của Nghị định 116.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng chia sẻ, các trường đại học địa phương hiện gặp khó khăn về đội ngũ, dẫn đến hạn chế mở ngành đào tạo mới, đặc biệt là đào tạo sau đại học do thiếu đội ngũ.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hiên kiến nghị các trường đại học trọng điểm, đại học vùng, đại học quốc gia xem xét hỗ trợ đại học địa phương trong đào tạo phát triển đội ngũ.

"Cùng với đó, cần có quy định hướng dẫn cho phân tầng giáo dục đại học, ưu tiên cho đại học địa phương liên kết, hợp tác trong sử dụng chung đội ngũ, để các trường đại học địa phương có thể mở các mã ngành đào tạo sau đại học. Nếu không có sự chia sẻ nguồn lực thì không thực hiện được việc mở ngành sau đại học.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn về cơ cấu hội đồng trường ở các trường đại học địa phương, đặc biệt nên để lãnh đạo tỉnh tham gia trực tiếp vào hội đồng trường để vai trò vị thế của trường được nâng cao lên", Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hiên kiến nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ tại Hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ tại Hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang nhấn mạnh vai trò của các trường đại học địa phương trong hệ thống giáo dục đại học.

Thầy Thịnh cho biết, liên quan tới Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, có nhắc đến cụm từ "hệ sinh thái" các trường đại học, và các trường đại học địa phương cũng nằm trong hệ sinh thái đó, có vai trò vô cùng quan trọng.

Về cơ cấu hội đồng trường, thầy Thịnh cho rằng, lãnh đạo tỉnh nên tham gia vào Hội đồng trường nhưng không nên là Chủ tịch Hội đồng trường của trường đại học địa phương.

Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, hiện vai trò của các trường đại học địa phương trong mạng lưới đang rất mờ nhạt.

Nhiều trường thiếu sự quan tâm và chưa được đầu tư tương xứng, nhưng vai trò của các trường đại học địa phương vô cùng quan trọng, phản ánh đúng chủ trương phân tầng giáo dục đại học Việt Nam.

Về quản trị đại học, hiện đang sửa đổi Nghị định 99, về cơ cấu hội đồng trường, nên có sự tham gia của uỷ ban nhân dân tỉnh, để các trường nhận được sự đóng góp tích cực của ủy ban nhân dân cùng các sở, ban, ngành.

Tiến sĩ Đặng Văn Định cũng nhấn mạnh đề xuất trả đào tạo trình độ cao đẳng trở về với bậc học đại học và đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đào tạo sư phạm của các trường đại học địa phương

Tại Hội nghị, Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương cũng đã thống nhất bầu bổ sung Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Câu lạc bộ.

Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải phòng được bầu làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ; Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long và Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được bầu làm uỷ viên của Câu lạc bộ.

Phạm Minh