Cần cởi mở hơn về quy hoạch để tạo điều kiện cho trường tư phát triển

17/04/2024 06:35
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo TS. Đàm Quang Minh, đôi khi sự phát triển của dân cư không hoàn toàn theo quy hoạch nên cần có sự thay đổi để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

Hiện nay, nhiều phụ huynh có xu hướng lựa chọn các trường tư thục dạy liên cấp cho con theo học để thuận tiện cho việc chuyển cấp cũng như đảm bảo chương trình học xuyên suốt. Tuy nhiên, thực tế, nhiều hệ thống giáo dục tư thục gặp phải tình trạng có cơ sở được đào tạo đủ các cấp, có cơ sở lại không.

Một số hệ thống giáo dục đã phản ánh với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khi muốn mở rộng quy mô đào tạo thêm các cấp khác ở cùng một cơ sở lại gặp rất nhiều khó khăn vì phải thay đổi quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Thậm chí có trường đã xin phép tới 4 năm vẫn chưa hoàn thiện.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest cho hay: “Quan điểm của tôi là rất ủng hộ các cơ sở giáo dục thành lập trường liên cấp để tạo điều kiện phát triển cho giáo dục ở các khu vực. Còn nếu xét về quy hoạch thì thực ra đôi khi sự phát triển của dân cư không hoàn toàn theo quy hoạch. Thế nên chúng ta cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội. Trong khi đó, trường tư nói chung đang cung cấp một dịch vụ bổ sung và khác biệt so với các trường công lập. Chính vì thế, để hệ thống trường tư phát triển tốt thì cần phải là một trường liên cấp từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông.

Nhiều trường hiện nay cũng rơi vào tình trạng ở cơ sở này chỉ được đào tạo tiểu học hoặc liên cấp tiểu học và trung học cơ sở mà lại không có trung học phổ thông. Khi học sinh chuyển cấp nếu muốn học lên cấp trên trong cùng một hệ thống thì bắt buộc phải sang quận khác mới có thể học được. Điều đó gây ra rất nhiều khó khăn đối với phụ huynh và học sinh.

Theo tôi, Nhà nước nên có những chính sách cởi mở hơn về quy hoạch nhất là đối với các trường tư thục. Khi xác định quy hoạch, với các trường công lập quy hoạch để nhà nước tập trung đầu tư. Nhưng với các trường tư, nguồn đầu tư là của tư nhân, Nhà nước không cần trích từ ngân sách. Chính vì thế, nên cởi mở hơn về quy hoạch, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển”.

12.jpg
Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Tiến sĩ Đàm Quang Minh nên để các trường tư thục hoạt động theo cơ chế thị trường, có thể tự điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh của mình sao cho phù hợp.

"Phụ huynh thường lựa chọn trường phù hợp với gia đình về chương trình học, về tài chính, về sự tiện lợi đưa đón con đi học, phù hợp với nơi làm việc của bố mẹ... Tuy nhiên khi con học hết 1 cấp học - chuyển cấp lại phải tính toán đảo lại.

Để phù hợp định hướng cho các gia đình, các cơ sở giáo dục nên có trường liên các cấp. Số phòng học cho tiểu học giảm thì tăng cho cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cơ sở giáo dục tư thục cần đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và cũng góp phần điều tiết sự phân bổ tốt của thành phố trong giáo dục. Khi quy hoạch một khu đô thị và đến khi hoàn tất trường học thường hàng chục năm sau, thực tế đã thay đổi và Sở Giáo dục và Đào tạo cần sát hơn việc phân bổ hợp lý này”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGEF; Chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên giới cho rằng: “Thực tế hiện nay mô hình đào tạo các trường liên cấp đã có. Tuy nhiên có thể vẫn là một doanh nghiệp đó người ta lại tách thành hai cấp, một là tiểu học, một là trung học cơ sở. Hoặc cũng có trường đào tạo đủ cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Rất nhiều cơ sở giáo dục tư thục đã làm như thế. Lý do Nhà nước phải phân chia như vậy vì độ tuổi khác nhau, các hoạt động trong một nhà trường cũng khác nhau.

Hiện nay, có rất nhiều hệ thống giáo dục liên cấp đã làm rất tốt điều này như Hệ thống Trường liên cấp Newton, Victoria Thăng Long…”.

Theo cô Huyền, nếu các trường muốn mở rộng quy mô đào tạo thêm các cấp khác ở cùng một cơ sở thì cần đáp ứng được các điều kiện về mặt diện tích, phòng học, đội ngũ nhân lực… theo tiêu chuẩn.

“Đối với các trường muốn mở rộng đào tạo đủ 3 cấp ở cùng một cơ sở thì điều quan trọng phải xem thiết kế của trường có phân tách rõ ràng theo phân khu từng cấp riêng không. Trong đó phải tách bạch từng khu tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông riêng.

Ví dụ cùng một diện tích trường nhưng phải tách bạch riêng khu bên phải là tiểu học, khu bên trái là trung học cơ sở, có thể lối đi thông nhau nhưng vẫn phải có sự phân tách riêng để hoạt động độc lập. Trong đó phải có phòng ăn độc lập, sân chơi độc lập, nhà vệ sinh độc lập riêng cho các cấp”, cô Huyền nhận định.

GDVN_co H.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGEF. (Ảnh: Thủy Tiên)

Nếu trường tư đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy liên cấp thì nên sớm giải quyết

Cùng bàn về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nhận định: “Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về luật đất đai trong đó có ưu tiên về chuyển đổi đất cho giáo dục. Nếu các trường có nguyện vọng mở rộng quy mô đào tạo thì Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần đề nghị thành phố có chỉ đạo sát sao trong năm học mới.

Ngoài ra, các địa phương cần chịu trách nhiệm về việc phát triển giáo dục ở mỗi địa phương của mình. Nếu chưa đủ ngân sách đầu tư cho các trường công lập thì nên tạo điều kiện cho các trường tư thục, những nhà đầu tư có điều kiện tham gia vào xây dựng trường tư thì mới nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Thực tế Hà Nội dân số ngày càng đông, trường công thì quá tải, số lượng trường học cũng đang thiếu. Chính quyền địa phương phải có chính sách giao đất cho nhà đầu tư, chỉ cho người ta địa điểm để xây dựng trường cho phù hợp với quy hoạch. Còn hiện nay các trường cứ đi xin đất rồi chờ quy hoạch thì sẽ rất lâu mới có thể xây dựng được trường.

Đồng thời chính quyền địa phương hàng năm cần có dự báo trước về biến động dân số ở địa phương, nhu cầu học tập hàng năm của học sinh địa phương như thế nào. Từ đó, các trường tư thục mới có căn cứ để xác định quy mô mở trường đào tạo cho hợp lý”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, các thủ tục hành chính nếu trường tư thục có thể đảm bảo điều kiện thì nên đơn giản hóa và giải quyết sớm. Đồng thời, việc phát triển các trường học ở mỗi địa phương cần do chính quyền địa phương có quy hoạch sát sao chứ không phải chỉ là việc của riêng sở giáo dục và đào tạo hay để bản thân mỗi trường tự lo.

“Với các trường đã đáp ứng yêu cầu đào tạo liên cấp rồi thì chính quyền địa phương nên chủ động hỗ trợ các trường hoàn thiện nốt các thủ tục hành chính để nhà trường yên tâm tập trung vào hoạt động đào tạo.

Quan niệm từ trước đến nay là trường tư cứ phải chờ đi xin phép, rồi chạy vạy lo đất đai nên mới mất thời gian và rất tốn kém chi phí. Nếu trường tư muốn mở rộng đào tạo thêm một số cấp mà không nằm trong quy hoạch về đất đai, không được phép đào tạo thì chính quyền địa phương cần chỉ cho các trường khu vực quy hoạch lân cận để được đào tạo thêm các cấp. Còn nếu không chỉ ra đất được phép đào tạo theo quy hoạch ở nơi khác thì nên đồng ý tạo điều kiện cho các trường mở thêm ở cùng một cơ sở”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

gdvn-thay-tung-lam-5391.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Thùy Linh)

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Dù đào tạo cấp học nào thì các trường cũng phải đặt chất lượng lên hàng đầu.

“Nếu các trường muốn mở thêm các cấp khác thì phải đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn. Sở Giáo dục và Đào tạo phải đi kiểm tra xem trường có đầy đủ đội ngũ giáo viên, đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật hay không. Các trường muốn được cấp phép thì cần trình bày rõ là trường đã đủ điều kiện như thế nào. Nếu đáp ứng được yêu cầu thì các cấp chính quyền cũng nên đơn giản hóa các thủ tục hành chính để cấp phép cho nhà trường đào tạo”.

Nhật Lệ