Cử nhân Tham vấn học đường có thể làm việc ở nhiều vai trò và đa dạng vị trí

01/07/2024 06:15
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công tác tham vấn học đường đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường rất quan tâm.

Cuối năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT về việc Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Theo đó, các trường học sẽ có thêm vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Tham vấn học đường có vai trò quan trọng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Khoa Các Khoa học Giáo dục của trường là nơi duy nhất tại Việt Nam đào tạo chương trình cử nhân Tham vấn học đường.

IMG_9075.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Những cử nhân tốt nghiệp ngành Tham vấn học đường ra sẽ đáp ứng đủ năng lực cho vị trí tư vấn học sinh. Hiện tại theo dự kiến, chúng ta đang cần khoảng 70.000 người để phục vụ cho công tác này”.

Theo thầy Trần Thành Nam, chuyên viên tham vấn học đường thường phải cùng lúc thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng về cơ bản sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, hỗ trợ khó khăn tâm lý và sức khỏe tâm thần của học sinh. Đây là nhiệm vụ được thực hiện nhiều nhất. Chuyên viên tâm lý học đường chịu trách nhiệm thiết kế các chương trình giáo dục phòng ngừa cho toàn trường để thúc đẩy sự khỏe mạnh và hạnh phúc, thực hiện các phiên tư vấn trực tiếp cho cá nhân và nhóm ứng dụng các kỹ thuật tham vấn trị liệu đã được chứng minh có hiệu quả.

Hai là, tạo động lực và thúc đẩy sự thành công trong học tập của học sinh. Nhiệm vụ của những nhà tham vấn học đường là tìm ra những nguồn lực, những phương pháp để hỗ trợ những học sinh đang gặp khó khăn trong việc học. Họ trao đổi với giáo viên và thậm chí tập huấn cho giáo viên để tìm ra những chiến lược tốt nhất giúp học trò vượt qua khó khăn.

Ba là, thường xuyên được thực hiện là đánh giá sàng lọc những điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, đánh giá chuyên sâu những vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần nặng như lo âu, trầm cảm hoặc các khuyết tật học tập khác để kết nối với các dịch vụ giáo dục đặc biệt hoặc bác sĩ tâm thần.

Nhiệm vụ thứ 4 mang tính tổng thể hơn là giúp nhà trường xác định những vấn đề tồn tại ở học sinh trong từng khối lớp, những vấn đề chung trong nhà trường và các giải pháp can thiệp. Chẳng hạn như vấn đề bắt nạt, vấn đề định hướng nghề nghiệp hay những hành vi liên quan đến tình yêu và sức khỏe sinh sản để tư vấn cho hiệu trưởng nhà trường giải quyết vấn đề kịp thời.

14b525b6-ec3e-43c2-aa8d-8b3eb38df034.jpg
Giảng viên và sinh viên ngành Tham vấn học đường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đến tham quan tại Hệ thống giáo dục liên cấp Vinschool (Ảnh: NVCC)

“Trong hoạt động hàng ngày của mình, chuyên gia tham vấn học đường sẽ phải làm việc với học sinh, với giáo viên và với cha mẹ. Đôi lúc nhà tham vấn học đường cũng phải làm việc với hiệu trưởng, ban giám hiệu và hội đồng sư phạm của nhà trường để đề xuất những giải pháp tổng thể” - thầy Nam cho biết.

Chương trình đào tạo thực tiễn, đa dạng trải nghiệm

Thầy Trần Thành Nam chia sẻ, với ngành Tham vấn học đường của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, người học sẽ được rèn luyện để thành thạo những năng lực như: Sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý, xã hội, học tập, nghề nghiệp ở học sinh; Năng lực tư vấn, dạy kỹ năng và phát triển tâm lý; Năng lực xử lý khủng hoảng trường học; sơ cứu tâm lý; Năng lực tổ chức tham vấn với giáo viên và phụ huynh học sinh…

Ngoài ra, tất cả các môn học sẽ được giảng dạy kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp. Người học sẽ được quan sát các chuyên gia tư vấn có thật qua hệ thống phòng học trang bị camera hoặc gương một chiều. Nhà trường cũng xây dựng hệ thống đánh giá tâm lý và các ứng dụng công nghệ để hỗ trợ cho sinh viên khi thực hành nghề nghiệp.

“Cử nhân Tham vấn học đường có thể làm việc đa nhiệm với nhiều vai trò và nhiều vị trí là chuyên viên tham vấn học đường chuyên trách tại các cơ sở giáo dục hoặc độc lập, nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực học đường, trẻ em và vị thành niên; chuyên viên tư vấn hướng nghiệp trong các cơ quan tổ chức. Chương trình cũng được thiết kế về mặt thực hành để đảm bảo các yêu cầu của chứng chỉ nghề nghiệp sau này” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết.

314454391_817590766137330_1848527394805450492_n.jpg
Sinh viên ngành Tham vấn học đường có hoạt động thực tế tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Bạn Nguyễn Thị Thảo Linh - cựu sinh viên ngành Tham vấn học đường của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Ban đầu gia đình em cũng rất lo ngại, bởi ở nông thôn thì khái niệm về tâm lý còn rất mơ hồ và xa lạ. Sau đó em đã tìm kiếm các thông tin về các cơ hội nghề nghiệp cũng như đơn vị đào tạo ngành tâm lý ở Việt Nam và chia sẻ cho bố mẹ cùng nghe. Gia đình đã tin tưởng, ủng hộ em.

Năm học cuối em có cơ hội thực tập tại một trường phổ thông liên cấp, tại đây em đã được trải nghiệm và học hỏi rất nhiều từ giáo viên hướng dẫn và từ chính các em học sinh. Trong bốn năm học tập tại Trường Đại học Giáo dục, dưới sự dẫn dắt của thầy cô và sự động viên từ gia đình, em cũng đã đạt được những thành quả đáng mong đợi, chuẩn bị sẵn sàng cho công việc”.

Hiện tại Thảo Linh đã có công việc ổn định với những đãi ngộ tốt, nhưng bạn vẫn quyết định sẽ học thêm Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề một cách tốt nhất.

Còn em Lê Thị Thu Hà, sinh viên năm cuối ngành Tham vấn học đường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Làm việc trực tiếp với con người chưa bao giờ là công việc đơn giản, quá trình học vì thế mà cũng có phần vất vả.

Nhưng trong quá trình đi học và trải nghiệm, em vui mừng khi thấy học sinh hào hứng với hoạt động phòng ngừa tâm lý mình tổ chức. Em thấy hạnh phúc khi học sinh mình thay đổi dù chỉ một chút, học sinh vui tươi chào đón mình buổi sáng khi đến trường, chạy tìm mình kể những câu chuyện vui trong ngày. Những bức thư, những món quà vội của học sinh, những kỷ niệm cùng tụi nhỏ làm em thêm yêu và muốn cống hiến thật nhiều cho ngành nghề”.

dc5c8ad2-141d-4437-89a3-0d395a73ceb4.jpg
Lê Thị Thu Hà trực tiếp trò chuyện với học sinh trong một buổi thực tế tại trường phổ thông (Ảnh: NVCC)

Bạn Hà cũng cho biết, trong 4 năm học đã được đi thực tế ở một số trường phổ thông và tiếp cận với nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Cuối khóa, sinh viên được giao chỉ tiêu về chỉ số đo lường hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ thực tập. “Em hay kể vui với thầy cô rằng trong 9 chỉ tiêu thì em nghĩ mình hoàn thành tốt nhất chỉ tiêu về lòng yêu nghề” - Lê Thị Thu Hà bày tỏ.

Bên cạnh đó, Thu Hà còn đoạt giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp trường với đề tài “Xây dựng ứng dụng hỗ trợ phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỷ lứa tuổi tiểu học tham gia học hòa nhập”.

Giữa làn sóng “chữa lành”, phòng tham vấn học đường ở các trường cần làm gì?

Theo thầy Trần Thành Nam, trong bối cảnh xã hội hiện tại, các bạn trẻ rất quan tâm đến vấn đề tâm lý. Nhiều người cung cấp “dịch vụ chữa lành” dù không có chuyên môn nhưng vẫn lợi dụng nhu cầu muốn được giải tỏa tâm lý, căng thẳng và cân bằng cuộc sống của cộng đồng.

Đây là lúc các phòng tham vấn học đường cần vào cuộc, tiếp cận sâu với học sinh. Tuy nhiên, phòng tham vấn học đường cần phải hoàn thiện nếu muốn trở thành một địa chỉ tin cậy để học sinh tìm đến tư vấn.

“Các cán bộ giáo viên kiêm nhiệm dẫu được tập huấn cũng không thể đảm nhiệm được những chức năng cần có của phòng tham vấn học đường. Bên cạnh đó cách thức triển khai quảng bá về phòng tham vấn học đường tại các trường còn chưa hiệu quả dẫn đến định kiến của cha mẹ và học sinh. Nhiều người còn nghĩ, khi phải lên phòng tham vấn tâm lý thì một là bị phạt vì lỗi gì đó hoặc “đầu óc có vấn đề”.

Không gian thiết kế cho phòng tham vấn tâm lý của các trường nếu không đảm bảo tính riêng thì học sinh cũng không cảm thấy thoải mái khi đến đó để chia sẻ” - thầy Nam cho biết.

Chuyên viên tham vấn học đường được ví như kiến trúc sư của những trường học hạnh phúc. Các phòng tham vấn học đường phải là nơi học sinh được chia sẻ, được lắng nghe, được đồng hành trong quá trình học tập - hướng nghiệp và cả những vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống.

Trần Trang