Theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm nay là năm đầu tiên tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình mới nên các địa phương đã chủ động đi trước đón đầu, nhận diện những công việc quen thuộc biến thành thuận lợi.
Khi có Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh mới thì các địa phương rốt ráo hoàn thành công đoạn cuối là lựa chọn, công bố môn thi thứ 3 và hướng dẫn tiêu chí xét tuyển, rút ngắn thời gian công bố, tạo tâm thế tốt nhất cho học sinh.
Các địa phương chủ động kế hoạch, công bố cấu trúc đề thi từ rất sớm
Theo quan sát của người viết, có những địa phương đã khởi động kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 từ khi chưa vào năm học mới. Các môn được đánh giá bằng điểm số đều được công bố cấu trúc và đề minh họa kèm theo. Nhưng có lẽ môn Ngữ văn là môn được quan tâm nhiều nhất vì tính đặc thù và vì chương trình có nhiều thay đổi từ thiết kế, phương pháp dạy, cách kiểm tra đánh giá,… Vì thế, việc công bố sớm cấu trúc đề thi có ý nghĩa ổn định tâm lý các em là cần thiết.
Sau đây là một số cấu trúc đề thi của một số địa phương:
Cấu trúc đề thi Hải Phòng, Hà Nội, Tây Ninh,… gần giống nhau
Có thể nói, Thành phố Hải Phòng là địa phương công bố sớm nhất cấu trúc đề thi Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông từ năm học 2025-2026, theo Quyết định 1038/QĐ-SGDĐT ban hành ngày 31/7/2024.
Theo đó, đề thi gồm có 7 câu. Đọc hiểu: 5 câu hỏi, chiếm 4,0 điểm; Viết: 2 câu chiếm 6,0 điểm, tổng thời gian làm bài là 120 phút, hình thức thi tự luận.
Phần Viết gồm 2 câu: 1 câu viết đoạn văn nghị luận văn học (ngữ liệu không trùng với đọc hiểu) và 1 câu viết bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết.
Tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội có thông báo ban hành cấu trúc đề thi, theo công văn số 2988/TB-SGDĐT, ký ngày 29/8/2024.
Trong đó, đề thi tự luận 100% gồm 2 phần: Đọc hiểu chiếm 4,0 điểm, Viết chiếm 6,0 điểm, tổng điểm tối đa là 10 điểm, thời gian làm bài là 120 phút.
Bảng năng lực và cấp độ tư duy chia tỷ lệ % theo các mức độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng là 20 - 40 - 40. Từ đề minh họa, Đọc hiểu gồm 5 câu, Viết gồm 2 câu: 1 câu viết đoạn văn nghị luận văn học dùng lại ngữ liệu ở Đọc hiểu, 1 câu viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề rút ra từ đoạn trích thơ.
Và, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh ban hành cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10, theo công văn 5256/SGDĐT-KT ngày 11/11/2024.
Hình thức bài thi là tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Đề thi kiểm tra 2 năng lực: năng lực đọc gồm 4 câu hỏi (4,0 điểm), năng lực viết gồm 1 câu viết đoạn văn nghị luận xã hội hoặc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ,…(2,0 điểm); 1 câu viết bài văn nghị luận xã hội hoặc bài văn nghị luận văn học (4,0 điểm). Cấp độ tư duy tính theo tỷ lệ % sau: nhận biết chiếm - thông hiểu - vận dụng là 40 - 30 - 30.
Cấu trúc đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai khá nhẹ nhàng
Trong công văn 4305/SGDĐT-GDPT&GDTX ngày 02/10/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai thông báo cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 và đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh.
Với đề thi tuyển sinh lớp 10, thời gian làm bài 120 phút, đề thi 100% tự luận, cấu trúc đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu (6,0 điểm); Viết chỉ có 1 câu, có thể là nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội. Có thể thấy, cấu trúc này gần với cấu trúc đề kiểm tra định kỳ.
Cấu trúc đề thi của Thành phố Hồ Chí Minh mới mẻ
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi tuyển sinh vào ngày 1/10/2024. Theo đó, đề thi gồm 2 phần:
Phần 1 (5,0 điểm) là Đọc hiểu văn bản văn học và Viết đoạn văn. Trong đó, câu 1 là đọc hiểu (3,0 điểm) và câu 2 yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học (2,0 điểm).
Phần 2 (5,0 điểm) là Đọc hiểu văn bản nghị luận/ văn bản thông tin và Viết bài văn. Trong đó, câu 1 là đọc hiểu (1,0 điểm) và câu 2 yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội (4,0 điểm).
Điểm mới là đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản đọc hiểu.
Cấp độ tư duy chia tỷ lệ % như sau: Với năng lực Đọc hiểu văn bản văn học: nhận biết - thông hiểu - vận dụng là 5 - 15 - 10; với văn bản nghị luận/ văn bản thông tin, chỉ có mức độ thông hiểu chiếm tỷ lệ 10%.
Với năng lực Viết, tỷ lệ đánh giá là 20% đối với đoạn văn nghị luận văn học/ đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ; trong khi đó, bài văn nghị luận xã hội chiếm tỷ lệ 40% đề thi.
Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 đa dạng
Có thể nói, mỗi địa phương có cấu trúc định dạng đề thi riêng phù hợp với tình hình, bối cảnh giáo dục tại địa phương mình nhưng nhìn chung là đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình 2018.
Điểm giống nhau là đề thi tuyển đều kiểm tra 2 năng lực là Đọc hiểu và Viết, với hình thức tự luận 100% và thời gian làm bài đều là 120 phút. Đề thi đảm bảo thống nhất về định dạng, cấu trúc với Đề minh họa nhưng cách hỏi và lệnh hỏi không nhất thiết trùng với Đề minh họa.
Thứ nhất, đối với năng lực Đọc hiểu, ngữ liệu đều có thể chọn là văn bản văn học/ văn bản thông tin/ văn bản nghị luận. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh quy định phần 1 bắt buộc là văn bản văn học, phần 2 là 1 trong 2 văn bản còn lại.
Yêu cầu về ngữ liệu, công văn của các địa phương đều nhấn mạnh ngữ liệu được chọn ngoài 3 bộ sách giáo khoa, có độ khó tương đương với chương trình trung học cơ sở nhằm đánh giá chính xác, khách quan năng lực học sinh; phục vụ trực tiếp cho việc phát triển phẩm chất và năng lực theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình; phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức của học sinh; có giá trị về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; tổng dung lượng 2 ngữ liệu đưa vào đề thi phải đảm bảo đủ thời gian để học sinh đọc hiểu và làm bài. Nội dung kiến thức của đề thi nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là lớp 9.
Về chú thích ngữ liệu, cần thiết phải giải thích nghĩa của từ khó. Với ngữ liệu thuộc văn bản văn học, phần chú thích cần giới thiệu ngắn gọn về tác giả, hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của tác phẩm; nếu trích dẫn một đoạn truyện ngắn thì có phần tóm lược để học sinh dễ hiểu.
Số lượng câu hỏi và số điểm phần Đọc hiểu ở các địa phương khác nhau. Tây Ninh có 4 câu đọc hiểu (4,0 điểm); Hải Phòng và Hà Nội có 5 câu hỏi (4,0 điểm); Đồng Nai chưa rõ số lượng câu hỏi nhưng tổng điểm là 6,0; Thành phố Hồ Chí Minh có 2 câu hỏi ở 2 phần, trong đó câu 1 của phần 1 có nhiều ý nhỏ, với tổng điểm là 4,0.
Thứ hai, đối với năng lực Viết cũng có sự khác nhau giữa các địa phương. Với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Tây Ninh đều có yêu cầu viết đoạn (2,0 điểm) và viết bài (4,0 điểm), tổng 2 câu là 6,0 điểm. Riêng Đồng Nai, không có yêu cầu viết đoạn, chỉ có viết bài văn chiếm 4,0 điểm.
Chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh quy định rõ dung lượng viết đoạn văn là khoảng 200 chữ; cả 2 câu viết đều kết nối với ngữ liệu Đọc hiểu. Trong khi đó, Hải Phòng quy định cả 2 câu đều không kết nối với ngữ liệu Đọc hiểu. Còn trong cấu trúc đề thi của Tây Ninh, Hà Nội, Đồng Nai thì phần Viết không quy định bó buộc như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về cấp độ tư duy (nhận biết - thông hiểu - vận dụng), mỗi địa phương chia tỷ lệ % yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 20 - 40 - 40, Tây Ninh là 40 - 30 - 30, Đồng Nai là 25 - 35 - 40.
Cấu trúc đề thi tuyển sinh 10 có phù hợp với Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT?
Các công văn đều khẳng định đây là căn cứ để xây dựng đề thi cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập của địa phương. Dựa vào đó, các trường chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học, giáo viên có thể làm căn cứ để xây dựng đề luyện tập, giúp các em làm quen với đề thi mới.
Theo ý kiến của nhiều giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông, cấu trúc đề thi ở các địa phương hoàn toàn mới, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dù công bố cấu trúc sớm hơn thời điểm Thông tư 30 ra đời nhưng vẫn phù hợp với những quy định trong thông tư.
Tại Điều 13, Thông tư quy định: “Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn là 120 phút”, “Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp cơ sở, chủ yếu là lớp 9”.
Tại Điều 18, Sở Giáo dục và Đào tạo có tổ chức thi tuyển có trách nhiệm là: “Quy định cụ thể việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi”.
Như vậy, với tinh thần chủ động trong công tác tuyển sinh, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận diện được thuận lợi, khó khăn từ rất sớm. Từ đó, chỉ đạo các trường học lên kế hoạch ôn tập, hướng dẫn học sinh ôn tập theo cấu trúc đề thi mới.
Như vậy, học sinh được trang bị kiến thức phổ thông cơ bản đầy đủ trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời làm nền tảng để học tiếp bậc trung học phổ thông và thuận lợi nhất trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.