Với mong muốn gìn giữ, phát huy nét đẹp phong phú và văn minh trong nếp sống ngày Tết cổ truyền của người Việt, nhiều trường học vùng cao đã tổ chức các hoạt động tái hiện không gian đón Tết nhằm hướng cho học sinh hiểu và trân trọng một nét văn hóa đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lưu giữ những nét đẹp truyền thống
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Châm, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) chia sẻ, mỗi dịp Tết đến xuân về trẻ em thường được bố mẹ sắm diện cho những bộ quần áo mới, được người lớn mừng tuổi phong bao lì xì đỏ may mắn, cùng với đó, được ngồi cạnh ông bà, bố mẹ sum vầy bên nồi bánh chưng xanh truyền thống của dân tộc...
Tuy nhiên, với nhiều học sinh vùng cao, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn chưa thực sự có được cái Tết ấm áp, đủ đầy.
Hầu hết các em là học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’mông, có những em nhà cách trường gần 50km nên hầu hết học sinh đều ở lại trường cuối tuần hoặc vài tháng mới về nhà một lần.
Những ngày gần Tết, em nào gia đình có xe máy thì được bố mẹ đón, bạn nào gia đình khó khăn thì đi bộ từ sáng sớm đến gần tối mới về đến nhà.
Cô Châm cho biết, Tết là dịp trẻ em được xúng xính quần áo mới. Nhưng với học sinh vùng cao, có lẽ còn nhiều khó khăn nên một cái Tết ấm no, đầy đủ vẫn là điều mà không ít các em mơ ước. Vì vậy, các em chỉ có mong đến Tết để được ăn nhiều thịt, ăn bánh chưng và kẹo.
Với mong muốn phần nào sẻ chia và mang cái Tết ấm áp đến với những học trò miền núi có hoàn cảnh khó khăn, mới đây Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Lý đã dọn dẹp trường, lớp, đồng thời bắt tay vào chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng nhằm tạo ra một không khí rộn ràng, vui xuân cho học sinh toàn trường.
Bên cạnh đó, để các em học sinh tại trường cảm nhận được niềm vui ngày Tết, nhà trường đã mổ thịt lợn, gói bánh chưng để tổ chức liên hoan tất niên cho học sinh trước khi về nhà ăn tết cùng gia đình.
Các em đều hào hứng tham gia, bạn nhỏ thì quan sát cách gói bánh, bạn lớn thì tham gia gói cùng. Những chiếc bánh chưng dù không vuông vắn hoàn hảo nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và niềm hạnh phúc của học trò nhưng đây là cách nhà trường giúp các em kế thừa truyền thống cũng động viên tinh thần các em để các em có những kỉ niệm đẹp.
“Dù nhận được sự quan tâm và chăm sóc từ nhà trường cùng thầy cô nhưng đời sống của các em học sinh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Được đón và mang lại cái Tết ấm cúng cho học sinh là điều tôi thấy ý nghĩa và hạnh phúc nhất. Bởi mình được lan tỏa những điều tích cực, giúp các em kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, cô Châm chia sẻ.
Thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu) cho biết: "Nhiều năm nay, nhà trường luôn có kế hoạch duy trì đón Tết truyền thống cho học sinh, giáo viên.
Trong những ngày này, thầy cô và học sinh cùng nhau chuẩn bị mọi thứ, từ việc tự tay gói những chiếc bánh chưng đến việc nấu nướng các món ăn truyền thống đậm đà hương vị Tết. Không khí rộn ràng, vui vẻ lan tỏa khắp sân trường, tạo nên một buổi liên hoan đầm ấm, đầy ý nghĩa.
Đây không chỉ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng chia sẻ niềm vui của ngày xuân đang tới gần, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị văn hóa dân tộc trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết sum vầy bên gia đình".
Theo thầy Thuấn, thông thường Tết của các em chỉ có món bánh dày, vì vậy, có thêm hoạt động gói bánh chưng không chỉ mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho các em mà còn giúp học sinh được tiếp cận và trải nghiệm hương vị của món bánh chưng, món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán.
Do điều kiện sống và sinh hoạt còn khó khăn, đời sống của các em học sinh còn nhiều thiếu thốn. Để các em học sinh tại trường cảm nhận được niềm vui ngày Tết, trường thường xuyên thực hiện các hoạt động hỗ trợ thiết thực, nhất là vào dịp Tết.
Mặc dù giá trị phần quà không lớn, nhà trường vẫn mong muốn mang đến niềm vui nhỏ cho các em trong dịp Tết. Qua đó, trường thường xuyên rà soát các trường hợp thuộc hộ nghèo và trao tặng những món quà ý nghĩa nhằm động viên các em.
Như năm học này, nhất là đối với các em học sinh bán trú, nhà trường cũng tổ chức phát quà và hỗ trợ kịp thời trước khi học sinh về ăn Tết cùng gia đình. Những phần quà này không chỉ giúp các em chuẩn bị thêm cho ngày Tết mà còn là sự động viên tinh thần, khích lệ các em nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống.
Qua đó, trường mong muốn tạo nên một mùa xuân tràn ngập yêu thương và sự sẻ chia, giúp các em cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng và nhà trường.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly, huyện Trạm Tấu, Yên Bái cũng tổ chức nhiều hoạt động chào đón xuân mới. Các em học sinh cùng nhau trang trí lớp học bằng hoa đào, hoa mai và các hình ảnh truyền thống của dân tộc. Mỗi lớp học trở thành một bức tranh sinh động, phản ánh tâm tư và tình cảm của các em đối với mùa xuân.
Một trong những hoạt động nổi bật là chương trình biểu diễn văn nghệ mừng xuân, nơi các em học sinh có cơ hội tỏa sáng với tài năng ca hát và múa. Những tiết mục biểu diễn không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thể hiện sự sáng tạo, lòng tự hào và tình yêu sâu sắc của các em dành cho quê hương.
Đặc biệt, các thầy cô giáo cũng nhiệt tình tham gia, góp phần tạo nên bầu không khí ấm áp, đoàn kết. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa như chợ quê, trưng bày sản phẩm STEM tái chế, gói bánh chưng, giã bánh dày và nhiều trải nghiệm thú vị khác.
Cô Nguyễn Thanh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Năm nay, nhà trường xây dựng chuỗi các hoạt động vui tết đón xuân cho học sinh với chủ đề "Ngày hội Tết xanh sáng tạo từ thiên nhiên”.
Qua các hoạt động giúp các em rèn kĩ năng sống, áp dụng các môn học vào cuộc sống như khả năng sáng tạo thẩm mĩ trong hoạt động trưng bày, rèn khả năng tính toán ở hoạt động chợ quê, đặc biệt là ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phong tục, món ăn… của cộng đồng các dân tộc”.
Tại Trường Mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, các em nhỏ cũng háo hức tham gia các hoạt động giã bánh dày, những món bánh truyền thống trong dịp tết.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tư, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với 98% các em là người dân tộc Mông, vì vậy nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với văn hóa địa phương Mù Cang Chải.
Cùng với sự hướng dẫn của thầy, cô và phụ huynh, các em được trải nghiệm các hoạt động truyền thống. Đây là cách để các em hiểu hơn về phong tục tập quán của dân tộc cũng như là cách để giáo dục cho các em biết và giữ gìn bản sắc này”.
Bên cạnh đó, những hoạt động này để các em hiểu hơn về nét đặc sắc của Tết vùng cao so với vùng xuôi, tạo ra không khí thân thiện, gần gũi giữa học sinh và giáo viên, làm cho các em thêm yêu trường, yêu lớp hơn. Có thể nói, những hoạt động đó giúp cho chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên.