Cần định hình lại trình độ cao đẳng để tránh gây nhầm lẫn

23/01/2025 06:22
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để đảm bảo hệ thống cao đẳng của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cần xây dựng chuẩn đầu ra rõ ràng cho từng bậc trình độ.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là trình độ cao đẳng, đang đối mặt với những thách thức về cách định vị vai trò, mục tiêu, nội dung các chương trình đào tạo và giá trị của trình độ này.

Một trong những vấn đề cốt lõi là sự thiếu nhất quán giữa hai loại bằng cao đẳng (cao đẳng và cao đẳng nghề) và danh xưng kỹ sư thực hành của cao đẳng nghề, dẫn đến nhầm lẫn không chỉ đối với người học mà còn với nhà tuyển dụng.

Hệ thống cao đẳng nghề và cao đẳng học thuật (cao đẳng theo hướng học thuật) tồn tại song song nhưng lại khác biệt rõ rệt về mục tiêu, nội dung đào tạo và giá trị bằng cấp.

gdnn.jpg
Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Để giải quyết vấn đề này, cần một cách tiếp cận toàn diện, không chỉ thống nhất tên gọi bằng cấp mà còn đảm bảo sự minh bạch và tính linh hoạt trong chương trình đào tạo.

Trong lịch sử, hệ thống cao đẳng ở Việt Nam trước năm 2006 tập trung vào hướng học thuật, tương tự như bằng phó cử nhân (Associate Degree) ở Hoa Kỳ, cung cấp kiến thức nền tảng và khả năng chuyển tiếp lên đại học.

Tuy nhiên, sau năm 2006, với sự xuất hiện của cao đẳng nghề, trọng tâm đào tạo chuyển sang phát triển kỹ năng thực hành, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trực tiếp.

Hai hệ thống này tồn tại song song, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và cao đẳng nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Điều này tạo ra sự chồng chéo trong quản lý và gây nhầm lẫn trong cách nhìn nhận giá trị của các loại bằng cấp.

Mặc dù giáo dục nghề nghiệp đã được thống nhất quản lý bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2017, nhiều trường cao đẳng vẫn gặp khó khăn trong việc định vị vai trò của mình.

Một vấn đề lớn hơn nằm ở cách tiếp cận từ phía các nhà quản lý giáo dục. Các chương trình đào tạo cao đẳng, thay vì dựa trên phân tích nhu cầu thị trường lao động và tiêu chuẩn nghề nghiệp, lại được thiết kế theo ý chí của bên phía cung (bên đào tạo) mà không phải được xác định từ đòi hỏi kỹ năng, kiến thức và những năng lực khác ở bên cầu (bên sử dụng lao động).

Điều này dẫn đến việc đào tạo không sát thực tế, người học khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và hệ thống bằng cấp khó được quốc tế công nhận.

Mặc dù Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được ban hành năm 2016 để điều chỉnh, tuy nhiên nội dung khung chịu ảnh hưởng của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 dẫn tới còn nhiều hạn chế ở trình độ này bao gồm ở cả quá trình thực hiện.

Một vài trường có chương trình liên kết với Úc và Đức thì phía đối tác chỉ công nhận bằng đó tương đương bậc 4, còn ở ta vẫn gọi là cao đẳng nghề. Đây là điều trớ trêu.

Một bất cập nữa là sự thiếu kết nối giữa mục tiêu đào tạo và thực tế thị trường. Chương trình cao đẳng ở Việt Nam hầu như chưa được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn nghề nghiệp hoặc yêu cầu cụ thể từ doanh nghiệp.

Thay vào đó, nội dung và thời lượng chương trình được đưa ra một cách cứng nhắc, dẫn đến sự bất hợp lý khi triển khai. Ví dụ, cao đẳng nghề thường kéo dài 2-3 năm sau trung học phổ thông, nhưng phần lớn nội dung đào tạo tập trung vào kỹ năng thực hành hẹp mà thiếu kiến thức nền tảng, khiến người tốt nghiệp khó thích nghi với các thay đổi trong thị trường lao động.

Trong khi đó, chương trình cao đẳng học thuật lại bị cắt xén từ chương trình đại học, thiếu sự cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn. Đây là nguyên nhân khiến cả hai loại chương trình đào tạo cao đẳng đều gặp khó khăn trong việc định vị vai trò và giá trị.

Tới đây, khi sửa đổi Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cần đảm bảo rằng khung này phản ánh rõ các yêu cầu thực tiễn của từng bậc trình độ và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng cần được sửa đổi để làm rõ vai trò của quản lý nhà nước và định nghĩa cụ thể về mục tiêu, nội dung, và thời lượng chương trình cao đẳng.

Những điểm quan trọng như phân biệt rõ giữa trình độ bậc 4 và bậc 5 (cao đẳng) cũng như cơ chế liên thông giữa các trình độ, phải được quy định một cách minh bạch.

Việc điều chỉnh này không chỉ nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục nghề nghiệp đi vào cuộc sống mà còn tạo nền tảng để người học có thể hội nhập quốc tế và phát triển nghề nghiệp bền vững.

Các quốc gia tiên tiến như Úc và Hoa Kỳ đã giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Tại Úc, Advanced Diploma là tên gọi chung cho trình độ cao đẳng nâng cao, nhưng nội dung đào tạo lại khác biệt rõ rệt giữa các trường định hướng thực hành và các trường định hướng học thuật.

Còn tại Hoa Kỳ, Associate Degree không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng mà còn kết hợp với các kỹ năng thực tế, đảm bảo tính linh hoạt cho người học, khi họ có thể chuyển tiếp lên đại học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động.

Điểm chung của các hệ thống này là sự minh bạch trong mục tiêu và nội dung đào tạo, giúp người học, nhà tuyển dụng và đối tác quốc tế hiểu rõ giá trị thực của bằng cấp.

Dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến, Việt Nam cần thực hiện cải cách toàn diện để thống nhất tên gọi bằng cấp và đảm bảo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục cao đẳng.

Tất cả các chương trình cao đẳng, dù là hướng thực hành hay học thuật, nên sử dụng một tên gọi chung, chẳng hạn: bằng cao đẳng (Associate Degree) điều này cũng tương tự như quy định đối với chương trình đại học có 3 loại chương trình nhưng tên gọi nói chung không có sự khác biệt đều gọi là cử nhân (hoặc kỹ sư).

Tuy nhiên, sự khác biệt về nội dung đào tạo cần được thể hiện rõ trong phần mô tả trên văn bằng và bảng điểm. Chương trình hướng thực hành có thể ghi rõ tập trung vào kỹ năng nghề nghiệp, với thời lượng thực hành chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, chương trình hướng học thuật cần nhấn mạnh vào kiến thức nền tảng và khả năng chuyển tiếp lên đại học.

Một cách tiếp cận khác là tích hợp hai hướng đào tạo vào một hệ thống thống nhất. Ví dụ, tất cả sinh viên cao đẳng có thể học chung các môn cơ bản trong năm đầu tiên để nắm vững kiến thức nền tảng.

Sang năm thứ hai, các em sẽ chọn một trong hai hướng: thực hành (tập trung vào kỹ năng chuyên sâu và thực tập) hoặc học thuật (đào sâu lý thuyết và chuẩn bị học tiếp lên đại học). Điều này không chỉ giảm thiểu sự nhầm lẫn mà còn tạo cơ hội cho người học thay đổi định hướng trong quá trình học tập.

Để đảm bảo hệ thống cao đẳng của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cần xây dựng chuẩn đầu ra rõ ràng cho từng bậc trình độ. Những chương trình không đáp ứng yêu cầu của bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam có thể được điều chỉnh để xếp vào bậc 4, tương đương với trình độ trung cấp.

Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình thiết kế chương trình, đánh giá chất lượng và cung cấp cơ hội thực tập. Điều này đảm bảo rằng nội dung đào tạo không chỉ phù hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp mà còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường truyền thông và hướng dẫn cho người học. Ngay từ khi nhập học, người học cần được cung cấp đầy đủ thông tin về sự khác biệt giữa các hướng đào tạo, cơ hội nghề nghiệp và giá trị của từng loại chương trình.

Điều này giúp họ đưa ra lựa chọn đúng đắn và giảm thiểu sự nhầm lẫn. Song song đó, việc giám sát chất lượng đào tạo cần được thực hiện độc lập và thường xuyên, với sự tham gia của các tổ chức kiểm định chất lượng trong và ngoài nước.

Việc thống nhất tên gọi bằng cấp và cải cách hệ thống cao đẳng không chỉ giải quyết các vấn đề lịch sử mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Với cách tiếp cận phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể định hình lại trình độ cao đẳng để không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mà còn nâng cao giá trị công nhận quốc tế, tạo điều kiện phát triển bền vững cho nền giáo dục và nguồn nhân lực trong tương lai.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh